Dự án Y tế học đường năm 2012 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Vệ sinh học đường còn nhiều bất cập

NDO - Chuyện nhỏ mà không nhỏ, vấn đề vệ sinh học đường đã trở nên bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, sinh viên. Chưa nói đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay tại các thành phố lớn, việc xây dựng nhà vệ sinh và các trang thiết bị vệ sinh trường học vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Hướng dẫn kiểm tra độ ô nhiễm của nước tại điểm trường Cửa Vạn (Trường THCS Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh).
Hướng dẫn kiểm tra độ ô nhiễm của nước tại điểm trường Cửa Vạn (Trường THCS Hùng Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh).

Khổ vì thiếu

Một trong những "căn bệnh kinh niên" khi nói đến vệ sinh học đường của các trường học vẫn là nhà vệ sinh. Theo khảo sát, có tới hơn 30% trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không bảo đảm chất lượng. Ở những trường có nhà vệ sinh, nhưng tới gần 20% không có vòi nước rửa và phần lớn  chưa có xà-phòng rửa tay cho học sinh. Tình trạng nhà vệ sinh cũ hỏng, bẩn thỉu, thiếu nước, xà-phòng và giấy vệ sinh không phải là chuyện hiếm thấy ở ngay cả trên địa bàn các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều trường ở các huyện Ba Vì, Mỹ Ðức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ðan Phượng... (Hà Nội) thiếu nhà vệ sinh đến mức báo động. Một phụ huynh Trường Thành Công B cho biết: "Nhà vệ sinh bẩn còn do quá tải. Quy định là 100 học sinh phải có một nhà vệ sinh, trong khi một lớp bây giờ đã lên tới 60 đến 70 học sinh, rõ ràng quy định chỉ nằm trên giấy".

Trường học là nơi tập trung đông người, nếu điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm, thiếu nguồn nước sạch, nhà vệ sinh... thì nguy cơ phát sinh và lan truyền dịch bệnh rất cao, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy, tả. Chưa kể vì điều kiện vệ sinh không bảo đảm, rất nhiều học sinh vì sợ bẩn nên "nhịn" tiêu, tiểu dẫn đến bị bệnh thận và táo bón.

Ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn môi trường vệ sinh học đường còn kém hơn rất nhiều. Tình trạng thiếu trường lớp, bàn ghế, không đủ ánh sáng, không có nhà vệ sinh, nước uống cũng như nước sinh hoạt khá phổ biến. Ở những vùng cao như tỉnh Hà Giang vào mùa khô nước càng trở nên hiếm. Nhiều trường không có nước máy, phải trữ nước mưa để dùng dần. Có những điểm trường muốn lấy được nước suối về dùng thì phải đi cả ngày đường. Ðiều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên khó mà bảo đảm những điều kiện vệ sinh cơ bản khác.

 Cơ quan chức năng vào cuộc

Trường học khang trang, môi trường vệ sinh sạch sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm sức khỏe của giáo viên và học sinh, nhằm tăng cường chất lượng môi trường giáo dục. Ðó là nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh. Tuy vậy ở những nơi khó khăn, ước mơ này vẫn còn quá xa vời. Trước mắt, những việc có thể làm hằng ngày là dạy các em học sinh ý thức bảo vệ, tiết kiệm nguồn nước sạch cũng như giữ gìn vệ sinh chung. Không vứt rác bừa bãi, tắt vòi nước sau khi sử dụng, vệ sinh đúng chỗ, dội nước sau khi vệ sinh,... những việc đơn giản như thế có thể giúp giữ gìn môi trường vệ sinh học đường thật sự "xanh, sạch, đẹp". Phổ biến cho học sinh kiến thức và kỹ năng thực hành về các vấn đề sức khỏe như vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường sở, vệ sinh môi trường và nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao dần những hiểu biết của các em về tầm quan trọng của các vấn đề này là hết sức cần thiết. Từ đó, các em nâng cao ý thức, nâng cao chất lượng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống của gia đình, khu dân cư; khắc phục các tập quán, thói quen lạc hậu, phản vệ sinh, xây dựng các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe.

Chính vì tầm quan trọng của "công trình phụ" (nhưng thực ra không hề phụ), bởi thời gian học sinh bán trú ở trường thường từ tám đến chín tiếng, nên thời gian gần đây nhiều trường học đã đầu tư cải tạo nhà vệ sinh, một số trường học có điều kiện cũng đầu tư sửa sang lại những khu công trình phụ cũ kỹ. Do vậy, điều kiện vệ sinh trường học đã được cải thiện đáng kể. Em Ngọc Diệp, học lớp 4B, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội), cho biết: "Trước đây, em cũng như các bạn phần lớn là phải "nhịn",  mỗi khi bất đắc dĩ phải vào nhà vệ sinh là bịt mũi từ xa. Năm vừa rồi trường đã sửa lại khu vệ sinh, trong đó có đầy đủ nước, xà-phòng và giấy vệ sinh, nên chúng em đỡ khổ...".

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chủ động đưa nội dung truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường vào Chỉ thị năm học và chỉ đạo toàn ngành theo từng năm học. Ðồng thời, liên ngành cũng phát động các phong trào thi đua như: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp"... Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép giáo dục vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường vào các tiết học chính khóa của các môn học và hoạt động ngoại khóa. Theo Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2012-2015, phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% các trường mầm non và phổ thông có đủ nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Hy vọng với những quyết tâm này, hàng vạn học sinh sẽ có nhà vệ sinh hợp lý, bảo đảm môi trường sinh hoạt và học tập tốt hơn.

* Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Trần Quang Quý: Cuối năm 2011, tỷ lệ cấp nước và vệ sinh trường học đạt 87%, tỷ lệ công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học tăng 2% mỗi năm phục vụ cho 22 triệu học sinh, sinh viên. Dù vậy, ở nhiều nơi nước và các công trình vệ sinh học đường còn thiếu thốn, xuống cấp nhất là các vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh. 

* Theo số liệu thống kê của Dự án học đường (Bộ Y tế)

Hiện chỉ có gần 60% phòng học đạt yêu cầu thông gió và chiếu sáng. Chỉ có 49% trường sử dụng nguồn nước máy, 42% trường dùng nước giếng khoan có lọc cho sinh hoạt. Vẫn còn gần 9% trường ngoại thành dùng nước giếng khoan không lọc và nước mưa. Gần 30% trường chưa có đủ nước uống và nguồn nước sinh hoạt phục vụ học sinh và giáo viên. 75% trường có hệ thống thu gom xử lý rác, 35% trường chưa có hệ thống thoát nước theo quy định, 40% trường có bếp ăn tập thể, căng-tin chưa bảo đảm vệ sinh,...