Khi "hươu non" lạc đường

NDO - Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên không chỉ đang thiếu kinh nghiệm sống mà ngay cả vấn đề sức khỏe sinh sản, giới tính cũng có một "lỗ hổng" lớn. Ðiều đó không chỉ khiến các em hoang mang mà còn dễ lĩnh nhận hậu quả bởi cách nghĩ non nớt hay một phút ngã lòng.
Việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường còn kém hấp dẫn.
Việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường còn kém hấp dẫn.

Người trẻ thiếu kỹ năng

Cả chục năm qua, nhiều cơ quan cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên thiếu kỹ năng, hiểu biết về sức khỏe sinh sản đã dẫn đến những hậu quả đau lòng. Xin kể về một số trường hợp. Ðó là "cặp đôi nhí" của một trường THPT ở Bắc Ninh đã phải làm đám cưới khi đang học lớp 11, không được chính quyền cho phép vì chưa đủ tuổi. Ðiều đáng nói là nạn nhân nữ trong trường hợp này vô tư không biết mình có thai cho đến tháng thứ sáu, khi một người hàng xóm thấy lạ và "sờ bụng" rồi nói với gia đình. Hay ở một xóm trọ trong phố chợ Khâm Thiên (Hà Nội), sinh viên Lê Văn Chí và Nguyễn Thị Thuần yêu nhau, họ ở chung phòng cùng với ba cô gái khác. Kết quả của những tháng ngày gồng mình học tập và làm thêm với cuộc tình sinh viên lãng mạn đó là cái thai bảy tháng tuổi. Chuyện bất bình thường là cả hai đều ngờ nghệch, chẳng có chút kiến thức nào về sức khỏe sinh sản, phải đến lúc thai to như vậy rồi Thuần mới biết mình... dính. Khi được hỏi, Thuần chỉ nói: "Người em khá mập nên chỉ nghĩ mình béo chứ có biết là mang thai đâu". Cũng ở Hà Nội có một bé gái học lớp 10, được mẹ cưng chiều, thương yêu luôn cho ngủ cùng phòng với mình, nhưng phải đến ngày con đi đẻ mới biết.

Ðó chỉ là vài trong số hàng nghìn trẻ vị thành niên lãnh hậu quả từ thiếu hiểu biết. Các em như những con "hươu non" phải tự tìm hiểu, tự bơi và khám phá cuộc sống đầy thông tin nhưng lại rất mù mờ này. Nhiều em đã lấy bạn khác để áp dụng cho bản thân hoặc lên mạng in-tơ-nét, facebook "tìm hiểu bản thân", học cách yêu. Ác thay, thế giới mạng tung ra đủ thứ thông tin làm giới trẻ ngộp thở, không phân biệt được đúng sai. Kết quả là, ngoài bị dụ dỗ trực tiếp, nhiều em gái bị dụ dỗ qua thế giới ảo và đã sập bẫy vì hổng kiến thức để phòng tránh.

Liên quan đến vấn đề này, tại các buổi tâm sự ở những trung tâm tư vấn, nhiều trẻ vị thành niên đưa ra những câu hỏi rất ngây ngô, như: "Hôn nhau thì có bầu được không?", "Ðeo găng tay có... tránh được dính bầu?", "Làm thế nào để vẫn quan hệ khi còn đi học mà không phải lo đến hậu quả có con ngoài ý muốn?". Có bạn nữ học năm thứ hai đại học vẫn hỏi: "Nhũ hoa là gì hả chị?"... Lên diễn đàn mạng tìm sự chia sẻ là cách hiện nay nhiều bạn lựa chọn, đơn cử như Bùi Ðình Ước (uocdinh22Ú...), khi hỏi bố về chuyện có hiện tượng xuất tinh ban đêm thì bị bố mắng là "sớm hư hỏng", khiến cậu buồn rầu nghĩ mình bị ung thư. Mãi sau này đi hỏi, cậu mới biết đó chỉ là hiện tượng mộng tinh. Liên quan đến vấn đề này, bạn Ðỗ Hằng Vân (học sinh Trường THPT Phú Xuyên B, Hà Nội) băn khoăn: "Em và mấy đứa bạn bằng tuổi lúc nào cũng rúc rích hàng mớ câu hỏi ở tuổi mới lớn, nhưng chẳng đứa nào trả lời được rõ ràng. Tâm sự với mẹ, với cô giáo thì ngại, sợ bị mắng. Quả thực nhiều lúc em chẳng biết hỏi ai, chỉ còn cách "cầu cứu" trên mạng".

Vẽ đường cho "hươu" chạy đúng

Trong một nghiên cứu năm 2012, 93,7% đối tượng tham gia coi tình dục là điều bình thường và là chuyện tự nhiên trong cuộc sống. Trung bình, giới trẻ quan hệ tình cảm từ tuổi 17, 18 nhưng cũng có thể bắt đầu từ tuổi lên 10 và rất phổ biến những bạn có nhiều người yêu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra gần một nửa số trẻ vị thành niên tham gia một nghiên cứu khác cho biết từng yêu và có quan hệ tình dục; 7,6% các em chưa yêu đã quan hệ chăn gối.

Phải khẳng định, lỗ hổng kiến thức về bản thân là rất lớn, trong khi trẻ vị thành niên đang có xu hướng dậy thì sớm và độ tuổi biết quan hệ tình dục cũng ngày càng thấp, đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ðem chuyện này hỏi thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng), ông cũng tỏ ra lo ngại: "Ðúng là qua vài vụ việc, tôi cũng giật mình, là việc GDGT cho trẻ em thông qua môn Giáo dục công dân, Sinh học ở nhà trường mới chỉ làm cho đủ môn. Thực chất, chưa ai tính toán đến hiệu quả, không ai kiểm tra, rà soát xem việc phổ biến đó đến đâu. Tất cả cứ xong là cho xong luôn, và kết quả đa số học sinh thiếu kiến thức. Vì thế, các em sống theo bản năng, tự học bè bạn và sai lầm".

Những năm gần đây, nhiều cuộc hội thảo cũng như các nghiên cứu công phu đã đưa ra những con số cảnh báo, cần tìm ra biện pháp định hướng, trang bị vốn hiểu biết cho các bạn trẻ. Có chuyên gia chỉ ra, đằng nào người ta cũng phải lập gia đình, quan hệ tình dục. Dù có tìm mọi cách ngăn cấm thì người trẻ vẫn làm chuyện đó. Vậy tại sao lại thiếu công bằng, không trang bị kỹ năng tình dục an toàn để giảm bớt những em bé sinh ra mà chưa được sự chuẩn bị của cha mẹ chúng. Kêu gọi sự cởi mở trong việc GDGT cho tuổi vị thành niên, bà Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) nói một câu rất tâm đắc: "Chúng ta không thể nhốt hươu, bỏ mặc cho hươu chạy để rồi phải đuổi theo kêu cứu. Cần chỉ đường cho hươu chạy đúng hướng". Ấy vậy, biết bao giờ sự dè dặt, ái ngại ở chính các gia đình, nhà trường mới chấm dứt?

Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của nền kinh tế thị trường cùng với những mặt trái của nó đã đặt giới trẻ, nhất là độ tuổi vị thành niên đứng trước những thử thách vô cùng lớn. Sẽ là rất sai lầm nếu các bậc cha mẹ nghĩ rằng "lớn lên rồi chúng nó sẽ biết", hoặc nhà trường chỉ dạy cho đủ môn. Trẻ vị thành niên có kiến thức, "đọc vị" được cơ thể mình thì không chỉ tránh được tình trạng có thai ngoài ý muốn, mà còn phòng tránh được một số bệnh lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân. Không thể chậm trễ hơn, các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức trong giáo dục con cái, và nhà trường cần coi GDGT là một trong những bộ môn quan trọng, hướng tới chất lượng giáo dục toàn diện.

* GS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và phát triển:

Gia đình đáng lẽ phải là nơi quan trọng nhất hướng dẫn con em về giới tính, giúp lứa tuổi mới lớn tự tin chống đỡ những rủi ro, cạm bẫy của cuộc sống. Thế nhưng, bởi nhiều rào cản từ những quan niệm, định kiến hay đơn giản chỉ là sự e ngại đã biến gia đình trở thành chiếc hộp bí mật, bị niêm phong, cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Tất nhiên, GDGT không chỉ là trách nhiệm của gia đình hay nhà trường, mà trong đời sống hôm nay với đầy rẫy bất trắc, thiết nghĩ cần lắm những chế tài đủ mạnh để bảo vệ các em, cũng như xử phạt nghiêm khắc hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, hay truy cứu trách nhiệm đối với hành vi nạo phá thai.