Nóng việc sửa quy chế thi
Sau rất nhiều hội nghị, hội thảo tổng kết rút kinh nghiệm tuyển sinh 2015, đến ngày 18-2, Bộ GD-ĐT mới cho công bố dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26-2-2015 để lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, có tới 12 điểm được điều chỉnh trên nguyên tắc: “Những gì đã làm tốt năm 2015 thì sẽ được làm tốt hơn, những gì còn bất cập thì khắc phục triệt để, còn những gì không cần thiết phải thay đổi thì giữ nguyên để bảo đảm ổn định tâm lý thí sinh (TS)” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Điều đáng nói, trong khi dư luận đang đóng góp ý kiến cho dự thảo bằng nhiều cách thì chiều 23-2, sát thời điểm bài báo này lên khuôn, Bộ lại tiếp tục đưa ra dự thảo thứ hai: Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT với số điểm điều chỉnh là 19 điểm.
Một trong những điểm sửa đổi đáng lưu ý lần này là tiếp tục duy trì hai loại cụm thi, nhưng sẽ mở rộng: mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cụm thi ĐH (do trường ĐH chủ trì) dành cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ; cụm thi tốt nghiệp (do sở GD-ĐT chủ trì) dành cho TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả hai đối tượng TS dự thi.
Điểm sửa đổi này nhằm mục đích tạo thuận lợi cho TS không phải di chuyển xa đến các cụm thi khu vực như năm ngoái. Nhưng lại đang vấp phải những ý kiến không đồng tình về việc Bộ vẫn giữ quan điểm tổ chức hai loại cụm thi - sẽ dễ tạo tâm lý phân biệt về chất lượng. “Nếu Bộ đã chủ trương cả hai loại cụm thi đều phải được thực hiện nghiêm túc, công bằng thì sao còn phải quy định riêng loại cụm thi chỉ được xét tốt nghiệp THPT?”. Câu hỏi này của GS Đặng Ứng Vận, đến nay vẫn được Bộ GD-ĐT để ngỏ! Việc ra đề cho một kỳ thi chung cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Điều đáng nói là, vấn đề này đã có không ít chuyên gia từng cảnh báo từ sớm. Bên hành lang kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đã thẳng thắn: “Với hai chức năng khác nhau, hai yêu cầu khác nhau, rất khó ra chung đề cho hai mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ”.
Ngay sau đó, cũng có không ít ý kiến đồng tình với quan điểm này. Theo đó, tuy ngành giáo dục vẫn cho rằng đề thi ngày càng hướng đến đòi hỏi tiếp cận năng lực; nhưng trên thực tế cũng sẽ rất khó đổi mới cách ra đề trong khi cách dạy và học vẫn như cũ.
Xét tuyển vẫn còn nhiều rủi ro?
Liên quan đến quy định cộng điểm ưu tiên khu vực, trong dự thảo lần này, Bộ GD-ĐT đã tiếp thu và có những quy định cụ thể hơn nhằm hạn chế tiêu cực “chuyển trường”, “chạy hộ khẩu” để hưởng khu vực ưu tiên. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cũng nên có quy định ngưỡng điểm ưu tiên tối đa cho mỗi TS được hưởng, tránh tạo sự quá chênh lệch giữa các vùng.
Làm sao để khắc phục tình trạng lộn xộn ở khâu xét tuyển như đã diễn ra hồi năm ngoái cũng nhận được nhiều kiến nghị. Trong dự thảo sửa đổi lần này, giải pháp đưa ra là: TS chỉ cần sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi của mình để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH, CĐ trong các đợt xét tuyển bằng phương pháp nộp phiếu ĐKXT cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến. Kể cả lệ phí ĐKXT cũng nộp qua đường bưu điện hay các phương thức khác do trường quy định (loại trừ phương thức nộp trực tiếp tại trường).
Cùng đó, việc chọn trường, chọn ngành cũng được điều chỉnh: Đợt xét tuyển đầu tiên, TS chỉ được ĐKXT tối đa vào hai trường, mỗi trường không quá hai ngành; các đợt bổ sung, TS được đăng ký tối đa ba trường, mỗi trường không quá hai ngành; và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Việc rút ngắn thời gian ĐKXT (đợt đầu tiên là 12 ngày, mỗi đợt tiếp theo là 10 ngày) - đều là những giải pháp giúp TS không phải “ăn chực nằm chờ”, hoặc chen lấn để nộp hồ sơ như năm trước. Tuy vậy, để công tác xét tuyển được suôn sẻ, đòi hỏi khâu kỹ thuật của cả hệ thống, phần mềm tuyển sinh phải bảo đảm hoạt động thông suốt, tối ưu. Cũng như nhiều TS khác, em Phạm Thị Hồng Nhung, cựu học sinh Trường THPT Thường Tín (Hà Nội) còn băn khoăn: “Năm ngoái vì không nộp kịp hồ sơ vào ĐH Bách khoa Hà Nội nên năm nay em sẽ thi lại. Em cũng được biết là năm nay không cần phải nộp trực tiếp tại trường, nhưng chắc vẫn phải đợi đến hạn chót kỳ xét tuyển mới nộp để còn nghe ngóng khả năng đỗ hay trượt đã. Nhưng em thực sự lo, nếu ai cũng chờ như thế thì những ngày cuối lại quá tải?”.
Lo chất lượng đầu vào Ngoài những điểm sửa đổi quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay, PV Báo Nhân Dân cuối tuần cũng đã ghi nhận được nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc “bảo đảm chất lượng đầu vào” cho các cơ sở giáo dục đại học. Xem xét quy định mới về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trường CĐ là “Tốt nghiệp THPT”, PGS Văn Như Cương (Trường THPT DL Lương Thế Vinh) cho rằng: “Không chỉ các trường CĐ, nếu việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT bảo đảm chất lượng, thì ngưỡng này có thể áp dụng chung cho cả các trường ĐH. Việc tuyển sinh sẽ do mỗi trường quyết định”.
Ý kiến trên không phải là không có lý, nhưng nếu áp dụng ngay lúc này, khi mà đa số các cơ sở giáo dục căn cứ điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển thì chưa hợp lý. GS Đặng Ứng Vận (ĐH Hòa bình) phân tích: “Một trong những nguyên nhân vắng nguồn tuyển ở các cơ sở giáo dục top dưới như năm ngoái, là do nhiều trường top trên năm vừa qua đã tăng chỉ tiêu, có trường còn hạ thấp điểm chuẩn để hút TS. Như vậy, Bộ vẫn cần tiếp tục duy trì các mức ngưỡng bảo đảm chất lượng khác nhau. Điều này cũng phù hợp với chủ trương phân tầng, xếp hạng giáo dục ĐH. Đã đến lúc các trường công lập cũng phải chịu sự cạnh tranh trong bối cảnh chung”.
Đành rằng, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ làm nhiệm vụ “xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển” là phù hợp. Tuy nhiên, chủ trương phân tầng, xếp hạng ĐH có khả thi hay không còn phụ thuộc nhiều vào ý thức trách nhiệm và tư duy đổi mới tự thân mỗi cơ sở giáo dục.
Ở góc độ hướng nghiệp, GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam), nhìn nhận: Ở đợt xét tuyển bổ sung năm ngoái, nhiều trường than rằng “không hiểu TS đi đâu hết” và lo không tuyển đủ chỉ tiêu. Tôi nghĩ, không phải lo cho các trường đó. Như các năm trước, họ đã nghĩ ra đủ cách để thu hút TS, từ việc quảng cáo các chính sách ưu đãi cho đến cả chiêu gửi thư mời nhập học cho cả TS không dự thi, thậm chí trượt tốt nghiệp. Theo tôi, cách hiệu quả nhất vẫn là tự các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2016; ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của nhà chuyên môn, các tầng lớp nhân dân để nhanh chóng hoàn thiện Quy chế, khắc phục triệt để những bất cập. Có như thế mới mong bảo đảm thực hiện một mùa tuyển sinh thành công.
Theo phương án Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-7, với tám môn thi. Thời gian ĐKXT bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết ngày 20-10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15-11 đối với hệ CĐ. Trước ngày 30-11, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả tuyển sinh của trường. |
Hiện đang có xu thế nhiều cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh với đề riêng, thi năng khiếu. Như thế, mỗi trường có đặc thù và yêu cầu chất lượng khác nhau sẽ có những cách tuyển sinh phù hợp nhất cho mình. Xu hướng này cần phải được khuyến khích mở rộng, tạo điều kiện để các trường tự chủ và tự vận động. |