Viết tiếp giấc mơ bay trên những cánh đồng

NDO - Giọng Huế nhỏ nhẹ chỉ vừa đủ nghe, nhưng cách nói dứt khoát, rành mạch, những chia sẻ của Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam tại buổi giao lưu Ðại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 7 mới diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham dự. Anh tâm đắc một điều, rằng cách học và phát triển nhanh nhất là sự kết nối và chia sẻ. Mỗi người là một hạt nhân, sự hợp tác, giao lưu và chia sẻ kiến thức kỹ năng, kinh nghiệm giữa những người trẻ mang đến nguồn tài nguyên vô giá...
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam.
Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam.

Vạn sự khởi đầu nan

Nguyễn Văn Thiên Vũ là người mạnh dạn đưa công nghệ drone (máy bay không người lái) vào các cánh đồng thửa lớn ở Việt Nam. Đến nay, drone của AgriDrone đã phủ khắp các cánh đồng thửa lớn, từ đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh duyên hải miền trung, đồng bằng Bắc Bộ.

Vũ chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan hơn 10 năm trước, khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Áp lực học hành thi cử nặng nề, dự án ấp ủ mãi không thành hình. Năm 2018, Vũ và nhóm bạn thành lập Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam. Dân kỹ thuật và đam mê công nghệ, nhóm Vũ gần như là những người tiên phong trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị với khát vọng lớn lao một ngày không xa cho ra những dòng máy bay không người lái với những tính năng phù hợp với người nông dân. Khi chưa thể biến đam mê thành hiện thực, nhóm Vũ dày công kết nối để đưa công nghệ này về Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đầu mang công nghệ drone đến giới thiệu với bà con miền tây, nơi có những cánh đồng lúa rộng thẳng cánh cò bay, có lão nông tri điền da rám đen vì nắng, cười độ lượng chỉ thấy mỗi hàm răng lấp lóa trong nắng chiều bỏng rát: tụi bay muốn thử thì thử, đừng làm hư lúa, ý cũng chẳng tin tưởng gì mấy cậu thư sinh, da trắng mặt non chỉ biết học chứ biết gì! Mà để cho tụi nó nghịch...

Viết tiếp giấc mơ bay trên những cánh đồng ảnh 1

Những chiếc máy bay không người lái lần đầu xuất hiện trên cánh đồng Việt.

Ảnh trong bài | AgriDrone Việt Nam

Khó khăn nhất là kỹ sư mà phải đi tiếp thị bán hàng, việc vốn không được học ở trường, chưa từng được ai chỉ dạy. Tuy nhiên, Vũ và các bạn hiểu, muốn bán được hàng phải tự tìm đến khách hàng tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Với những công nghệ mới, cần có thời gian để thuyết phục người dùng. Bởi vậy, dù bị từ chối, Vũ và cậu bạn vẫn kiên trì thuyết phục người dân cho vận hành thử.

Bằng hiệu quả mắt thấy tai nghe, bà con bắt đầu tin tưởng đặt hàng. Nhóm Vũ đưa người đến tận nơi hỗ trợ điều khiển vận hành, tổ chức tập huấn cách sử dụng để bà con chủ động công việc mùa vụ. Để thuận lợi hơn, AgriDrone còn mở thêm dịch vụ cho thuê, người nông dân trả tiền theo diện tích phun tưới thực tế. Điều đáng mừng, người dân sau khi trải nghiệm dịch vụ drone, hầu hết đều trở thành khách hàng lâu dài không muốn trở lại phương thức canh tác truyền thống nữa.

Năm 2019, AgriDrone thành lập trạm phun dịch vụ đầu tiên tại Thừa Thiên Huế. Không còn là những chiếc máy bay phun thuốc thấy trên tivi, người dân đất thần kinh đã tận mắt nhìn thấy máy bay không người lái vận hành ngay trên cánh đồng nhà mình, rộn ràng hứng khởi hơn trong câu chuyện làm ăn và những dự định. “Không chỉ có phun thuốc, bà con tiết kiệm tiền, tới đây con đưa máy bay gieo sạ, bón phân về phục vụ bà con”-Vũ hứa...

Kiên trì xuống tận ruộng tiếp cận khách hàng, đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, AgriDrone trở thành đơn vị đứng đầu về phân phối máy bay nông nghiệp tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mạng lưới lớn mạnh gồm 75 cơ sở, hàng trăm đối tác, đại lý trên toàn quốc với lượng khách hàng đông đảo. Hơn 1.000 máy bay nông nghiệp đang vận hành, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, phía bắc có Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, miền trung dẫn đầu là Thừa Thiên Huế, Nghệ An... Hiện nay, đã có khoảng 3 triệu ha đất nông nghiệp được canh tác bằng công nghệ drone.

Hướng đi mở cho nông nghiệp

Thiết bị bay drone sử dụng đầu phun với hiệu ứng phun sương cắt hạt thuốc thành kích thước siêu nhỏ dạng sương mù, kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt, giúp cho thuốc có thể tán đều lên cả mặt trước và mặt sau của lá, điều bất khả thi đối với cách làm cũ. So với phương pháp phun tưới truyền thống, hiệu quả phòng dịch khi sử dụng công nghệ drone tăng 15-35%, tiết kiệm 30% lượng thuốc sử dụng và 90% lượng nước tiêu thụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Với những con số thống kê cụ thể đó, đội ngũ AgriDrone luôn tự tin khi giới thiệu với bà con, khả năng phòng trừ sâu bệnh, dập dịch nhanh, hiệu quả cao là lợi thế lớn khi áp dụng công nghệ phun thuốc bằng drone. Ngoài ra, việc người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất là điều khiến Vũ tâm đắc khi triển khai dự án.

Để nắm bắt và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, AgriDrone Việt Nam xây dựng đội ngũ chuyên gia nông nghiệp tư vấn về các kỹ thuật nhằm mục tiêu hỗ trợ hiệu quả hơn cho bà con trong quá trình cung cấp dịch vụ, Vũ hào hứng chia sẻ.

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay vốn chưa được chú trọng đúng mức. Hầu hết các vùng nông thôn đều quan niệm lực lượng lao động trẻ khỏe nên đến thành phố, đô thị lớn làm ăn. Đồng ruộng chỉ phù hợp với người đã qua độ tuổi lao động sung sức. Chính vì thế, lao động trẻ ở nông thôn khan hiếm, giá nhân công đẩy lên cao vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Sử dụng công nghệ máy bay không người lái đã giải quyết tốt bài toán này.

Mục tiêu trước mắt của Vũ là tạo dựng được một nhà máy drone quy mô lớn sẽ được xây dựng ngay tại Thừa Thiên Huế quê hương anh, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, thu hút nguồn lực lao động trẻ tham gia vào mảng nông nghiệp-nông thôn. Để thực hiện mục tiêu này, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao lên tới 1.000 người vào năm 2025...

Tạo nghề mới cho thanh niên nông thôn

Hồi đầu năm nay, trong chương trình giao lưu trực tuyến Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, phần giao lưu của Nguyễn Văn Thiên Vũ đã thu hút sự quan tâm lớn của thanh niên nông thôn khi đề cập đến cơ hội nghề nghiệp và những trăn trở dự định lập thân lập nghiệp.

Viết tiếp giấc mơ bay trên những cánh đồng ảnh 2
Sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse tổ chức tại Sơn La.

Nguyễn Văn Thiên Vũ hiện đang điều hành đồng thời hai công ty, doanh thu năm 2022 đạt 80 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng; tốc độ phát triển so với năm 2021 tăng gấp 3 lần quy mô. Dịch vụ của AgriDrone đã được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hơn 40 tỉnh thành cả nước.

Hiện AgriDrone đang sở hữu hơn 1.500 phi công nông nghiệp do họ trực tiếp tuyển dụng, đào tạo nghề. Anh tự hào với nguồn lao động lành nghề của mình: Sau khi tham gia các khóa đào tạo, phi công phải trải qua đợt sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề, được ứng tuyển vào các đội bay. Tuy nhiên đó mới là khởi đầu. Sau khi được phân công về đội, quá trình học việc của các phi công mới chính thức bắt đầu. Các đội bay có nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn cụ thể, bằng trực quan sinh động ngay trên đồng ruộng.

Vì theo sát từ khâu gieo hạt, bón phân, phun tưới, chứng kiến cả quá trình chăm bón, vui buồn cùng bà con, Vũ muốn kết nối để tìm đầu ra cho nông sản. Vốn đam mê công nghệ và giầu ý tưởng, Vũ đề xuất xây dựng sàn nông sản vũ trụ ảo được Trung ương Đoàn đồng hành hỗ trợ, đã triển khai ở 13 tỉnh thành. Với đà này, đến năm 2025, ít nhất 400 sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse sẽ được triển khai ở 63 tỉnh, thành trên cả nước...

Nguyễn Văn Thiên Vũ luôn tin rằng ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp nông thôn là hướng đi tích cực. Đó là cách để lôi kéo người trẻ dấn thân vào lĩnh vực này, rồi đây nông nghiệp Việt sẽ khởi sắc nhờ lớp thanh niên có kiến thức, có tích lũy để đủ tự tin hội nhập, “vươn ra biển lớn”.