Dan Hambleton:

Việt Nam luôn làm ấm trái tim tôi

Để gọi tên nghề nghiệp của Dan Hambleton là gì, thật khó, bản thân ông cũng không biết chọn danh xưng nào dành cho mình: họa sĩ, giáo viên tiếng Anh hay người viết độc lập. Dan Hambleton là một người Mỹ đã lựa chọn đến Hà Nội để sống lâu dài từ năm 2011, sau chuyến thăm đất nước Việt Nam lần đầu, năm 1999. Câu chuyện với ông đã mở ra cho chúng ta thật nhiều điều về những vẻ đẹp ẩn khuất của cuộc sống và con người Việt Nam.

Dan Hambleton là tác giả của ấn phẩm Warm Rain: My journey to the heart of Vietnam (Nhà xuất bản Thế Giới, 2020)
Dan Hambleton là tác giả của ấn phẩm Warm Rain: My journey to the heart of Vietnam (Nhà xuất bản Thế Giới, 2020)

Học từ cách nhìn cuộc sống của người Việt Nam

- Tôi được biết ông đã từng tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ những năm cuối thập niên 60, thế kỷ trước. Đấy có phải là lý do lớn khiến ông lưu giữ hình ảnh Việt Nam trong tâm trí và lựa thời điểm có thể để tới đây?

- Đúng là tôi từng tham gia phong trào ấy nhưng thời điểm lịch sử đó đã lùi xa quá rồi. Chỉ nên nói là anh em chúng tôi và bạn của anh trai tôi đã nghĩ ra đủ mọi cách để tránh việc phải tới miền nam Việt Nam tham chiến.

Nhưng tôi đã gặp nhiều người Việt Nam rời quê hương bởi một phần hậu quả của cuộc chiến ấy và những gì mà tôi thu nhận được từ trải nghiệm tình bạn với họ đã dạy lại tôi rất nhiều, đúng hơn là đã cho tôi thấy một cách sống mới, mở ra một phần đời mới và đúng, vì thế, tôi đã ở đây, hôm nay.

- Ông đã gặp những người Việt Nam ở Mỹ trong hoàn cảnh như thế nào và điều gì từ cách sống của họ khiến ông phải suy ngẫm nhiều nhất về chính bản thân mình?

- Tôi đã có nhiều năm rời quê hương ở bắc Virginia đến những vùng xa xôi của Mỹ để làm việc. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi quay lại nhà mình, tôi có cảm giác bị sốc văn hóa. Tôi đang quen sống thanh đạm, thưa vắng bỗng rơi vào chốn quá náo nhiệt. Lúc đó, quanh khu nhà của tôi đã có rất nhiều cư dân châu Á, họ làm đủ mọi nghề kiếm sống và nói với nhau những ngôn ngữ rất xa lạ, kích thích trí tò mò ghê gớm trong tôi về cách sống của họ. Người châu Á đầu tiên mà tôi có thể nói chuyện một người Việt. Anh ấy dạy tôi nói những từ tiếng Việt đầu tiên, chào phụ nữ chưa chồng thì thế nào, đã có gia đình thì ra sao, chào một anh nam giới trẻ thì có khác với một cụ già không... Rồi tôi đến cắt tóc ở cửa hàng có người Việt đang học việc, giá thấp và có thể giúp họ luyện tay nghề với mái tóc đơn giản của mình. Tôi bị cuốn hút bởi sự tinh tế, bí ẩn và cũng rất đơn giản trong cách họ giữ mối quan hệ với tôi. Tôi đã chọn rời nhà đến thuê phòng ở một năm trong một căn nhà của gia đình người Việt... Càng về sau, tôi càng nhận ra rằng, người Việt Nam luôn muốn tạo một mối quan hệ tích cực mang tính bản năng với cuộc sống; điều đó có thể có lợi cho họ hoặc không nhưng họ chọn bởi kèm theo đó là một quyết tâm sâu sắc hơn để tồn tại và thành công, nếu không phải cho bản thân thì cho gia đình. Tôi đã học được từ họ về một mối liên hệ gia đình vô cùng bền chặt, dẻo dai tuy đôi khi rất mơ hồ.

Việt Nam luôn làm ấm trái tim tôi -0
Một trong nhiều ký họa mầu nước tại TP Hồ Chí Minh năm 1999 của Dan Hambleton. Ảnh: NVCC 

Tôi vẫn luôn tìm kiếm câu trả lời

- Nhưng vì sao sau bài học ấy, ông không trở lại củng cố mối quan hệ với gia đình của chính ông mà lại quyết định rời quê hương đến Việt Nam để sinh sống?

- Mặc dù tôi yêu gia đình của mình nhưng tôi cảm thấy rằng sức mạnh của thời gian và văn hóa đã đẩy nhiều thành viên trong gia đình tôi tách khỏi những phần bản chất quan trọng hơn của cuộc sống, điều mà có lẽ, không theo ý muốn chủ quan của họ. Theo thời gian, thế giới của họ và của nhiều người Mỹ khác bao gồm chỉ những thứ phiền nhiễu và thỏa mãn nông cạn thông qua những ảnh hưởng của xã hội Mỹ trong phần sau của thế kỷ 20, như truyền hình, các phương tiện truyền thông và nhiều sản phẩm xã hội khác. Không cần phân tích sâu để thấy rằng, nhiều phần của văn hóa Mỹ đã chuyển hóa thành biểu hiện từ chối bất cứ điều gì không ngay lập tức đem lại tưởng thưởng/ lợi ích cho cá nhân theo cách họ muốn. Con người cá nhân trở nên ít nhân văn hơn, mọi người ít kết nối với nhau ở mức độ chân thật hơn. Tôi quyết định rời đi.

Tôi luôn yêu gia đình và giữ liên lạc với mọi người. Tôi thậm chí còn cố gắng nói về những vấn đề sâu sắc hơn với họ và thảo luận về những cách làm cuộc sống của chúng ta có thể hạnh phúc hơn. Nói chung, tôi không nhớ và không có mong muốn trở lại Mỹ.

- Ta quay lại với cuộc sống hằng ngày của ông ở Hà Nội nhé, cho câu chuyện nhẹ nhàng. Ông có thể miêu tả nó một cách vắn tắt nhất?

- Buổi sáng tôi thường vẽ, đôi khi dành nhiều giờ cho những bức tranh dở dang mà tôi không muốn từ bỏ. Tôi cũng thích dùng buổi sáng để viết về cuộc sống ở đây cho bạn bè và gia đình ở quê nhà, cũng như viết các bài báo dài. Tôi tự đi chợ, nấu ăn ở nhà. Tôi không bị truyền hình, phim ảnh làm cho mê mẩn, thay vào đó, tôi tìm được quán cà-phê ngon ở Hà Nội để thưởng thức trong buổi chiều muộn và tranh thủ đọc hoặc nghiên cứu, đôi khi gặp gỡ bạn bè để nói chuyện. Đấy là các chiều rảnh, còn lại tôi chuẩn bị bài giảng cho lớp luyện thi tiếng Anh chứng chỉ IELTS buổi tối.

- Ngày càng có nhiều gia đình Việt cho con cái họ học tiếng Anh sớm để đi du học. Ông thấy đấy, điều đó đối nghịch với ông?

- Tôi đang dạy IELTS cho một lớp học ở khu vực Mỹ Đình, một trong những học sinh của tôi mới 13 tuổi. Cô bé ấy nói với tôi về việc bố mẹ cô ấy muốn cô ấy học và thành công ở kỳ thi chứng chỉ IELTS, cả việc học ở trường nữa, nhưng cô ấy thấy cuộc sống chỉ có đến trường, ăn và làm bài tập. Cô ấy muốn có thể nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn và dành nhiều thời gian hơn cho họ. Tôi có thể cảm thấy cô ấy đau khổ khi nói: "Tôi còn quá trẻ cho việc này!"...

Cô ấy là thí dụ về một con người trong môi trường có phần thay đổi khi các gia đình trung lưu Việt Nam cố gắng cải thiện cuộc sống của họ về mặt vật chất; đó là mục tiêu đáng khen ngợi nếu cân bằng với sự gắn kết bền chặt của gia đình; nhưng sẽ là một thứ gì đó có thể vượt khỏi tầm tay và trở thành acid hủy hoại sự sống của mối quan hệ gia đình.

- Như đầu câu chuyện, ông có đề cập mối liên kết gia đình bền chặt của người Việt Nam đã cuốn hút ông đến nơi đây, và nay, ông đang chứng kiến sự thay đổi...

- Vâng, nhưng thay đổi là điều dễ thấy, cũng như ta hay hỏi nhau câu sáo rỗng là Việt Nam đang thay đổi như thế nào... Tôi thì muốn hỏi Việt Nam đang không thay đổi ra sao và tôi luôn đi tìm câu trả lời này mỗi ngày.

- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Dan Hambleton là tác giả của ấn phẩm Warm Rain: My journey to the heart of Vietnam (Nhà xuất bản Thế Giới, 2020). Ấn phẩm này tiếp tục được dịch sang tiếng Việt và xuất bản một năm sau đó, tiêu đề: Mưa ấm: hành trình dẫn tôi tới trái tim Việt Nam. Ông cũng thường xuyên viết bài cộng tác với nhật báo tiếng Anh Vietnam News của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 2020, ông có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Việt Nam (Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội) với tiêu đề Việt Nam trong mắt tôi! Ông cộng tác giảng dạy tiếng Anh tại một số trung tâm Anh ngữ và trường học liên kết quốc tế ở Hà Nội.