Tiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau:

"Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi"

Qua 10 năm, cùng nghệ sĩ nhạc Jazz Quyền Văn Minh, Tiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau đã hoàn thành chuyên khảo Playing Jazz in Socialist Vietnam: Quyen Van Minh and Jazz in Hanoi. Bản tiếng Việt của sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2022, tiêu đề: Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng ông, về mối thâm tình với Jazz Hà Nội và đất nước Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
"Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi"

Về đến Hà Nội, chỉ có hẹn tối với Jazz

- Ông đã có vô số các cuộc đàm luận với Quyền Văn Minh để lấy tư liệu và chắt lọc nội dung cho cuốn sách. Hai người đối thoại với nhau theo cách như thế nào?

- Ông ấy có lẽ chưa bao giờ hỏi về tiếng Việt của tôi nhưng ông ấy nhận thấy tôi có thể theo được cách nói chuyện của người Hà Nội, với những từ ngữ, kiểu sử dụng mà người Hà Nội quen dùng.

Chúng tôi đi nhậu, cụng ly chan chát, nói chuyện như là anh em tâm sự với nhau. Mối thâm giao ấy được phát triển dần dần kể từ năm 2001, khi lần đầu đến câu lạc bộ Jazz của ông, tôi biết ông mới có chuyến biểu diễn ở Singapore, nên đã mạnh dạn tự giới thiệu bản thân. Từ sau lần đó, ông luôn đến bàn của tôi, nói "xin chào", chuyện thêm đôi ba câu, để bảo đảm rằng tôi cảm thấy như ở nhà. Dần dà, ông cùng tôi nói chuyện lâu hơn, về Jazz, về cuộc sống ở Việt Nam, rồi sau đó là về câu chuyện cuộc đời ông... Hễ cứ đến Hà Nội, các buổi tối của tôi là chỉ có hẹn với câu lạc bộ Jazz của ông.

- Ông học tiếng Việt từ bao giờ?

- Tôi học chuyên ngành Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và chọn học tiếng Việt, vì nhà trường bắt buộc sinh viên ngành này phải học một ngôn ngữ của nước trong khu vực. Sau ba kỳ học tại NUS, tôi sang Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, học một khóa tập trung. Tôi tiếp tục học nâng cao thêm, rồi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ năm 1997, tại tỉnh Đồng Tháp, với một công trình nghiên cứu dân tộc học, về cách người nông dân địa phương thích nghi kinh tế thị trường kể từ sau chính sách Đổi mới. Tiếp đó là nhiều chương trình điền dã nghiên cứu ở một số địa phương khác, trước khi về Hà Nội tìm đọc tài liệu tại Thư viện Quốc gia và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

- Trở lại với cuốn sách về Jazz cùng Quyền Văn Minh. Thực tế là không phải ai cũng nhớ từng chi tiết đời mình, và câu chuyện kể lại bằng lời đôi khi được "điểm tô" theo ý thích người kể. Trong quá trình thực hiện ấn phẩm, ông có khi nào nhận thấy điều này? Và nếu có, cách giải quyết của ông là gì?

- "Câu chuyện cuộc đời", với tư cách là một phương pháp điều tra, nên được phân biệt với lịch sử truyền miệng và phỏng vấn dân tộc học. Trong hai cách sau, nhà nghiên cứu đóng vai trò là người hỏi, còn người được phỏng vấn là đối tượng nghiên cứu. Do đó, cuộc phỏng vấn được coi là dữ liệu, cần được chứng thực bằng cách phỏng vấn những người khác có liên quan, đặt câu hỏi chéo để kiểm tra hoặc so sánh các nguồn khác. Còn "câu chuyện cuộc đời" mang tính bao trùm bởi vì chủ thể, hay đúng hơn, nhân vật chính, có nhiều quyền tự quyết hơn trong việc định hình cách thức nghiên cứu. Đó là câu chuyện cuộc đời của họ đang được tiết lộ. Họ tham gia quá trình nghiên cứu chứ không phải với tư cách là một đối tượng được nghiên cứu. Họ luôn nhìn nhận một cách nghiêm túc câu chuyện cuộc đời của mình được kể lại với câu hỏi: Tất cả các bên (chính bản thân họ, nhà nghiên cứu và độc giả) có thể học được gì từ bài tập phản xạ này?

Bên cạnh các cuộc trò chuyện với riêng Quyền Văn Minh, tôi cũng tiếp xúc với nhiều người khác trong gia đình, họ mạc, vòng bạn bè của ông. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lưu trữ về bối cảnh văn hóa-xã hội Việt Nam từ thời bao cấp, Đổi mới, đọc hiểu về đời sống nhạc Jazz ở Mỹ, khu vực Mỹ latin, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi để lần tìm những mối liên hệ và so sánh với Jazz Việt Nam đương thời. Tôi cũng dành rất nhiều thời gian để cố gắng hiểu ý nghĩa của các tập quán hằng ngày ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung và sự cộng hưởng lịch sử liên quan.

Đúng với phương pháp được áp dụng, cuốn sách này không chỉ kể về câu chuyện cuộc đời của Minh với nhạc jazz, cũng như trải nghiệm sống của ông. Nó là một lăng kính để thông qua đó, ta thấy được sự thay đổi văn hóa và xã hội diễn ra ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu.

"Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi" ảnh 1
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken (hàng thứ nhất, thứ tư, từ trái sang) đã chọn thưởng thức Jazz Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam, tháng 4/2023. Nguồn: Bình Minh Jazz Club

Muốn nghiên cứu Việt Nam thì phải đọc được tiếng Việt

- Nhân đây, xin được hỏi bình luận của ông về quan điểm: Trên bình diện quốc tế, nghiên cứu về Việt Nam của các nhà nghiên cứu nước ngoài thường chiếm ưu thế hơn công trình của chính các nhà nghiên cứu Việt Nam, bởi ngôn ngữ họ sử dụng là ngôn ngữ phổ biến hơn trên toàn cầu, như tiếng Anh?

- Trừ phi bạn nghĩ rằng, những học giả và độc giả viết và đọc tiếng Anh là thượng đẳng, một ý nghĩ mà tôi cho là ngốc nghếch!

Một điều quan trọng mà ta cần nhận ra: Luôn tồn tại các truyền thống học thuật khác nhau trên thế giới, các nghiên cứu hàn lâm bằng tiếng Anh khác với bằng tiếng Trung Quốc, Pháp, hay tiếng Việt, từ cách xây dựng, thể hiện quan điểm đến mục tiêu nghiên cứu.

Câu hỏi cần thiết hơn: Tại sao bạn muốn viết cho nhóm độc giả này, kia? Bên cạnh đó, viết và thể hiện bằng tiếng Việt không có nghĩa công việc của bạn là hướng nội, hoàn toàn không; cách bạn viết và làm nghiên cứu quyết định tính quốc tế và toàn cầu của nghiên cứu của bạn. Vì thế, tôi thấy thật vô nghĩa nếu cứ khăng khăng đòi các học giả Việt Nam phải xuất bản công trình của họ bằng tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ khác) tại các tạp chí, nhà xuất bản nước ngoài, nếu chỉ để chứng minh giá trị nghiên cứu của họ.

- Như ông chia sẻ, ông đã đọc rất nhiều tài liệu nghiên cứu của học giả Việt Nam. Trong quan sát của ông, cách tiếp cận về cùng một chủ đề của họ có gì khác nhà nghiên cứu nước ngoài, như ông chẳng hạn?

- Khác chăng chính là ở trải nghiệm sống, sự đào tạo nghiên cứu và chuyên môn cùng định hướng trí tuệ của từng cá nhân, chứ không phải là vì người Việt Nam hay người nước ngoài nghiên cứu Việt Nam.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu người nước ngoài nghiên cứu Việt Nam, thì ít nhất cần có khả năng đọc, chưa muốn nói là sử dụng trôi chảy tiếng Việt. Nếu không, làm thế nào để họ thực hiện các nghiên cứu điền dã, thiết lập quan hệ với đối tượng nghiên cứu của mình? Điều quan trọng nhất, họ và công việc của họ nên kết nối với xã hội, giới nghiên cứu và các chủ thể Việt Nam. Chỉ có sự kết nối mới giúp chúng ta đạt tới sự hiểu biết tốt hơn. Mỗi khi người Việt Nam được hưởng lợi từ nghiên cứu về xã hội của họ, đổi lại, nghiên cứu/người nghiên cứu đó sẽ được hưởng lợi từ sự kết nối bền vững ấy.

- Tôi tò mò muốn hỏi, ông đã nhận được nhuận bút từ phiên bản tiếng Việt của Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội?

- Tôi chưa hỏi điều này với nhà xuất bản đâu. Tôi chỉ hy vọng là sách được bán tốt, bạn đọc tiếng Việt đón nhận ở Việt Nam.

Như tôi đã đề cập trong lời tựa của ấn bản tiếng Việt, tôi đã viết cuốn sách này với tâm trí dành cho độc giả Việt Nam, rằng tôi sẽ lo liệu cho nó để ấn bản tiếng Việt được phát hành càng sớm càng tốt. Là một nhà Việt Nam học, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng công trình nghiên cứu và học thuật của chúng ta nên có sự tham gia của người Việt Nam và được cung cấp cho độc giả Việt Nam. Đó là trách nhiệm của chúng tôi.

- Chân thành cảm ơn ông!

Tiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau là nhà nghiên cứu độc lập. Ông từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore, Trường đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) và Trường đại học RMIT Việt Nam.