Vị cứu tinh của những hồ nước

Sử dụng các phương pháp cổ truyền để cải tạo hàng chục hồ nước ở thành phố Bengaluru (Ấn Độ), từ vô danh, Anand Malligavad cuối cùng đã trở thành chuyên gia khôi phục nguồn nước ở một trong những quốc gia chịu nhiều áp lực về nước sạch nhất thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Từ một người vô danh, Anand Malligavad trở thành chuyên gia khôi phục nguồn nước tại Ấn Độ
Từ một người vô danh, Anand Malligavad trở thành chuyên gia khôi phục nguồn nước tại Ấn Độ

Cú ngã định mệnh

Câu chuyện bắt đầu từ một buổi tối năm 2017, khi Anand Malligavad - kỹ sư cơ khí người Ấn Độ, đang đi dạo với bạn bè thì trượt chân ngã xuống hồ. Ngập nửa người dưới nước, Malligavad nghĩ mình có thể chết. Nhưng không phải vì chết đuối, mà vì mùi hôi thối.

Giống như hàng trăm hồ khác ở thành phố Bengaluru, bang Karnataka (phía nam Ấn Độ), hồ Kyalasanahalli- nơi mà Malligavad ngã xuống - chứa đầy nước thải, rác sinh hoạt và trăm thứ xú uế khác. Trên đường trở về nhà, Malligavad bốc mùi hôi thối, đến mức người bảo vệ khu nhà nơi anh ở đã không cho anh qua cửa.

Ngày hôm sau, Malligavad đưa ra một lời đề nghị khó tin với công ty của mình: Anh sẽ khôi phục lại hồ nước rộng 1,5 ha, nếu công ty tài trợ cho dự án.

Đối với các sếp của Malligavad tại Sansera Engineering - một trong những nhà sản xuất linh kiện ô-tô lớn nhất Ấn Độ, đề xuất này có vẻ hoang đường. Việc Malligavad không có kiến ​​thức về quản lý hồ chỉ khiến điều đó càng trở nên nhảm nhí. "Họ cười nhạo tôi. Mọi người đều nghĩ tôi bị điên!", Malligavad nhớ lại.

Nhưng người kỹ sư 43 tuổi không bỏ cuộc. Và nỗ lực theo đuổi ý tưởng cải tạo hồ nước đã thúc đẩy một sự chuyển đổi nghề nghiệp đáng chú ý cho anh, người hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu về khôi phục hồ ở Ấn Độ.

Khi bắt đầu dự án của mình, Malligavad đã sử dụng kiến ​​thức cổ truyền trong các ghi chép từ triều đại Chola - vương triều đã cai trị miền Nam Ấn Độ cách đây khoảng 1.500 năm, để xây dựng một mạng lưới hồ thủy lợi rộng lớn, có khả năng tự phục hồi.

Sau bốn tháng nghiên cứu các phương pháp Chola (bao gồm cách bẫy bùn bằng những kè đá), Malligavad đã giành được khoản trợ cấp trị giá 100.000 USD từ công ty của mình cho dự án. "Cho đến khi tôi hoàn thành, họ vẫn không hy vọng nó sẽ thật sự hiệu quả," anh nói.

Trong 45 ngày, sử dụng hàng chục máy xúc và hàng trăm công nhân, Malligavad đã loại bỏ một lượng lớn bùn đất, rác thải và nhựa khỏi hồ Kyalasanahalli. Nhóm của anh đã tạo ra năm hòn đảo bằng bùn đào từ dưới hồ, rồi chờ đợi những cơn mưa.

Sáu tháng sau, sau mùa gió mùa, anh chèo thuyền trong làn nước trong vắt của hồ, giữa đàn vịt và đàn chim di cư, tự hào: "Khi nhìn thấy hồ trong lành trở lại, tôi cảm thấy trẻ hơn và muốn nhảy xuống bơi. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục".

Vị cứu tinh của những hồ nước ảnh 1
Các tòa nhà văn phòng và chung cư gần một hồ

nước được hồi sinh ở Bengaluru. Ảnh: THE New York Times

Thành công vượt mong đợi

Trong nhiều thế kỷ, Bengaluru, còn được gọi là Bangalore, nổi tiếng khắp Ấn Độ với hệ thống hồ nhân tạo cung cấp nước cho hàng triệu cư dân. Nhưng ba thập niên qua, thành phố này vươn mình trở thành trung tâm công nghệ cao của Ấn Độ, với dân số tăng từ khoảng 4 triệu người lên khoảng 13 triệu hiện nay.

Các ngôi làng biến thành khu công nghiệp điện tử và các hồ nước thì bị lấp đi để làm bến xe bus hoặc sân vận động cricket (bóng gậy). Khi nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng, nhiều chung cư cao tầng mọc lên, bít kín các con kênh dẫn đến những hồ nước còn sót lại.

Kết quả là Bengaluru mất khả năng hấp thụ nước mưa. Malligavad cho biết: Từ 1.850 hồ vốn có, Bengaluru chỉ còn lại khoảng 465 hồ. Song, cũng chỉ 10% trong số đó có nước sạch, phần còn lại ngập trong rác thải. Hệ quả là Bengaluru hiện thiếu khoảng 651 triệu lít nước mỗi ngày và con số này có thể sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2030.

Nhưng Malligavad quyết tâm xoay chuyển tình hình ấy, nhờ sự hỗ trợ bởi các kỹ thuật Chola đã được thời gian chứng nghiệm, như tạo ra các đầm phá riêng biệt dọc theo các hồ, nơi bùn và rác có thể được tách ra khỏi nước thải; hoặc một phương pháp khác: xây dựng những bức tường bùn theo hình tầng, để vận chuyển lượng nước dư thừa khi có mưa đến các hồ ở khu vực thấp hơn, trước khi chảy ra sông.

Trong bảy năm kể từ thành công đầu tiên, Malligavad đã khôi phục 35 hồ ở Bengaluru với tổng diện tích bề mặt khoảng 320 ha, có khả năng chứa khoảng 400 triệu lít nước. Theo Tổng cục Nước ngầm Ấn Độ, một phần nhờ vào nỗ lực của Malligavad, mực nước ngầm của thành phố Bengaluru trong khoảng thời gian đó cũng đã tăng khoảng 2,5 mét.

Khi mới làm, Malligavad đặt mục tiêu cải tạo 45 hồ ở Bengaluru vào năm 2025. Nhưng đến lúc này, anh đã có khả năng chạm đích ngay đầu năm tới.

Vinh quang và nguy hiểm

Thành công giúp Malligavad trở thành chuyên gia khôi phục hồ được săn đón khắp Ấn Độ, nơi chiếm khoảng 18% dân số thế giới nhưng chỉ nắm giữ 4% tài nguyên nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức tiêu thụ nước ngầm tại Ấn Độ chiếm khoảng một phần tư tổng lượng sử dụng toàn cầu, nhiều hơn cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại.

Malligavad đã được mời làm cố vấn về bảo tồn nguồn nước ở nhiều bang. Ở phía bắc, chính quyền Uttar Pradesh đã giao cho anh trách nhiệm hồi sinh hàng trăm hồ, cũng như chính quyền ở bang Odisha, nơi anh đã hồi sinh khoảng chục hồ nước ở đây.

Song, nỗ lực bảo vệ các hồ nước cũng khiến Malligavad phải đối đầu với nhiều thành phần: các chủ đất, những nhà thầu xây dựng quyền lực và những người dân bình thường lấn chiếm trái phép hồ để xây nhà. Kèm theo đó là nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Mới tháng trước, khi Malligavad đang hướng dẫn công nhân làm cải tạo một hồ nước thì bị một nhóm thanh niên trang bị dao rựa và gậy tre bao vây. "Chúng tao sẽ giết mày, nếu mày không dừng lại", một thanh niên đe dọa. Trong vài giây, họ túm áo Malligavad và bắt đầu hành hung anh. Nhưng Malligavad vẫn bình tĩnh: "Nếu giết tôi, trong vài năm nữa, các người sẽ không còn một cốc nước nào để uống". Cuối cùng, đám đông đã bị thuyết phục và giải tán.

Một thành công khác Malligavad có thể thấy chỉ cách đó vài trăm mét, trong một hồ nước được cứu khỏi cảnh bị lấp đi để xây chung cư. Từng là nơi chứa nước thải và rác, hồ này hiện chào đón hàng trăm loài chim di cư và nuôi dưỡng nhiều loài thực vật bản địa.

Nhìn vào mặt hồ gợn sóng, mắt Malligavad lấp lánh: "Cứu những hồ nước là mục đích sống của tôi hiện tại. Tôi muốn đòi lại một trăm nghìn hồ trước khi chết. Bạn có thể tìm được lựa chọn thay thế sữa. Nhưng bạn sẽ làm gì nếu không có nước?"

(Theo The New York Times, Bangalore Mirror, The Weekend Leader)