Không bao giờ là quá muộn

"Không bao giờ là quá muộn để tìm một nghề nghiệp mới", Patrick Milando - nghệ sĩ kèn cor tại New York (Mỹ), giải thích đơn giản như thế, về quyết định lấy chứng chỉ dạy… lái máy bay khi ông đã 67 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Patrick Milando - nghệ sĩ kèn cor tại New York (Mỹ).
Patrick Milando - nghệ sĩ kèn cor tại New York (Mỹ).

Quyết định phi logic…

Khi cảm thấy chơi nhạc giao hưởng không còn đủ sống, Patrick Milando bắt đầu nghĩ rằng ông có thể xoay xở bằng một nghề khác.

Đó là một ngày mùa hè năm 2020, đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, và Patrick Milando, nhạc công chơi kèn cor đang lái xe qua Quảng trường Thời đại vắng lặng trong thời gian bị phong tỏa chặt. Khi đó, ở tuổi 67, ông đã trải qua gần nửa thế kỷ làm nhạc công chuyên nghiệp, từ Metropolitan Opera cho đến hơn chục năm với "The Lion King" trên sân khấu Broadway.

Bấy giờ, vở nhạc kịch đó, cùng với rất nhiều thứ khác, đã bắt buộc phải tạm "đóng cửa". Ở độ tuổi mà các đồng nghiệp cùng trang lứa đang chuẩn bị nghỉ hưu, Milando quyết định cân nhắc một cách mới để thanh toán các hóa đơn, cách mà ông mô tả là "cao hơn 1.500 mét so cách cũ" của ông.

Milando đã bắt đầu lái máy bay một động cơ trước đại dịch, nhưng hoàn toàn là sở thích. Ông đã tích lũy được khoảng 300 giờ bay. Và khi đó, trong đại dịch, ông tự hỏi: Liệu mình có thể trở thành một phi công chuyên nghiệp không? Tất nhiên, ông đã quá già để bay cho các hãng hàng không lớn (ngưỡng tuổi là 65), nhưng không có giới hạn độ tuổi trong việc dạy người khác bay.

Nghĩ là làm. Milando tìm thấy một trường dạy bay nhỏ ở bang New Jersey và bắt đầu lấy chứng chỉ phi công thương mại. Các phi công khác ở đó đều trẻ hơn ông hàng chục tuổi, và họ cũng chưa một lần phát hiện ra đang học cùng một nghệ sĩ kèn cor. Nhưng, Milando vẫn cảm thấy thoải mái như ở nhà. Việc được bay đã mở khóa một điều gì đó rất đặc biệt trong ông. "Cầm lái một chiếc máy bay đem đến cảm giác tự do, tự chủ. Bạn là người làm chủ vận mệnh của chính mình", ông nói.

Hiện tại, 71 tuổi, Milando có song song hai sự nghiệp, vì hóa ra "cái chết" của nhạc kịch đã bị phóng đại quá mức. Đại dịch qua đi, sân khấu mở lại. Và ông vẫn có lịch biểu diễn. Vì thế, Milando chia sẻ thời gian của mình giữa dàn nhạc (nơi ông vẫn có tám suất diễn vở "The Lion King" mỗi tuần) và bầu trời - nơi ông dạy những phi công mới vào nghề, như chính ông đã từng.

Điều hạnh phúc nhất với Milando là ông có thể tận hưởng cả hai công việc, với cùng cảm giác vui thú, hạnh phúc. "Một trong những điều thú vị nhất với tôi là khi đang bay xuyên qua những đám mây, đồng thời tranh thủ tập một đoạn nhạc, thì đột nhiên nhận ra mình đã vượt cao hơn những tầng trời, để chứng kiến bức tranh toàn cảnh tuyệt đẹp trước mắt", người nghệ sĩ đến từ New York nói. "Ngay lần đầu thấy điều đó, tôi đã biết cuộc sống của tôi sẽ thay đổi, một sự thay đổi đầy tích cực khi bạn biết rằng mình đang tận hưởng cuộc sống".

Không bao giờ là quá muộn ảnh 1

… nhưng hợp lý với một tâm hồn yêu thử thách

Tất nhiên, việc dạy lái máy bay nhiều rủi ro hơn so việc chơi kèn, nếu nhìn vào con số khoảng 15 vụ tai nạn liên quan tới loại máy bay động cơ piston ở các trường đào tạo phi công trên khắp nước Mỹ, mỗi năm. Như mọi phi công, Milando cũng từng trải qua cảm giác lo sợ khi lần đầu cầm lái. Nhưng đi kèm với nguy hiểm luôn là sự phấn khích.

Ông kể: "Trải nghiệm đáng sợ nhất là lần đầu hạ cánh. Tôi nhớ khi đang ở trên máy bay với người hướng dẫn, tại độ cao 500 mét, nhìn xuống đường băng và nghĩ: "Trời ơi, mình phải hạ cái máy bay này xuống mặt đất sao?". Nhưng rồi, mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ. Sau cú tiếp đất an toàn, tôi cảm thấy như mình sắp bật khóc. Cảm giác đó thật mãnh liệt và tuyệt vời".

Bên cạnh cảm xúc phấn khích từ việc điều khiển "con chim sắt" chao lượn giữa bầu trời, giữa việc chơi nhạc và lái máy bay cũng có sự đồng điệu trong cách tiếp cận. Milando giải thích: "Thành công của tôi với tư cách là nhạc sĩ luôn đến khi tôi hoàn toàn tập trung vào việc biểu diễn, khi tôi gạt bỏ tất cả những điều không liên quan đang xảy ra chung quanh mình. Đó cũng là những gì tôi phải làm khi lái máy bay".

Có lẽ, nhờ khả năng tập trung được rèn giũa tại sân khấu nhạc kịch mà Milando trở thành giáo viên dạy bay "đắt hàng". Và, sự nhạy cảm của người nghệ sĩ cũng giúp ông rất nhiều, chẳng hạn như lần ông phát hiện một học viên mất kiểm soát khi chỉ còn cách đường băng 30 mét.

"Trong quá trình hạ cánh, tôi đã cảm nhận thấy cậu ấy rất căng thẳng. Lúc xuống cách đường băng 100 feet (khoảng 30 mét), cậu ấy bỗng cứng đờ người ra", Milando kể. "Tôi phải chộp ngay lấy cần điều khiển, hất cậu ấy sang một bên và kịp thời hạ cánh an toàn. Khi học viên ở trong tình trạng đóng băng tinh thần, không thể thoát ra được, bạn luôn phải xử trí ngay tức khắc".

Phản xạ như vậy thường không thuộc về một ông lão tuổi thất thập. Nhưng nếu nhìn vào "thời khóa biểu" cuộc đời của Milando, phản xạ ấy lại hợp lý. Bởi người nhạc sĩ già vẫn luôn giữ cho mình cái nhìn háo hức về cuộc sống, tâm thế sẵn sàng khám phá, thử thách những giới hạn mới của bản thân.

"Tôi giống như một con cá mập, luôn phải tiếp tục di chuyển. Tôi đã chạy tám cuộc marathon. Tôi thích học ngoại ngữ. Bây giờ tôi đang cân nhắc việc học lấy chứng chỉ Phi công vận tải hàng không (ATP), để có thể đưa mọi người xuống tận vùng biển Caribe", Milando nói, với ánh mắt hấp háy như đã nhìn thấy nắng vàng của những bãi biển cách New York gần 2.000 km vậy.

(Theo The New York Times, The Journal, WCBSAM)