Người phiên dịch sắc mầu

Leatrice Eiseman (1933) yêu mầu sắc đến mức, đối với bà việc chọn một mầu yêu thích cũng khó khăn tương tự như khi bà mẹ đông con phải lựa chọn chỉ một đứa mà bà yêu nhất - điều ấy gần như là không thể! Nhưng Eiseman vẫn buộc phải làm công việc ấy hằng năm - tóm tắt xu hướng thế giới năm tới chỉ với… một mầu sắc!
0:00 / 0:00
0:00
Leatrice Eiseman
Leatrice Eiseman

Từ công ty lowkey thành hiện tượng thế giới

Phần lớn cộng đồng mạng chỉ biết đến PANTONE khi nhắc đến Color of The Year (Mầu sắc của năm), mà ít ai biết rằng, PANTONE là tập đoàn đa quốc gia thành lập năm 1963, cung cấp các giải pháp đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về mầu sắc, tiền thân là công ty in ấn thương mại được thành lập bởi Lawrence Herbert.

Năm ấy, khi Herbert còn là một kỹ thuật viên máy in quản lý mầu sắc, ông đã nhận ra không có cách tiêu chuẩn nào để khớp mầu khi tái tạo các bản in. Điều đó có nghĩa mỗi lần in, mầu mỗi ấn phẩm sẽ luôn hơi khác so bản gốc. Từ đó, Herbert từ bỏ việc làm công ăn lương và lập nghiệp, bắt đầu với Hệ thống khớp mầu PANTONE (PMS), gồm hơn 500 mầu sắc được đặt tên, mã hóa, giúp các nhà thiết kế có thể dễ dàng hơn trong việc giao tiếp, phối hợp mầu sắc. PMS nhanh chóng trở nên phổ biến và trở thành một hệ thống tiêu chuẩn chung cho ngành thiết kế trên thế giới.

Nhưng nhân vật chính được nhắc đến trong câu chuyện này là người cộng sự của ông - "Quý bà mầu sắc" Leatrice Eiseman.

Kiểu tóc bob ngang vai, vóc dáng nhỏ nhắn, đeo kính, vẻ ngoài của Eiseman khiến bà thường bị nhận nhầm với Anna Wintour, hoặc có lẽ họ nhầm bởi cả hai đều là nữ hoàng trong lĩnh vực của riêng mình.

Trở lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy cả Herbert và Eiseman đều đang ổn định trong lĩnh vực của riêng mình và chưa có gì quá nổi bật. Sau thời gian tự tìm tòi, Eiseman xuất bản cuốn sách đầu tay Alive with color (Tạm dịch: Trở nên sống động hơn nhờ mầu sắc) - bản hòa tấu của tâm lý học và lý thuyết mầu sắc.

Cũng thời điểm ấy, Herbert bắt đầu đặt ra những câu hỏi, "Tại sao mỗi người lại có một mầu yêu thích?", "Mầu sắc đó có ý nghĩa gì với họ?", tình cờ thay cuốn sách đầu tay của Leatrice đến tay Chủ tịch PANTONE như một gợi ý giải đáp cho các băn khoăn của ông. Không chậm trễ, Herbert nhanh chóng chiêu mộ Leatrice về với PANTONE, trao cho bà vị trí Giám đốc điều hành Viện Mầu sắc PANTONE mà không hề nao núng!

Nhiệm vụ đầu tiên Eiseman phải hoàn thành khi tiếp nhận Viện Mầu sắc là đặt tên cho hơn 2.000 mầu sẵn có trong hệ thống PANTONE, "phải là những cái tên khơi dậy cảm xúc!" là yêu cầu duy nhất từ Herbert. Cùng với 40 chuyên gia khác, những cái tên thú vị và đa dạng dần thay thế cho những con số mã hóa thô cứng, như: mầu Kem Caramel, mầu Bỏng ngô, hay như chính cái tên của Mầu sắc năm 2024 - mầu Đào tơ, là sắc cam nhạt truyền tải sự nuôi dưỡng, gần gũi và kết nối. Eiseman mô tả điều mà bà và cộng sự muốn nhắn nhủ cho năm tới: "Một sắc thái ấm áp làm nổi bật mong muốn được ở bên nhau của chúng ta và cảm giác tôn nghiêm mà điều này tạo ra… Gợi cảm một cách tinh tế, mầu đào chân thành mang lại cảm giác dịu dàng và truyền tải thông điệp về sự quan tâm và chia sẻ, cộng đồng và sự hợp tác".

Những lựa chọn khó khăn

Khoảnh khắc thật sự biến PANTONE trở nên nổi tiếng với thế giới là khi Color of The Year lần đầu được công bố.

Năm 1999, cả văn phòng PANTONE xôn xao về tương lai của thiên niên kỷ mới, "Nếu đồng hồ thật sự dừng lại thì sao?", "Điều gì sẽ xảy đến nếu các thiết bị kỹ thuật không còn dùng được?"… Khi ấy cả Herbert và Eiseman đều có chung một câu hỏi: Chúng ta có thể làm gì để khiến mọi người bớt lo lắng và thêm hy vọng? Và một nhiệm vụ khó lại được giao cho Eiseman - chọn một mầu sắc đại diện cho thiên niên kỷ mới.

Không mất quá nhiều thời gian, bà chọn mầu xanh da trời đại diện cho năm 2000: "Bất kể bạn sống ở đâu, mỗi người đều mong được nhìn thấy bầu trời xanh tuyệt đẹp!".

Kể từ đó Color of The Year trở thành sự kiện diễn ra hằng năm, nhằm gửi gắm những thông điệp lớn hơn. Eiseman chia sẻ: "Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý của công chúng đến mối quan hệ giữa văn hóa và mầu sắc. Đồng thời nhấn mạnh với họ, những gì đang diễn ra trên toàn cầu được thể hiện và phản ánh thông qua ngôn ngữ mầu sắc như thế nào!".

Các thành viên của Viện Mầu sắc PANTONE đến từ nhiều nền tảng thiết kế, văn hóa và địa lý khác nhau. Điểm chung gắn kết họ là chuyên môn về mầu sắc và thiết kế cũng như khả năng nhìn thế giới qua lăng kính mầu sắc. Nói cách khác, Eiseman dẫn dắt một nhóm người có chung khả năng: kết nối mọi điều đang diễn ra trên thế giới và dịch nó sang ngôn ngữ mầu sắc.

Eiseman cùng đội của mình sẽ lùng sục khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm, nghiên cứu những ảnh hưởng mầu sắc mới, với nhiều mảnh ghép, như: từ những bộ phim đang sản xuất, bộ sưu tập nghệ thuật, xu hướng du lịch, các nghệ sĩ mới, thời trang, đến xu hướng lối sống mới và đương nhiên bao gồm điều kiện kinh tế-xã hội. Đôi khi, mầu sắc cũng bị ảnh hưởng bởi công nghệ, hay nền tảng truyền thông xã hội, thậm chí là cả các sự kiện thể thao sắp diễn ra thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.

Bà luôn khẳng định: "Chúng tôi đưa ra lựa chọn mầu sắc của mình bằng trí óc thuần khiết nhất! Không ai trong nhóm tham gia thảo luận với mục đích thương mại hoặc đưa ra sở thích cá nhân. Như tôi đã nói, chúng tôi yêu tất cả các mầu sắc của mình như nhau!".

Người phiên dịch sắc mầu ảnh 1
Eiseman dẫn dắt một nhóm người có chung khả năng: kết nối mọi điều đang diễn ra trên thế giới và dịch nó sang ngôn ngữ mầu sắc.

Tình yêu… di truyền

Để lý giải về tình yêu mãnh liệt của Eiseman với mầu sắc, có lẽ hai chữ "di truyền" có thể vắn tắt tất cả.

"Quý bà mầu sắc" lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ ở dãy Baltimore (Mỹ), cùng với người mẹ mà bà thường lén gọi là "cơn ác mộng của cây cọ vẽ". Mỗi mùa xuân, cả gia đình sẽ sơn lại toàn bộ ngôi nhà... kể cả đàn piano, theo ý của mẹ. Eiseman được phép chọn mầu sắc riêng cho phòng ngủ của mình. Bà vui vẻ nhớ lại: "Vào thời điểm chúng tôi chuyển khỏi ngôi nhà đó, chắc chắn phải có ít nhất 20 đến 25 lớp sơn trên tường và đồ nội thất. Tôi không biết làm thế nào mà những người vận chuyển lại thu gom và đưa được hết đồ đạc của gia đình ra khỏi căn nhà, cân nặng chắc phải khủng khiếp lắm!".

Hiện nay, khi cả thế giới luôn đổ dồn sự chú ý đến bà mỗi dịp cuối năm, Eiseman, trong thế giới vạn hoa của riêng mình, không mấy bận tâm. Hai năm trước, ở tuổi 88, Leatrice và chồng chuyển đến Tucson, giảm đi phần lớn lượng công việc khổng lồ, một phần là để gần gũi hơn với con gái Beatrice - cũng là cộng sự của bà, một phần là để thỏa mãn đam mê... sơn lại ngôi nhà trên đảo Bainbridge!

Giờ đây, thay vì làm việc tại văn phòng nơi thành phố lớn, bà dành nhiều thời gian trong một gara được cải tạo lại, với bức tường và sàn nhà mầu xám trung tính lý tưởng để làm nổi bật mầu sắc. Bên ngoài, trên sân luôn được bày sẵn vài cây cọ, nơi Eiseman nằm dài để ngắm cảnh hoàng hôn trên sa mạc, lười biếng bù lại cả thanh xuân tất bật, bôn ba vì... phiên dịch sắc mầu!