Dải băng trắng giản dị của "Kaiser"

Rất nhiều mỹ từ đã và vẫn còn đang vang vọng từ khắp hành tinh, trong nỗi thương tiếc dành cho Franz Beckenbauer- vị "Kaiser" (Hoàng đế) đích thực, một tượng đài vĩnh cửu trong lịch sử bóng đá thế giới (vừa tạ thế ngày 7/1/2024, ở tuổi 78). Song, với không ít người hâm mộ, hình ảnh đáng nhớ nhất về ông sẽ không phải là hai khoảnh khắc huy hoàng ở World Cup, không phải là phong thái quý phái cả bên trong lẫn phía ngoài sân cỏ, mà lại là một ký ức đậm khí chất chiến binh.
0:00 / 0:00
0:00
Franz Beckenbauer- vị "Kaiser" (Hoàng đế) đích thực
Franz Beckenbauer- vị "Kaiser" (Hoàng đế) đích thực

ĐÓ là ngày 7/6/1970, sân Azteca, bán kết World Cup 1970 trên đất Mexico. Đội tuyển Tây Đức của Beckenbauer đối đầu với đội tuyển Italy, trong cuộc đọ sức từng được mệnh danh là "Trận đấu của thế kỷ". Nó khép lại với tỷ số 4-3 nghiêng về phía đội bóng áo thiên thanh, nhưng ở bên kia lằn ranh, người chiến bại vẫn có thể ngẩng cao đầu.

Franz Beckenbauer đã thể hiện một màn trình diễn mà sau này, giới mộ điệu xem là sự xác lập vị thế huyền thoại/người anh hùng của ông, với cánh tay phải được cố định bằng băng trắng (do chấn thương vai, và do đội tuyển Tây Đức đã sử dụng hết quyền thay người), kể từ phút thứ 70 đến tiếng còi mãn cuộc sau phút thứ 120 (ảnh bên).

Dải băng trắng ấy, có lẽ, nhiều vinh quang hơn bất cứ dải huân chương nào có thể được quàng chéo qua ngực áo "Kaiser". Bởi lẽ, nó mở ra một kỷ nguyên sống động và quyến rũ bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới - điều còn quan trọng hơn cả danh hiệu vô địch World Cup 1974, nơi Beckenbauer dẫn đầu đoàn quân chiến thắng, nâng cao chiếc cúp vàng.

Trong kỷ nguyên này, hai nhà tư tưởng lỗi lạc trên sân cỏ đối đầu với nhau, từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến cấp độ câu lạc bộ. Để cho dễ hình dung, chúng ta có thể liên tưởng đến kỷ nguyên Cristiano Ronaldo so kè với Lionel Messi vừa khép lại. Tuy nhiên, cuộc đọ sức giữa hai huyền thoại bóng đá của thập niên 70 thế kỷ trước lại mang một phong vị hoàn toàn khác, và thậm chí là quan trọng hơn gấp bội cuộc cạnh tranh của hai "siêu tiền đạo" thế kỷ 21, ở vài khía cạnh.

Dải băng trắng giản dị của "Kaiser" ảnh 1

Đến tận bây giờ, Beckenbauer vẫn là libero xuất sắc nhất trong lịch sử.

NẾU "Thánh Johann" Cruyff cùng câu lạc bộ Ajax Amsterdam thống trị Cúp các đội vô địch quốc gia châu Âu (tiền thân của Champions League hiện tại) với ba lần vô địch liên tiếp từ năm 1971 đến năm 1973, thì "Hoàng đế" Franz Beckenbauer cũng cùng Bayern Munich thực hiện điều tương tự, từ năm 1974 đến năm 1976. Cruyff cùng đội tuyển Hà Lan làm cả hành tinh bóng đá choáng ngợp với chân trời rộng mở bởi triết lý "bóng đá tổng lực" (total football), thì song song với ông, từ vị trí tiền vệ tấn công khi mới là một ngôi sao trẻ, Beckenbauer đã tự mình phát minh ra vị trí libero/trung vệ tự do, người nắm quyền điều phối trạng thái và phát động các đợt tấn công cho toàn đội, ngay từ trước mặt thủ môn.

Cho đến tận bây giờ, Beckenbauer vẫn là libero xuất sắc nhất trong lịch sử, chỉ đơn giản bởi chưa một hậu bối nào toàn năng như ông. Từ những đường mở bóng vượt tuyến đưa bóng từ trước vạch 16m50 đội nhà đến sát vòng cấm địa đối thủ với độ chuẩn xác gần như tuyệt đối, đến những lần lặng lẽ băng lên để tiếp sức cho hàng tiền đạo, sau này, có lẽ chỉ có màn trình diễn của Matthias Sammer ở EURO 1996 là đủ sức gợi nhớ đến "Hoàng đế". Còn lại, những người chơi ở vị trí bên cạnh một hoặc hai trung vệ dập, chính giữa tuyến hậu vệ (của đội tuyển Đức cũng như mọi đội bóng khác) thường chỉ làm tròn được trách nhiệm của một hậu vệ quét (sweeper), nghĩa là chốt chặn phòng ngự cuối cùng trước mặt thủ môn. Ngay cả Klaus Augenthaler trong đội hình vô địch World Cup 1990 mà chính ông dẫn dắt, cũng chỉ là một sweeper.

Và hơn thế, Kaiser thực hiện tất cả những điều đó với một nhãn quan chiến thuật sắc sảo, bằng một phong thái hào hoa, đĩnh đạc, thanh lịch, điềm tĩnh, tinh tế trong từng nhịp chạm bóng. Gần như không thể tìm được hình ảnh nào mà chúng ta thấy ông cáu gắt, trong hàng triệu đoạn video tư liệu được lan tỏa trên internet. Cùng Johann Cruyff, một công một thủ, có thể nói, Franz Beckenbauer đã góp tay định hình nên diện mạo bóng đá hiện đại. Để khi không còn tìm thấy những libero xuất chúng như ông nữa, thì bóng đá sản sinh ra vị trí của những tiền vệ lùi sâu làm bóng, điển hình là Andrea Pirlo (vô địch World Cup 2006 cùng đội tuyển Italy).

Dải băng trắng giản dị của "Kaiser" ảnh 2
Beckenbauer và các học trò trong lễ mừng danh

hiệu vô địch World Cup 1990 khi trở về Berlin.

KHÔNG có ai hoàn hảo, và Kaiser cũng vậy. Đồng thời với sự nghiệp hiển hách (là một trong ba người đoạt danh hiệu vô địch World Cup trên cả cương vị cầu thủ lẫn huấn luyện viên trưởng, vô địch EURO 1972, hai Quả bóng vàng châu Âu 1972 và 1976), quá khứ của ông cũng có những mảng tối, về gia đình hay về "đường hoạn lộ" trong FIFA. Song, vào lúc này, khi nhìn lại cả một cuộc đời của vĩ nhân bóng đá ấy, các góc khuất trở nên quá bé nhỏ so với hào quang.

Uli Hoeness, Chủ tịch danh dự Bayern Munich, cũng là người đồng đội gắn bó với ông thời tung hoành trên sân cỏ khẳng định: "Franz Beckenbauer là nhân cách vĩ đại nhất mà Bayern từng có. Là một cầu thủ, huấn luyện viên, chủ tịch, một con người không thể nào quên. Sẽ không có ai có thể đạt đến tầm vóc của ông ấy". Trong khi đó, từ nước Anh - địch thủ nhiều duyên nợ của bóng đá Đức, Ban Tổ chức Giải Ngoại hạng Anh gửi tới thông điệp: "Kaiser thống trị bằng sự lịch lãm. Ông sẽ mãi mãi được nhớ đến!".

Song, xin đừng quên, chính Franz Beckenbauer ngày 20/11/2004 đã nói: "Tôi chơi một môn thể thao đồng đội, và không hề thoải mái khi được đánh giá quá cao trên phương diện cá nhân". Cũng đừng quên, nỗi phiền muộn mà ông bộc bạch, khi "Cầu thủ ngày nay có nhiều thứ để dễ bị sao lãng quá. Thời của tôi, cầu thủ đến buổi tập với tạp chí bóng đá trên tay. Còn bây giờ, họ cầm điện thoại và kiểm tra lượt tương tác!". Đừng quên, ông từng bất lực với chính đội bóng yêu quý Bayern Munich, khi "Tôi cảm thấy mình như đang ở Hollywood, lúc bước vào phòng thay đồ", trên cương vị Chủ tịch câu lạc bộ.

Với Kaiser, "Bóng đá là một trong những định nghĩa tuyệt vời nhất về tính cộng đồng. Già trẻ, giàu nghèo, là cầu thủ hay là người hâm mộ, tất cả đều bình đẳng trong bóng đá, với niềm vui cũng như nỗi buồn". Và cuối cùng, với ông, "Không phải cứ mạnh sẽ thắng, mà kẻ thắng mới là người mạnh!".

Những tâm niệm đó, đậm đặc tinh thần tập trung cũng như tính khắc kỷ, đã hằn in trong ông kể từ trước thời điểm quấn băng trắng lên bên vai nhức nhối, để tiếp tục chạy trên sân dưới trời nắng lửa Azteca. Nó được bù đắp bằng tột đỉnh danh vọng, khi Lothar Matthaeus cùng những học trò khác tung ông lên cao, trong đêm hoa đăng 8/7/1990, dưới bầu trời sân vận động Olimpico di Roma lấp lánh sao…