Nhiệm vụ… vẫn khả thi

Thoát chết trong ​​một thảm kịch trên chiếc thuyền tới Tây Ban Nha, Moustapha Diouf (trong ảnh) quyết định dành phần đời còn lại thuyết phục những người trẻ không di cư khỏi Senegal. Một nhiệm vụ ngày càng trở nên bất khả thi do tác động của khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu. Nhưng, không vì thế mà ông dừng lại.
0:00 / 0:00
0:00
Người đàn ông nỗ lực hành động, vận động người dân không di cư khỏi Senegal.
Người đàn ông nỗ lực hành động, vận động người dân không di cư khỏi Senegal.

Trải nghiệm nơi cõi chết

Chen chúc cùng 90 người di cư khác trên một chiếc tàu đánh cá ọp ẹp hướng đến Tây Ban Nha cách đây 17 năm, Moustapha Diouf chứng kiến ​​10 người trên tàu ra đi, từng người một, vì nắng nóng và kiệt sức.

Lo ngại các thi thể có thể gây dịch bệnh, Diouf đã phải vứt những xác chết xuống biển. Năm người trong số đó là bạn bè của ông. Chính trong khoảnh khắc rùng rợn đó, ông đã thề sẽ làm mọi thứ trong khả năng, để ngăn chặn những người khác đưa ra lựa chọn dại dột mà ông và bạn bè từng chọn: Tìm mọi cách đến châu Âu, để rồi chết hoặc cách này hay cách khác trên hành trình đầy nguy hiểm ấy.

Diouf nói, trong một văn phòng bụi bặm và đơn sơ của tổ chức phi lợi nhuận do ông đồng sáng lập: "Nếu chúng tôi không làm gì, chúng tôi sẽ trở thành đồng phạm trong cái chết của họ". "Tôi sẽ chiến đấu mỗi ngày để ngăn chặn những người trẻ rời đi", ông quả quyết.

Khi việc bắt cá truyền thống ngoài khơi bị lấn át bởi các tàu đánh cá công nghiệp đến từ nước ngoài, Diouf và những người dân làng của ông không thể nuôi sống gia đình được nữa. Họ tin rằng di cư là lựa chọn tốt nhất. Năm 2006, chiếc thuyền mà Diouf bước lên cùng những người bạn của mình là một trong nhiều chiếc pirogue (loại thuyền nhỏ của vùng Tây Phi) khởi hành từ các ngôi làng ven biển của Senegal theo hướng Canary, một quần đảo Tây Ban Nha nằm cách đó 90 km ngoài khơi bờ biển Morocco. Chỉ trong vòng một năm, gần 32.000 người di cư, hầu hết là người Tây Phi, đã đến Canary thông qua tuyến đường đầy bất trắc này.

Nhưng, hàng nghìn người khác đã không đến được đích. Họ chết hoặc mất tích trong mênh mông sóng nước Đại Tây Dương. Tuyến đường nguy hiểm đến mức khẩu hiệu của những người dũng cảm vượt qua nó là "Barsa wala Barsakh", nghĩa là "Barcelona hoặc chết" trong tiếng Wolof, một trong những ngôn ngữ quốc gia của Senegal. Tuy nhiên, rủi ro của hành trình vẫn không ngăn được dòng người di cư đổ về vùng duyên hải này, đến mức người dân địa phương bắt đầu gọi những nơi như Thiaroye-sur-Mer, làng của ông Diouf ở ngoại ô Dakar, là "sân bay quốc tế".

Sứ mệnh cuộc đời

Diouf may mắn đến được Canary, nhưng lại bị bỏ tù và bị trục xuất về Senegal. Khi trở về, cùng hai người hồi hương khác, Diouf thành lập tổ chức phi lợi nhuận của mình, được gọi là AJRAP, hay "Hiệp hội những người hồi hương trẻ tuổi", tự đặt cho mình nhiệm vụ thuyết phục thanh niên Senegal ở lại.

Để thực hiện sứ mệnh, Diouf đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ cấp cao. Ông đã viết một lá thư cho Tổng thống Senegal, Macky Sall. Ông đã gặp Thị trưởng thủ đô Dakar. Ông thậm chí còn cố gắng đến Brussels để nói chuyện với các quan chức tại Liên minh châu Âu (EU), nhưng không xin được thị thực. Dù vậy, điều đó không ép được người đàn ông 54 tuổi này dừng lại.

Khi vận động đủ vốn, AJRAP tổ chức đào tạo nghề làm bánh, chăn nuôi gia cầm, sửa chữa đồ điện và kinh doanh, để cung cấp các giải pháp thay thế cho việc di cư. Diouf cũng nói chuyện với giới trẻ tại các trường học địa phương, nhằm "đính chính" bức tranh bị tô hồng quá mức về châu Âu, thường được vẽ bởi những người di cư đã may mắn thành công. Ông cũng mời Petit Ndiaye - một blogger kiêm người điều hành bộ phận truyền thông của thành phố Saint Louis, Senegal tham gia. Cùng nhau, cả hai nỗ lực giúp ngư dân chuyển sang các lĩnh vực việc làm khác, như cơ khí, thương mại và nông nghiệp.

Diouf đã phải chịu đựng nhiều mất mát. Anh trai ông thiệt mạng trên chiếc pirogue bị một tàu đánh cá lớn đâm chìm. Người vợ đầu của Diouf cũng đã bỏ ông cùng ba đứa con, vì bà không hài lòng với sự tận tụy mà ông dành cho sứ mệnh cộng đồng. Chai sạn trước bao biến cố, ông thường hiếm khi bộc lộ cảm xúc. Nhưng khi kể về một vụ đắm tàu mà đại dương đã nuốt chửng sinh mạng của 15 người cùng một gia đình, giọng Diouf như vỡ vụn. "Tôi không thể chịu đựng nổi điều đó", mắt ông đẫm lệ.

Không bao giờ từ bỏ

Dù rất quyết tâm, song Diouf cũng đối diện những lực cản khổng lồ. Ông không có khả năng cung cấp việc làm cho bất kỳ ai, và hầu hết những người nghe ông khuyên nhủ cuối cùng vẫn đều chọn cách… di cư.

Sau đỉnh cao ban đầu là năm 2006-2007, số người Tây Phi cố gắng vượt Đại Tây Dương giảm dần trong những năm tiếp theo. Nhưng gần đây, tuyến đường này đã trở nên phổ biến trở lại. Chính quyền Tây Ban Nha cho biết: Trong năm 2023, hơn 35.000 người di cư đã đến quần đảo Canary, vượt mức đỉnh điểm năm 2006. Hầu hết họ đến từ Tây Phi.

Nhiệm vụ ngăn dòng người này thật gian nan. Bởi, 75% số người Senegal dưới 35 tuổi và thanh niên phải đối mặt áp lực kiếm tiền và hỗ trợ gia đình cực kỳ nặng nề. Lạm phát lên tới gần 10% vào năm ngoái, chủ yếu do giá lương thực tăng cao, trong khi biến đổi khí hậu cũng khiến công việc bấp bênh hơn, thu nhập giảm sút.

Atou Samb, một ngư dân 29 tuổi, đã ba lần cố gắng đến châu Âu và nói rằng ngay khi gom đủ tiền, anh sẽ thử lại. "Chúng tôi rất kính trọng Moustapha", Samb nói khi đang sửa lưới đánh cá dưới cái nắng như thiêu đốt. "Ông ấy không ngừng nói về sự nguy hiểm của việc di cư. Nhưng chỉ lời nói thôi sẽ không nuôi sống được gia đình tôi. Ở đây chẳng còn gì cho chúng tôi nữa".

Không chỉ những thanh niên Senegal, mong muốn di cư ngấm vào cả lũ trẻ. Một buổi sáng gần đây tại một trường học địa phương, Diouf nói chuyện với một lớp học gồm những học sinh 13 tuổi. Hầu như tất cả đều nói rằng có người trong gia đình mình đã rời đến Tây Ban Nha. "Nếu thuyền của cháu bị lạc, tất cả các cháu sẽ chết," ông Diouf nói thẳng. "Bác biết tất cả các cháu đều muốn giúp đỡ bố mẹ mình. Nhưng cách tốt nhất để giúp họ là hãy sống sót!". Cả lớp ngoan ngoãn gật đầu. Nhưng khi được hỏi ai muốn ở lại Senegal sau khi học xong, chỉ có… sáu trong số 101 học sinh giơ tay.

Con số ấy khiến trái tim Diouf như tan nát. "Làm sao tôi có thể tiếp tục nói với chúng rằng chúng nên ở lại khi không có việc làm?", Diouf đau đớn, nhưng vẫn khẳng định ông sẽ không từ bỏ sứ mệnh của đời mình. "Nếu tôi ngăn được dù chỉ một người chết trên biển thì nỗ lực này cũng đáng", Diouf nói, mắt thăm thẳm như sóng đại dương...

(Theo The New York Times, The Star và Startfinder.de)