Phần chưa được Oppenheimer nhắc tới

Ngoài đời, nữ nghị sĩ Teresa Fernandez có những điểm tương đồng với nhân vật điện ảnh nổi tiếng Erin Brockovich. Cũng giống nữ trợ lý luật sư trong phim, Teresa Fernandez đang đấu tranh đòi quyền lợi cho hàng trăm nạn nhân ung thư.
0:00 / 0:00
0:00
Nữ nghị sĩ Teresa Fernandez
Nữ nghị sĩ Teresa Fernandez

Khuất sau giải Oscar

Teresa Fernandez đã xem kỹ "Oppenheimer" - bộ phim giành tới bảy giải Oscar năm nay, cũng như cách đạo diễn Christopher Nolan xây dựng hình ảnh nhà vật lý "cha đẻ" quả bom nguyên tử đầu tiên tại Los Alamos, bang New Mexico (Mỹ).

Và ngay sau cảnh tài tử Cillian Murphy, trong vai nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer, nhìn qua kính bảo hộ từ một nhà kho kiên cố để quan sát đám mây hình nấm khổng lồ, nữ nghị sĩ Teresa Fernandez nhận ra: Còn một "câu chuyện chưa kể", đằng sau những thước phim thắng giải.

"Chúng tôi không thấy nhắc gì về tác động của quả bom đối với người dân sống ở phía bắc New Mexico. Không thể nào họ (các nhà vật lý của Dự án Manhattan) lại không nhận thức được tác động của bức xạ, đối với các cộng đồng ở phía cuối gió của địa điểm ném quả bom Trinity", nữ nghị sĩ bang New Mexico nhấn mạnh. Bà muốn nói về "những người chịu ảnh hưởng kéo dài của bụi phóng xạ rơi xuống mặt đất, mùa màng và được động vật, con người hấp thụ" - trong nhiều thập niên, sau vụ thử bom nguyên tử.

Teresa Fernandez đã nhận ra phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của phóng xạ, sau khi giành được một ghế trong Hạ viện Mỹ vào năm 2020, rồi gặp gỡ các cử tri và tiếp xúc với Tina Cordova, thủ lĩnh của những người sống sót cũng như hậu duệ của họ - nhóm mắc các căn bệnh nan y sau vụ thử bom Trinity năm 1945.

Cordova đang hồi phục sau khi điều trị ung thư tuyến giáp. Cháu gái 24 tuổi của bà cũng phải vật lộn với tình trạng tương tự, và là thành viên thế hệ thứ năm trong gia đình mắc phải dạng ung thư này hoặc một dạng ung thư khác. Cordova còn là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng của Lois Lipman, "First We Bombed New Mexico", bộ phim cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bà Fernandez nắm bắt những vấn đề bất công liên quan vụ thử bom Trinity.

Khi tro phóng xạ lan khắp một khu vực rộng lớn ở sa mạc phía tây bang New Mexico, Tina Cordova vẫn chưa ra đời. Nhưng cha của bà, ông Anastacio Cordova, lúc đó mới bốn tuổi, sống ở Tularosa, một ngôi làng cách địa điểm thử bom 70 km. Dòng di truyền của bệnh ung thư bắt đầu từ ông.

Tina cho biết, là một người không hút thuốc, ông Anastacio đã phải cắt bỏ một phần lưỡi ở tuổi 61, trước khi điều trị những căn bệnh ung thư khác do "mức độ phóng xạ cao ở đầu và cổ của ông". "Tất cả răng của ông phải nhổ bỏ," bà kể lại. "Sau đó ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Tám năm sau, ông bị tổn thương nguyên phát thứ hai trên lưỡi. Bác sĩ nói rằng họ có thể loại bỏ khối u, nhưng ba tôi không thể tiếp tục xạ trị nữa vì trong đợt đầu tiên, ông đã nhận lượng phóng xạ tối đa". Cha của Cordova qua đời vào năm 2013, sau chín năm chống chọi.

Phần chưa được Oppenheimer nhắc tới ảnh 1
Teresa Fernandez và cuộc đấu tranh không mệt

mỏi.

Hành trình vẫn còn tiếp diễn

Teresa Fernandez cho biết, việc lắng nghe câu chuyện của Cordova và những người bị tác động tiêu cực khác đã thức tỉnh bà, nhất là khi mẹ của bà cũng đến từ Colonias, một ngôi làng ở hạt Guadalupe và "nằm trong vòng tròn đồng tâm của những người bị nhiễm phóng xạ".

"Họ cũng là một phần của đời tôi. Bà ngoại tôi qua đời vì ung thư bạch cầu. Mẹ tôi, một người không hút thuốc, qua đời vì ung thư phổi", Fernandez nhớ lại, đồng thời cho biết thêm: Vào thời điểm đó, những người thân của bà không hề suy đoán rằng, bệnh tật của họ bắt nguồn từ quả bom nguyên tử ở New Mexico.

Nhưng quá khứ của bà (kết hợp với quá khứ của những người như Cordova) đã khiến Fernandez nhận ra rằng "với tư cách là một quốc gia, nước Mỹ chưa bao giờ xin lỗi người dân bang New Mexico". Và Teresa Fernandez quyết sửa chữa điều đó.

Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ thấy câu chuyện bắt đầu giống với "Erin Brockovich", bộ phim mà nữ minh tinh Hollywood một thời Julia Roberts thủ vai nữ trợ lý luật sư đã đấu tranh thành công, để đòi quyền lợi cho những nạn nhân bị nhiễm độc crom hóa trị 6 từ nhà máy điện PG&E. Nhưng thực tế… hơi khác với phim một chút.

Thay vì chiến đấu với cả cỗ máy dối trá như Brockovich đối đầu với tập đoàn năng lượng PG&E trong phim, nữ nghị sĩ 64 tuổi ngoài đời phải đấu tranh với những thách thức ở nghị trường, nơi mà quyền lợi của các đảng phái cũng như thủ tục pháp lý rắc rối là trở ngại rất lớn.

Trước đây, New Mexico nằm trong số các bang không đủ điều kiện nhận tiền bồi thường do phơi nhiễm bụi phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân (bao gồm cả quả bom nguyên tử trong Dự án Manhattan được thử nghiệm tại Trinity Site ở phía nam của bang này) và quá trình khai thác urani sau năm 1971. Vì thế, Dự luật gia hạn Đạo luật bồi thường phơi nhiễm bức xạ (RECA), do bà Fernandez vận động, đưa New Mexico vào danh sách bồi thường.

Đạo luật này trở thành một phần của Dự luật quốc phòng, do Thượng nghị sĩ Ben Ray Lujan - người tiền nhiệm của bà Fernandez ở Hạ viện - đệ trình lên Thượng viện. Dự luật ấy đã gần được thông qua vào cuối năm ngoái, nhưng lại bị bác bỏ vào phút cuối. Đến tháng 3/2024, nó mới được Thượng viện thông qua, và sẽ chuyển tới Hạ viện để biểu quyết trước khi có thể trở thành luật.

Theo kinh nghiệm của mình, Teresa Fernandez biết rằng quá trình này tại Hạ viện cũng thường diễn ra chậm chạp và vẫn còn không ít khó khăn, trong khi thời gian lại chẳng chờ đợi những nạn nhân, bởi căn bệnh quái ác có thể khiến họ ra đi bất cứ lúc nào. Vì thế, hành trình đấu tranh của bà vẫn cần tăng tốc.

"Chúng tôi muốn Hạ viện sớm viết phần kết của câu chuyện và đó phải là phần kết đúng đắn", bà thúc giục. "Mỗi ngày Hạ viện chưa thông qua là thêm mỗi ngày chính phủ có lỗi đối với những người bị tổn hại bởi quả bom nguyên tử đó".

(Theo The Guardian, Yahoo News, KUNM)