Từ những "mảnh ghép" đến... giải Nobel

Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, có chung một quan điểm: Giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay không chỉ là chiến thắng của "nhà sử học kinh tế" Claudia Goldin (ảnh bên), mà còn đánh dấu một thắng lợi của phái nữ!
0:00 / 0:00
0:00
Từ những "mảnh ghép" đến... giải Nobel

Nữ "thám tử" ngành sử học kinh tế

"Goldin là người đầu tiên cung cấp cái nhìn toàn diện về thu nhập và đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao động", đó là đánh giá ngắn gọn của Hội đồng Nobel về nữ chủ nhân giải thưởng danh giá năm nay. Trong hệ thống giải Nobel, Kinh tế là lĩnh vực có ít đại diện nữ nhất. Sau 55 năm tổ chức, chỉ có ba người phụ nữ từng đạt được giải thưởng này, trong đó, Goldin là cá nhân duy nhất tới nhận giải.

Công trình nghiên cứu của bà đồ sộ hơn nhiều so khả năng hình dung của nhiều người: Goldin đã thu thập và tổng hợp dữ liệu về lực lượng lao động tại Mỹ trong hơn... 200 năm, với mục đích chính là tìm ra cách thức và nguyên nhân của sự chênh lệch về giới trong thu nhập và tham gia thị trường lao động. Những nghiên cứu của bà hé lộ các xu hướng mới, phát hiện nguyên nhân của sự thay đổi và thẳng thắn chỉ ra những lý do chính gây ra bất bình đẳng giới.

Chiến thắng này càng có ý nghĩa hơn khi cách đây đúng 30 năm, cố vấn của Goldin - Nhà sử học kinh tế Robert Fogel cũng được ghi tên trên bảng vàng Nobel. Năm ấy, trong quá trình hỗ trợ Fogel thực hiện đề tài nghiên cứu kinh tế về chế độ nô lệ tại Mỹ trong bối cảnh đô thị, lần đầu Goldin đặt ra câu hỏi: Tại sao giữa thế kỷ 20, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ da đen lại cao hơn phụ nữ da trắng?

Và từ đó, hàng loạt câu hỏi về sự khác biệt giới trong lực lượng lao động được Goldin đặt ra.

Trên chặng đường tìm kiếm câu trả lời, bà phát hiện: Thời điểm đó, có quá ít tài liệu kinh tế nhắc đến phụ nữ. "Khi tôi bắt đầu nghiên cứu, tôi nhận ra phần lớn các nhà sử học kinh tế đang tập trung nghiên cứu về lao động trẻ em hoặc nam giới. Họ không thật sự biết phụ nữ đang làm gì!".

Những dữ liệu sử học kinh tế liên quan đến phụ nữ thường bị ẩn khuất trong "ngăn kéo" hồ sơ ở nhiều nơi khác nhau. Chúng tồn tại dưới dạng từng lát cắt nhỏ, rời rạc và Goldin chính là người tìm kiếm rồi ghép chúng lại với nhau. Từ danh sách các công việc phân biệt giới năm 1930 cho đến danh sách doanh nghiệp thế kỷ 18, bà nhặt nhạnh từng câu chuyện về các hoạt động ngoài gia đình tạo ra thu nhập của phụ nữ. Một khối lượng thông tin lớn và vụn vặt.

Đồng nghiệp của bà tại Đại học Harvard đã miêu tả hành trình hoàn thiện nghiên cứu đó giống như thám tử đang đi điều tra và lần tìm manh mối. Chính Goldin cũng thừa nhận: "Tôi nghĩ mình là một thám tử - người tin rằng có cách tìm ra câu trả lời cho mọi câu hỏi!".

Từ những "mảnh ghép" đến... giải Nobel ảnh 1
Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng ghi nhận Goldin như một "thám tử" kinh tế.

Giản dị và kín tiếng

Tra cứu về Goldin, phần lớn kết quả sẽ chỉ dẫn hướng đến các bài báo, công trình nghiên cứu, xoay quanh công việc và hoàn toàn không có thông tin về đời sống cá nhân. Họa chăng, cũng là những thông tin hết sức chung chung, như: bà sinh ra và lớn lên tại thành phố New York, Mỹ; hiện sống cùng chồng cũng là đồng nghiệp tại Đại học Harvard và một chú chó…

Có lẽ cũng cần có chút kỹ năng thám tử để tìm ra được những mảnh ghép nhằm tạo nên bức chân dung về nhà sử học kinh tế kín tiếng này.

Carola Frydman, từng là trợ giảng tại Harvard của Goldin, miêu tả: "Bà ấy cực kỳ tò mò, không chỉ về những điều mà bà ấy đang làm!". Một trong số ít những lần chia sẻ với phóng viên, bà cũng đã từng hé lộ: "Tôi đã nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau trong lĩnh vực lịch sử kinh tế trước khi phát hiện ra thiên chức đích thực của mình: nghiên cứu về phụ nữ và giới tính!". Và một bí mật ít ai biết, ngày còn là học sinh trung học, Goldin đã từng mong muốn trở thành... nhà vi khuẩn học!

Còn Alex Chan, trợ lý Giáo sư Đại học Harvard lại kể: "Đồng nghiệp của tôi là một giáo viên tận tâm! Chẳng cần lấy thí dụ đâu xa, ngay ngày nhận giải thưởng danh giá kia, thay vì tham gia vào các buổi lễ chào mừng chiến thắng của chính mình, bà ấy lại lựa chọn dành nguyên một ngày để tư vấn, đưa ra lời khuyên cho sinh viên sắp ra trường!".

Quả thật, chính tuyên bố của Goldin cũng khẳng định, bà yêu nghề giáo và sinh viên của mình đến nhường nào: "Tôi được nhận giải thưởng này một phần là nhờ sinh viên của tôi. Với tôi họ chính là những nàng thơ trong nghiên cứu! Họ là những cá nhân mà tôi tin tưởng sẽ luôn lắng nghe mọi ý kiến, hay thắc mắc của tôi và phản hồi lại".

Hay như câu chuyện thú vị được Marcella Alsan - người đang điều hành Phòng nghiên cứu Bất bình đẳng Y tế tại Trung tâm Chính sách công Malcolm Wiener kể lại: "Khi ấy tôi mới sinh con, lại là sinh viên vừa tốt nghiệp, vẫn còn công trình nghiên cứu dang dở, mệt mỏi và căng thẳng là chuyện hiển nhiên. Tôi luôn cho rằng sự nghiệp tương lai của mình sẽ chẳng đi đến đâu, nên luôn giấu mình, che đi sự tự ti. Vậy mà bà ấy nhận ra sự chật vật của tôi. Goldin nhẹ nhàng lắng nghe và chia sẻ những khó khăn tôi đang gặp phải, còn nhiệt tình giới thiệu cho tôi những nhân vật lớn trong ngành để được hỗ trợ. Chính bà ấy tạo nên tôi của hiện tại!".

Goldin cũng là người vui tính và hài hước. Kể cả với một ngành khô khan như kinh tế, bà vẫn có thể dí dỏm: "Đối với các nhà kinh tế học, thay đổi là quan trọng, thay đổi mới thú vị. Do đó, đàn ông thì nhàm chán còn phụ nữ mới thú vị!".

Sau cùng, chắc chắn Goldin là một người phụ nữ truyền cảm hứng! Không chỉ dừng lại ở giải thưởng hay công trình nghiên cứu, mà cảm hứng đến từ chính cách bà thúc đẩy từng người phụ nữ chung quanh mình vươn lên!