Những giấc mơ không giới hạn

"Người trẻ thường thiếu kinh nghiệm để vươn xa", mệnh đề ấy dường như không còn đúng trong thời đại 4.0 nữa. Trên khắp các lĩnh vực, thế hệ trẻ Việt Nam đang chứng kiến sự nở rộ của rất nhiều gương mặt. Trong số họ, dù tuổi đời còn rất trẻ, không ít người đã mở rộng chân trời cho chính mình và cho đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sức trẻ Việt Nam. Nguồn: QĐND
Sức trẻ Việt Nam. Nguồn: QĐND

Giáo sư 39 tuổi

Những giấc mơ không giới hạn ảnh 1

Trần Xuân Bách (Trường đại học Y Hà Nội), Nguyễn Đại Hải và Đoàn Thái Sơn (cùng đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Tháng 11/2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước chính thức công bố danh sách các ứng viên đạt chuẩn Giáo sư và Phó Giáo sư. Theo đó, Việt Nam có ba tân Giáo sư ở tuổi 39: Trần Xuân Bách (Trường đại học Y Hà Nội), Nguyễn Đại Hải và Đoàn Thái Sơn (cùng đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Bảy năm trước, Trần Xuân Bách cũng là Phó Giáo sư trẻ tuổi nhất, khi anh nhận học hàm này ở tuổi 32. Trước khi được công nhận học hàm Giáo sư tại Việt Nam, Trần Xuân Bách từng được Đại học Johns Hopkins (Mỹ) phong học hàm Giáo sư khi mới 35 tuổi. Đó là vinh dự hiếm có với một nhà khoa học trẻ.

Trần Xuân Bách là một trong những gương mặt tiêu biểu cho tinh thần "học, học nữa, học mãi". Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Y tế cộng đồng ở tuổi 28 tại Canada, Trần Xuân Bách tiếp tục tìm hiểu những lĩnh vực khác ngoài y học. Anh đã có bằng Cử nhân Luật, cũng như Thạc sĩ ngành tài chính.

Chưa bước qua tuổi 40, nhưng Giáo sư Trần Xuân Bách đã có trên dưới 100 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín. Anh được không ít trường đại học hàng đầu thế giới ngỏ lời mời làm việc. Nhưng sau tất cả, Trần Xuân Bách vẫn chọn về nước để tiếp tục cống hiến cho quê hương.

Những giấc mơ không giới hạn ảnh 2

Tiến sĩ Chu Đức Hà (Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Vì những người nông dân

Vào thời điểm xuất hiện rất nhiều ngành học "thời thượng" thu hút phần lớn sinh viên, Chu Đức Hà đi theo con đường khoa học cơ bản. Sau 15 năm, nỗ lực của anh dần đơm hoa kết trái. Tiến sĩ Chu Đức Hà (Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện là một trong những nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam.

Chu Đức Hà chính là người được cấp bằng độc quyền sáng chế với nhiều sản phẩm nông nghiệp có một không hai tại Việt Nam. Đứa con tinh thần lớn nhất của anh là năm giống lúa gạo có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Anh cũng là một trong những giảng viên trẻ truyền cảm hứng đến sinh viên về tình yêu với khoa học, cũng như cống hiến cho đất nước.

Bản thân Tiến sĩ Chu Đức Hà luôn mong muốn những sản phẩm của anh sớm được ứng dụng, trong thời gian ngắn nhất. Bởi, anh tin kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc của mình sẽ giúp người nông dân bớt vất vả hơn, và những vụ mùa bội thu sẽ đến. Với anh, đó mới là đích đến đích thực của một nhà khoa học.

Những giấc mơ không giới hạn ảnh 3

Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà Myo)

Hát xẩm ở thế kỷ 21

Khi nghe đến hát xẩm, khán giả sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những nghệ sĩ đứng tuổi mặc trang phục truyền thống. Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà Myo) đã thay đổi hoàn toàn hướng tư duy ấy. Cô chính là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa hát xẩm, cũng như nhiều thể loại nhạc truyền thống khác, vào âm nhạc hiện đại.

Cái duyên đưa Ngọc Hà đến với hát xẩm bắt đầu từ 5 năm trước. Khi ấy, cô có dịp tìm hiểu sâu về nhiều hình thức hát dân gian. Ngọc Hà dần yêu thích hát xẩm, và có khát vọng cháy bỏng đưa những câu xẩm đến gần giới trẻ hơn. Ở một khía cạnh khác, người nghệ sĩ trẻ đó cũng luôn luôn cố gắng để sản phẩm của mình không bị gắn mác lố lăng, đi ngược lại những giá trị truyền thống của hát xẩm.

Từ những bài hát xẩm mang phong cách hiện đại của mình, Ngọc Hà dần tìm ra những giá trị mới, để thu hút ngày càng nhiều người chia sẻ đam mê cùng cô. Nhiều câu xẩm hiện đại trở thành động lực giúp các bạn trẻ vượt qua rào cản tự ti khi bị gắn mác tụt hậu trong gu nghe nhạc. Sau hát xẩm, ca trù và quan họ cũng đã sẵn sàng tiếp nối, thu nhận một số âm hưởng hiện đại, và đến gần hơn với giới trẻ.

Những giấc mơ không giới hạn ảnh 4

Duy Trần

Nhà thiết kế Gen Z

Ở tuổi 25, Duy Trần có gần 10 năm kinh nghiệm gắn bó với ngành kinh doanh thời trang tại Việt Nam. Chàng thanh niên ấy bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực đầy rủi ro này khi bắt đầu vào đại học. Vốn là một thanh niên buôn bán quần áo cũ với khoản lãi khiêm tốn, Duy luôn tự hỏi: Làm thế nào để sản phẩm có giá trị lớn hơn?

Sau khi suy nghĩ và cân nhắc, Duy hành động. Anh chính là một trong những nhà thiết kế đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công thức kết hợp đồ tái chế, chủ yếu là quần áo cũ, để tạo ra những sản phẩm mới. Điều đó giúp mỗi món đồ của Duy tạo ra là độc nhất, không "đụng hàng" với bất kỳ thương hiệu nào khác.

Từ một thương hiệu thời trang bình dân ở Việt Nam, sản phẩm của Duy bất ngờ được thế giới biết đến, khi một thành viên của nhóm nhạc nữ lừng danh Blackpink sử dụng. Không lâu sau đó, anh trở thành khách mời phỏng vấn của Vogue, tạp chí thời trang hàng đầu thế giới. Duy chính là hiện thân của một giấc mơ không giới hạn đã trở thành hiện thực, với những ai không ngừng làm mới bản thân.

Những giấc mơ không giới hạn ảnh 5

Lê Minh Tuyển (biệt danh Lê Anh Nuôi)

"Anh nuôi" của triệu gia đình

Lê Minh Tuyển (biệt danh Lê Anh Nuôi) là minh chứng tiêu biểu cho khả năng tỏa sáng từ những con người bình dị quanh chúng ta. Biệt danh "anh nuôi" của anh xuất phát từ việc Minh Tuyển từng theo học trung cấp tại Học viện Hậu cần. Công việc chính của anh là tìm hiểu, đồng thời lên thực đơn bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.

Loạt video "Bữa ăn 26.000 đồng" của Minh Tuyển trên mạng xã hội đã thu hút hàng chục triệu người theo dõi thường xuyên. Không ít khán giả của "Lê Anh Nuôi" là những bà nội trợ. Họ thật sự tò mò về cách một thanh niên 9X "liệu cơm gắp mắm" để nấu những bữa ăn với chi phí tiết kiệm, nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng giữa Thủ đô Hà Nội.

Câu chuyện của Minh Tuyển cũng là minh chứng hùng hồn cho ích lợi của việc "học đi đôi với hành". Chỉ cần học và làm thật chuyên cần, thành công sẽ đến với mọi người dù sớm hay muộn. Hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ, qua những suất ăn của "Lê Anh Nuôi", cũng trở nên gần gũi, thân thuộc và đáng yêu hơn, đối với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.