Người thầy dạy bay của những… chú cò

Sử dụng một chiếc máy bay dù lượn, Johannes Fritz từng dạy những con cò quăm hói có nguy cơ tuyệt chủng biết đường di cư tránh đông qua dãy Alps. Thế nhưng, vì biến đổi khí hậu, giờ đây nhà sinh vật học phải tìm cho chúng đường bay dài hơn gấp ba lần.
0:00 / 0:00
0:00
Johannes Fritz và cộng sự đang kéo chiếc máy bay dù lượn ra "thao trường", bắt đầu một buổi hướng dẫn đàn cò bay theo. Ảnh: The New York Times
Johannes Fritz và cộng sự đang kéo chiếc máy bay dù lượn ra "thao trường", bắt đầu một buổi hướng dẫn đàn cò bay theo. Ảnh: The New York Times

Kế hoạch "Chắp cánh bay xa"

Cách đây 57 năm, khi nhà sinh vật học Johannes Fritz chào đời, cò quăm hói phương bắc, một loài chim đen to bằng con ngỗng với cái đầu hói và chiếc mỏ khổng lồ, chỉ còn có thể được tìm thấy ở châu Âu trong điều kiện nuôi nhốt. Có lẽ, từ khoảng 400 năm trước, người châu Âu đã đưa lên bàn tiệc những con cò quăm hói phương bắc hoang dã cuối cùng mà họ nhìn thấy.

Ngày nay, nhờ một dự án có tên Waldrappteam (mà Fritz là người sáng lập), loài chim này đang được đưa trở lại tự nhiên. Tới nay, quần thể cò quăm đầu hói phương bắc hoang dã ở châu Âu đã lên tới hơn 200 con. Một kết quả rất đáng khích lệ. Nhưng, để có được con số ấy là những nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, trong đó có việc giúp đàn cò sống sót qua mùa đông.

Để tránh cái lạnh của mùa đông vùng Trung Âu, những con cò quăm phương bắc cần bay về phía nam, qua dãy Alps. Trải qua nhiều thế hệ trong môi trường nuôi nhốt, bản năng di cư của chúng vẫn còn nguyên, nhưng chúng không còn lưu giữ được nhiều thông tin về địa lý. "Trong quá trình tìm kiếm ‘phương nam’, một số con đã bay tận… đến Nga", ông Fritz kể.

Thôi thúc bởi nỗi trăn trở ấy, Fritz nảy ra ý tưởng: Chỉ cho lũ chim con đường di cư, bằng cách tự mình hướng dẫn chúng trên… một chiếc máy bay dù lượn. Fritz cho biết ông lấy cảm hứng từ bộ phim "Fly Away Home" (để tiện cho độc giả nhớ lại, tựa đề tiếng Việt của phim là "Chắp cánh bay xa") ra mắt năm 1996, trong đó nhân vật chính Amy lái một chiếc máy bay dù lượn để chỉ cho đàn ngỗng mồ côi con đường di cư.

Dù bản thân chưa từng thực hiện, và cũng chưa có ai từng làm điều tương tự, nhưng Fritz tự tin rằng mình sẽ thành công với kế hoạch táo bạo và độc đáo này. Fritz đăng ký học bay. Rồi ông chỉnh sửa một chiếc máy bay dù lượn, cho nó có thể bay với tốc độ đủ chậm, để "các học trò có cánh" của mình theo kịp. Tiếp đến, ông bắt đầu huấn luyện những chú cò hoang dã hiểu được cách bay theo mình.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, nhóm của Fritz nhận 31 chú cò quăm hói mới được vài ngày tuổi tại vườn thú Vienna (Áo) vào năm 2014. Được cho ăn 10 lần một ngày, chúng bắt đầu nhìn nhận hai trợ lý nữ cho chúng ăn là "chim mẹ". Sau khoảng hai tháng, khi cứng cáp và có thể học bay, chúng được đưa đến trại huấn luyện ở hồ Constance, phía bắc dãy Alps, ngay trên biên giới Đức - Áo. Tại đây, "chim mẹ" và những chú cò sẽ học cách bay cùng nhau, trước khi có thể thực hiện hành trình vượt dãy Alps hùng vĩ.

Người thầy dạy bay của những… chú cò ảnh 1
Chiếc máy bay dù lượn của Fritz đang dẫn đàn

cò bay về phương nam tránh rét trên lộ trình mới. Nguồn: BBC

Hành trình mới sau 15 năm

Những chuyến bay đầu tiên không hề dễ dàng. Dù lũ cò có mối liên kết chặt chẽ với "chim mẹ" và biết chạy theo họ trên mặt đất, song việc bay theo "chim mẹ" lại khó khăn hơn. Nhiều lúc, chỉ có một nửa đàn bay theo sau máy bay, trong khi nửa còn lại bối rối đến mức quay trở lại chuồng. "Chúng vẫn chưa hiểu được rằng ‘chim mẹ’ đang ngồi trong máy bay," Fritz kể lại.

Nhờ sự kiên nhẫn của Fritz và cộng sự, những con cò dần "thuộc bài". Trong một thập niên qua, họ đã dẫn 15 chuyến bay của cò quăm từ các địa điểm sinh sản vào mùa hè ở Áo và Đức băng qua dãy Alps đến nơi trú đông ở Tuscany (Italy). Và thành công còn hơn cả mong đợi, khi các thế hệ cò đầu tiên sinh sản trong tự nhiên đã dạy cho con cái chúng cách di cư. Đàn cò giờ đã có thể tự bay qua dãy Alps mà không cần hướng dẫn nữa.

Dù vậy, gần đây thách thức mới lại xuất hiện. Biến đổi khí hậu làm mùa hè ở nơi đàn cò sinh sống tại Áo và Đức kéo dài. Vì thế, lũ cò bắt đầu di cư vào cuối tháng 10 thay vì cuối tháng 9 như cách đây 10 năm. Song, đấy đã là thời điểm quá muộn để vượt qua dãy Alps.

Năm ngoái, ba đàn cò quăm đã hai lần cố gắng vượt qua các ngọn núi vào tháng 11, nhưng lần nào cũng thất bại. Không thể bay lên trên các đỉnh núi lạnh giá, hầu hết những con cò sẽ chết trên hành trình di cư. "Nếu cứ đà này, chỉ hai hoặc ba năm nữa chúng sẽ lại tuyệt chủng", Fritz ngậm ngùi kể lại suy nghĩ của mình, khi ông quyết định tìm một con đường di cư mới, an toàn hơn cho đàn cò thay vì bay qua dãy Alps.

Tuyến đường mới mà Fritz chọn dài khoảng 4.000 km, gấp ba lần so tuyến đường cũ. Bay với tốc độ tối đa 40 km/giờ, chuyến đi dự kiến ​​mất khoảng sáu tuần để đàn cò đến được bờ biển phía nam Đại Tây Dương của Tây Ban Nha, gần Cadiz, nơi chúng có thể thoải mái trú đông.

Một hành trình dài như vậy là quá nguy hiểm cho Fritz. Ông phải bay dọc theo bờ biển đến Andalusia (Tây Ban Nha), một trong những vùng nóng nhất và khô nhất châu Âu, với thời tiết khó lường hơn rất nhiều so với việc bay từ Đức sang Italy. Đó là chưa kể, các cơn bão và lũ đại bàng có thể tấn công. Bản thân Fritz cũng đã có trải nghiệm rất rõ về tai nạn, khi ông từng rơi xuống một cánh đồng ngô trong lúc bay tập.

Ai cũng tưởng Fritz đã chết. Nhưng như có phép mầu, ông chỉ bị thương nhẹ dù chiếc máy bay hư hỏng nặng. "Các bạn có biết khi gặp chúng tôi, Firtz nói gì không? Ông ấy bảo ‘cần phải sửa máy bay ngay lập tức’. Fritz quan tâm đến đàn cò hơn bất cứ thứ gì khác", một thành viên trong nhóm tìm kiếm kể lại.

Nguy hiểm không sờn lòng, cuối cùng, Fritz cũng tới đích. Tháng 11 năm ngoái, ông đã hoàn tất hành trình dẫn đàn chim tới Cadiz (Tây Ban Nha). "Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Bởi với tôi, hồi sinh loài cò quăm hói phương bắc không phải công việc. Đó là mục đích sống", nhà sinh vật học 57 tuổi tự hào.

(Theo BBC, The New York Times, The Guardian)