Độc đáo chợ Tết phố Hàng

Để ăn một cái Tết chững chạc, mỗi gia đình phải mua sắm ngót nghét trăm thứ. Nhưng nếu ăn một cái Tết sang trọng, mâm cỗ cầu kỳ thì càng phải mua sắm nhiều hơn, mất nhiều công sức hơn. Tuy nhiên không một chợ truyền thống nào ở Thăng Long-Hà Nội có đầy đủ mặt hàng để thỏa mãn cái sang, cái cầu kỳ. Vì thế đã xuất hiện chợ Tết phố Hàng, nơi chuyên bán những sản vật ngon nhất.

Chợ hoa Tết. Tranh: PHẠM LUẬN
Chợ hoa Tết. Tranh: PHẠM LUẬN

Từ ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời thì chợ hoa phố Hàng Lược nhóm họp. Vì sao chợ hoa này lại mở sớm như vậy? Cái thú chơi hoa sớm của người Hà Nội xưa chỉ là một lý do, lý do chính là từ ngày 23 tháng Chạp đến thời điểm giao thừa, theo tín ngưỡng dân gian, vũ trụ vô chủ nên ma quỷ hoành hành. Thế lực hắc ám này tự tung, tự tác song lại rất sợ mầu đỏ nên người ta ra Hàng Lược mua cành đào cắm trong nhà để dọa. Mặt khác mầu đỏ theo quan niệm của Phương Đông là màu của sự sống, sự tái sinh và may mắn nên ngày Tết dù chơi hoa gì cũng không thể thiếu cành đào.

Chợ hoa Tết Hàng Lược có từ cuối thế kỷ 19 khi Pháp lấp khúc sông Tô Lịch chảy qua đây xây chợ Đồng Xuân. Chợ hoa Hàng Lược là sự tiếp nối chợ hoa có từ thế kỷ 15 bên cạnh chợ Cầu Đông (tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay) bên sông Tô Lịch. Chợ bán các loại hoa trồng ở “cánh đồng Bông” phía Tây Bắc hồ Tây, ở “Võng Thị điền hoa” và hoa trồng ở phía Nam kinh thành. Thời Nguyễn, chợ bán các loại hoa bản địa trồng ở làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Khi Pháp lập “Vườn thực vật” đưa các loại hoa xứ ôn đới sang trồng thì chợ Hàng Lược bán thêm các loại hoa Tây, đầu thế kỷ 20 lại có thêm củ hoa thủy tiên cho người có thú chơi tao nhã về gọt tỉa. Chợ còn bán cả lọ, bình gốm sứ Bát Tràng và Hải Dương. Chợ hoa Tết Hàng Lược họp cho đến gần giao thừa mới kết thúc và vào ngày cùng tháng tận, không chỉ đi mua hoa mà người ta còn đi ngắm hoa, chơi xuân, đó là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội. Cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, hoa Tết ở Hàng Lược chủ yếu là hoa đào và hải đường. Hải đường cánh dày, thơm lâu cắm trên ban thờ tổ tiên còn hoa đào cắm ở phòng khách. Chợ hoa Tết Hàng Lược họp ngay cả thời kỳ máy bay Mỹ đánh bom Hà Nội. Trong hơn 120 năm tồn tại, duy nhất một năm chợ hoa này ngừng họp là Tết năm 1947, khi Trung đoàn Thủ đô chiến đấu trên từng góc phố chống lại sự tái chiếm Hà Nội của thực dân Pháp.

Hoa không thể thiếu trong ngày Tết còn cỗ bàn lại vô cùng quan trọng. “Không có thịt gà không ra mâm cỗ”. Thịt gà, thịt lợn thì chợ nào cũng có nhưng để có nguyên liệu làm mâm cỗ 4 bát, 6 đĩa với đầy đủ sản vật của miền núi, miền biển, đồng bằng thì phải ra Hàng Buồm. Gần Tết, các nhà buôn phố này xếp thúng lớn, thúng nhỏ gồm: măng lưỡi lợn, mộc nhĩ, nấm hương, bóng làm bằng bì lợn, miến làm bằng bột đậu xanh, tôm he, mực khô, vây cá... Những nguyên liệu khô cơ bản này dùng để nấu bát canh tứ vị hay đĩa xào tam mầu. Ngoài ra các nhà buôn Hàng Buồm còn bán cả pháo của Bình Đà hay nhập từ Trung Quốc.

Tết cũng không thể thiếu được đồ uống và đồ ngọt mời khách, nhưng chẳng lo, ra Hàng Đường có hết. Hàng Đường bán các loại rượu gạo lừng danh của kẻ Mơ, rượu mật mía. Khi thực dân Pháp cấm người Việt Nam nấu rượu gạo kiểu truyền thống thì rượu chai Văn Điển-một loại rượu quê đóng chai xếp đầy trên kệ. Hàng Đường còn bán kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột, bánh khảo, mứt bí, kẹo mạch nha của An Phú vùng Bưởi, ô mai, lại còn có cả bánh chả để nhấm nháp khi uống chè. Hàng Đường tất nhiên không thể thiếu đường, phố này bán đường phèn và mật mía nổi tiếng của vùng Sơn Tây, Quảng Ngãi để các bà, các cô mua về nấu chè kho, chè con ong cúng tổ tiên.

Có cỗ, có rượu, có hoa vẫn chưa thành Tết nếu nhà thiếu tranh con giáp, đôi câu đối và chữ viết theo lối thảo treo bên cạnh cành đào đỏ thắm. Treo chữ không phải là khoe mình hay chữ mà để khuyến khích, động viên con cháu học hành vì “Bất học thi vô dĩ ngôn” (không học biết gì mà nói). Nửa cuối thế kỷ 19, đoạn ngã tư Hàng Bồ-Hàng Thiếc ngày nay chuyên bán giấy dó của kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực sản xuất ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Quốc. Gần Tết khu vực này nhộn nhịp bởi sự xuất hiện của “chợ chữ”, các ông đồ trải chiếu hoa trên vỉa hè, thư thái ngồi viết chữ và bán câu đối đã viết sẵn. Cha dẫn con, ông dắt cháu đi qua đi lại tìm ông đồ nào chữ đẹp, viết câu đối hay... Ai không biết chữ thì trình bày mong muốn để thầy đồ tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều nhưng nhà có tang phải dùng giấy mầu vàng hay mầu xanh lục. Khi chữ quốc ngữ, chữ Pháp trở nên phổ biến thì chữ Nho thất thế, người xin chữ, viết câu đối Tết ở Hàng Bồ thưa dần. Xót xa cho thứ chữ từng là sợi dây nối xưa với hiện tại nhà thơ Vũ Đình Liên đã cảm thán: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”.

Tết là sự đón mừng năm mới, mừng cái mới và hy vọng vào sự đổi mới nên hình thức của mỗi người cũng phải mới. Phố Hàng Điếu thực ra chỉ có vài nhà bán điếu, phố này chủ yếu đóng giày dép. Trước Tết các gia đình khá giả lên đây đo chân đặt kiểu để có đôi giày dép đi Tết. Đầu thế kỷ 20, gần Tết phố này đông đúc các bà, các cô ngồi xe kéo tay lũ lượt kéo nhau đến mua guốc sơn (hay còn gọi là guốc Sài Gòn). Còn các nhà đổi tiền ở phố Hàng Bạc nườm nượp người ra kẻ vào đổi tiền lẻ về mừng tuổi cho con cháu. Trong cuốn Người và cảnh Hà Nội, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy viết rằng: “Dù chợ Tết phố Hàng chỉ quanh quanh khu vực “36 phố phường” nhưng các bà các cô khi đi chợ mua sắm đều mặc áo dài, nhà giầu còn bắt con sen cũng mặc áo dài cho khỏi xấu mặt chủ”...

Cuộc sống là vô thường. Từ nửa cuối thế kỷ 20 Hà Nội không còn chợ Tết ở phố Hàng. Nhưng chợ hoa Tết Hàng Lược vẫn tồn tại cho đến ngày nay. “Chợ chữ” Hàng Bồ biến mất một thời gian dài song bỗng nhiên sống lại, chỉ khác là “chợ chữ” hôm nay sát bên Văn Miếu-Quốc Tử Giám lịch sử. Các ông đồ không chỉ viết thư pháp bằng chữ Nho mà còn viết chữ quốc ngữ, bay bướm, có hồn rất thú vị.

20_1-1643081280988.jpg