Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Vẫn đi tiếp chuyến tàu ấu thơ

NDO - Sắp sang thu, lại sắp tới lúc tựu trường, không gặp nhà văn Việt Nam đương đại nào hợp hơn Nguyễn Nhật Ánh. Con đường đến nhà của nhà văn tuổi hoa niên trồng cây dầu, loài cây cao thân thẳng, quả khi rơi có cánh quay tít trong gió. Đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn đến quán Đo Đo ở hẻm 173, chuyên các món ăn Quảng Nam nổi tiếng trên đất Sài Gòn và đường Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5, có nhà riêng của ông trong khu phố Tàu. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dành một cuộc trò chuyện với những thông tin thú vị cho Nhân Dân hằng tháng.

Ông khởi nghiệp bằng thơ và vẫn đưa thơ vào truyện, trong thoại các nhân vật, kể cả “dịch thơ tình” của mèo Gấu tặng Áo Hoa (cô nương mèo) trong truyện Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (4-2012). Ông có buồn khi Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (bài hát phổ thơ của ông) được hát, thuộc khắp nơi mà ít khi người ta giới thiệu tác giả thơ?

Bài thơ tạo hứng khởi để nhạc sĩ làm nhạc, nhưng không phải ai cũng tôn trọng bản quyền. Lệ các nhà thơ bị “quên”, chịu đựng thành quen. Tôi ở Sài Gòn tròn 40 năm, các lứa công dân thành phố thuộc bài hát này, là niềm vui. Tác phẩm đầu tiên của tôi được in, là bài thơ Xa lạ, tạp chí Văn, Sài Gòn 1971. Tác phẩm đầu in sau 1975, là bài thơ Quê nhà, báo Văn nghệ giải phóng. Cuốn sách đầu tiên xuất bản, là thơ - Thành phố tháng Tư (1984, in chung với Lê Thị Kim, NXB Tác phẩm mới).

Ông trẻ lâu, chắc do viết nhiều cho tuổi trẻ và cả đời sống sung túc nữa. Sách bán chạy, Nguyễn Nhật Ánh còn ”ăn ảnh”: da trắng, cằm chẻ, má lúm đồng tiền, răng khểnh bên trái?

Viết “ăn khách”, dung nhan “ăn ảnh”, may mắn nhỉ? Những yếu tố bạn liệt kê về ngoại hình tôi, đủ yếu tố thành “giai nhân” đấy! (cười tít sau cặp kính cận 4o).

Tôi không sung túc từ đầu, đã vất vả nhiều.

Tức là bàn tay nhà văn không chỉ cầm bút?

Mà từng lao động nặng. Năm 1976, tôi một mình từ Quảng Nam vô Sài Gòn học khoa Văn, Đại học Sư phạm. Chàng sinh viên gày còm mơ mộng gò lưng đạp xích-lô để có tiền hoàn tất năm cuối đại học. Tôi đi thanh niên xung phong (1977 - 1982), đào kênh ở Củ Chi. Bàn tay cầm cuốc, cầm leng (dụng cụ có lưỡi cong dài hơn xẻng, để bẩy đất) ròng rã. Năm 1978, chúng tôi chuyển sang đào kênh Trần Quang Cơ, theo chỉ đạo của ông Võ Văn Kiệt. Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ viết năm 1979, lúc xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, là bài thơ 4 chữ 40 câu, trong tập thơ riêng đầu tay Đầu Xuân ra sông giặt áo (1986), năm tôi về công tác tại báo Sài Gòn giải phóng đến nay.

Ông luôn hoài niệm và quảng bá cho Quảng Nam đủ thứ: ẩm thực tại quán Đo Đo - tên làng nơi ông sinh ra và cả phương ngữ Quảng cố ý dùng trong tất cả các truyện?

Tôi chào đời ngày 7-5-1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, học tiểu học ở quê, lên 9 tuổi ra sống và học tại thị trấn Hà Lam, mỗi dịp nghỉ hè, lại về làng Đo Đo cách 25 km. Nhớ quê, năm 1998, tôi mở quán ở phố Nguyễn Hữu Cầu (gần chợ Tân Định) rồi dịch chuyển ba nơi trong quận 1; đến năm 2000 về 10/14C Lương Hữu Khánh này. Mở quán vì nhu cầu độc giả muốn gặp gỡ, chụp ảnh, xin chữ ký nhà văn, cho người Quảng Nam xa xứ; cho ai muốn thưởng thức món ngon của đất Quảng Nam, cả vật chất lẫn tinh thần.

Về tinh thần, phong cách quán, tiệm sách lẫn tác phẩm của ông đã vượt qua tính địa phương. Trồng tre, trúc, chuối trước cửa, song cách bài trí của tiệm khá châu Âu. Thật thú vị, khi sách Kính vạn hoa 45 tập, xuất bản từng tuần năm 2002 như một hiện trường kỳ khu của văn học Việt Nam, lại tái xuất đa dạng với các “phiên chế” sáng tạo chỉ có ở Nguyễn Nhật Ánh!

Kính vạn hoa (KVH) viết từ năm 1995 đến 2002. Năm 2007, tôi viết tiếp tập 46 theo nhu cầu bạn đọc, in dài kỳ hằng ngày trên báo Thanh niên và năm 2012, Công ty KVH ra đời, chức năng in sách, kinh doanh văn hóa, văn hóa phẩm. Ngoài sách của tôi, còn có sách của các tác giả khác. Công ty do vợ tôi, Trần Thị Tiếng Thu giám đốc, con gái Nguyễn Nhật Quỳnh Anh là phó. Quán có phong cách châu Âu, do em rể của vợ tôi, KTS người Ý Dietro Franchi thiết kế, kề bên quán Đo Đo từ tháng 3-2013. Mỗi tuần, vào chiều thứ tư, tôi đến đây ngồi ăn uống cùng các bạn hữu, luôn tiện lúc đó có độc giả mua sách, xin chữ ký, là ký liền.

Ông coi kính vạn hoa là trò chơi tuyệt nhất mà người ta sáng tạo cho trẻ em, đến mức đặt cho bộ truyện kỷ lục và tên công ty nữa?

Đâu chỉ cho trẻ em, tôi đến giờ vẫn thích xem kính vạn hoa. Đây (cầm kính lên, nheo mắt) nhòm qua ống kính, lắc tay, sau mỗi lần lắc, lại có bông hoa khác nhau.

Mấy thập niên qua, chỉ Nguyễn Nhật Ánh đủ sức đáp ứng liên tục nhu cầu độc giả hoa niên và có sách “át” truyện nhí nhố du nhập. Cũng chỉ Chuyện xứ Lang Biang tự tin “đấu” về sức bán với Harry Potter. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh dịch ở nhiều nước, xin nhà văn cho biết rõ hơn?

Năm 2004, Mắt biếc được dịch giả Kato Sakae dịch, NXB Terrainc Nhật phát hành. Tháng 12-2009, tôi đến Thụy Điển dự Tuần lễ sách Thiếu nhi hằng năm của Thư viện quốc tế Stockholm. Năm 2010, tôi sang Thái-lan nhận giải Văn học ASEAN, đồng thời giao lưu trên kênh TV Mango, gặp gỡ công chúng, khi Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ra mắt và tọa đàm tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Đại học Chulalongkorn, Bangkok, do TS Montira Rato dịch, NXB Nanmee Books phát hành. Năm 2012, truyện Cô gái đến từ hôm qua do TS Maxim Syunnerberg tại Học viện Á Phi thuộc Đại học Moscow State dịch, biên soạn được xuất bản và thành giáo trình dạy tiếng Việt trong trường đại học ở Nga, xuất phát từ việc ông đã tìm thấy tác phẩm của tôi trên mạng năm 2002.

Hai tập tản văn của ông Người Quảng đi ăn mì Quảng (2005), Sương khói quê nhà (2012) đầy tình tự quê hương. Có nhà văn nói, khi đã khai thác đến tuổi thơ, tức là chuẩn bị “giải nghệ” vì vùng thiêng liêng ấy là “lá bài cuối cùng”. Điều này hoàn toàn sai với Nguyễn Nhật Ánh. “Vỉa” tuổi thơ, ký ức quê nhà của ông nhiều quá, như thứ “vốn sinh lãi” liên tục?

Vốn liếng của nhà văn thường từ ba nguồn: ký ức; sự quan sát, trải nghiệm, óc tưởng tượng - hư cấu. Tôi sử dụng cả ba. Hoài niệm đẹp đẽ chính là cách bộc lộ niềm yêu cuộc sống phía trước. Đoạn đường nhà tôi ở, trước 1975 tên là Đồng Khánh, nay chỉ còn là nhà hàng và tiệm bánh mang tên này, đường đã đổi thành Trần Hưng Đạo. Tôi vẫn tìm ký ức và mắt sáng lên, khi thấy xe bán rong tủ kính bánh tai heo và hàng trái cây có thị, thứ quả mà gần 20 năm, tôi mới thấy lại ở chợ Sài Gòn, thứ chỉ để chơi, để xuýt xoa mùi thơm.

Cần gì “xin vé đi tuổi thơ”, khi chính ông là người lái tàu của chính mình, tàu đa dạng: tàu hỏa, tàu biển, tàu bay. Địa chỉ email của ông: le petit prince do ông mê nhà văn phi công Saint Exupéry (1900 - 1944) với tác phẩm lừng danh Hoàng tử bé (1943). Tác phẩm đoạt giải ASEAN của ông là câu thơ của nhà thơ Nga R. Rofdesvensky (1932 - 1994)?

Tôi thích cuốn Hoàng tử bé của S. Exupéry. Tôi có thể “bay” tới tuổi thơ bằng cánh máy bay giấy, hoặc chính những dòng chữ của tôi, viết bằng máy chữ (nay trưng bày ở hiệu sách) hay trên máy tính Samsung bây giờ, thậm chí có lúc đang cảm hứng, ghi lại ý tưởng bằng Iphone 4. Tôi học tiếng Pháp, Anh lúc nhỏ, nay vẫn dùng được. Tôi đã dịch thơ của R. Tagore, khi là Anh Bồ Câu: “Để những ai nhìn đời toàn gai góc /Còn cơ may trông thấy được hoa hồng”,hay Kahlil Gibran: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.” Khi viết xong truyện, tôi đang băn khoăn nhan đề, thì đọc bài thơ của Robert Rofdesvensky do Thái Bá Tân dịch, tôi lấy câu hay nhất làm tựa truyện và in toàn bộ bài ở cuối sách (đã cảm ơn và gửi nhuận bút dịch giả). Tôi yêu thơ và chất thơ, hài hước.

Ông đã là một nhà văn thành công, còn điều gì chưa làm được?

Có hai lần chưa hài lòng với những gì đã viết và đang hoàn thiện, bổ sung. Một, đưa nhiều thiên nhiên, muông thú vào truyện thêm nữa. Tiểu thuyết Ngồi khóc trên cây đã bổ sung mảng này. Ai yêu thiên nhiên muông thú, sẽ biết yêu con người, là người tốt, tử tế. Hai, đưa các chiêm nghiệm, trải nghiệm của chính tác giả vào tác phẩm. Tôi là Bêtô (2007), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008), Lá nằm trong lá (2011), mới thể hiện một phần.

Trách nhiệm hay sứ mệnh của nhà văn quan trọng nhất là gì, thưa ông? Tác phẩm tiếp theo của ông?

Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương.

Dù viết dung lượng ở mức tiểu thuyết, tôi vẫn quen gọi là “truyện dài”. Tôi đang viết truyện 50 chương về loài vật, đã xong 10 chương, dự kiến ra mắt đầu 2014.

Xin cảm ơn ông với cuộc chuyện trò đầy thú vị!