Vài thú tao nhã ngày Xuân

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Nhất Tết Cả là một đại lễ đã dằng dặc có nghìn năm ở đất Việt. Ở những ngày đó, hầu hết mọi người đều thanh thản thiện lương vui tươi nghỉ ngơi hào hứng.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | HẢI KIÊN
Minh họa | HẢI KIÊN

Ngoài những khe khắt lễ nghi nhất thiết phải chân thành làm như chuẩn bị cỗ bàn cúng giỗ tổ tiên thì đa phần những việc khác chỉ là ăn rồi chơi. Vô số thú chơi ngày Tết được người Việt thích thú gìn giữ. Có thanh có tục, có ồn ào đông người, có trầm lặng sâu lắng một mình. Nếu hướng ngoại thì người ta du xuân, nếu hướng nội thì người ta chơi tranh hay chơi hoa, đào hay mai chẳng hạn. Còn tinh tế hơn thì cầu kỳ gọt giò thủy tiên vào chiều muộn tất niên, đợi đúng thời khắc rưng rưng giao thừa bâng khuâng chờ hoa nở. Nhưng có lẽ phong lưu tiêu sái thì vẫn là chơi chữ. Hoặc đấy là mấy dòng cảm xúc nghẹn ngào của chính mình, hoặc đấy là những đại tự mang nghĩa lý tốt đẹp thâm sâu được công phu xin từ các bậc đại bút.

Trong các thú tao nhã ở ngày xuân, đặc biệt với đám trẻ, là được tung tăng đi chơi. Theo các nhà Dịch học, thì tháng Giêng biểu thị bằng quẻ Địa Thiên Thái. “Thái” nôm na là rộng là mênh mông là phóng khoáng. Quẻ này thuận Trời thuận Đất, mọi sự đều cực kỳ hay đều vô cùng lớn. Khí dương đã tích tụ tương đối đủ đầy, ngấm ngầm chất chứa rồi nghẹn ngào bùng nổ. Vạn vật khai mở như muốn khát khao bay cao, đáng kể là giá cả. Đường phố bỗng có đông các thanh thiếu niên ăn nhiều hơn, ngủ ít hơn, ồn ào xô đẩy nhau loanh quanh đi lại. Những cậu ấm cô chiêu con cái đám quan chức thương gia mới phát thì kênh kiệu đài các. Với họ, sành điệu là vác xe hơi nhà đi lên núi hoặc kiếm vé phi cơ xuyên lục địa hớn hở ra nước ngoài.

Mùa Xuân là mùa yêu, là mùa thăng hoa của những nam thanh nữ tú nồng nàn khát khao rạo rực. Không phải ngẫu nhiên, từ điển Hán Việt lại giảng “trai gái yêu nhau thì gọi là Xuân”. Có phải vậy chăng mà ngay từ thời phong kiến xa xưa, nhiều thiếu nữ ở các nhà gia giáo lúc theo bố mẹ tới các đình đền miếu để cầu cúng thì ngoài việc cầu phúc cầu đức cho gia đình bằng an, họ còn âm thầm cầu riêng cho mình một tấm chồng hoành tráng mà bét nhất cũng phải là cỡ Kim Trọng. Và giời cao có mắt, nếu số đỏ thì thỉnh thoảng chị em cũng vớ được “gà”. Thường đấy là một thư sinh tre trẻ “Đề huề lưng túi gió trăng” còn đại loại bây giờ là một thứ sinh viên hay dở dang thạc sĩ con ông cháu cha du học tự túc đang tự lái xế hộp. Vừa nhác thấy chàng, mặc dầu sóng lòng cuồn cuộn “tình trong như đã” nhưng ngay lập tức chị em giở chiêu bẽn lẽn Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Đương nhiên là chàng mắc mưu, mùa Xuân hay làm đàn ông trở nên lẫn lộn, thế là đưa số “mô-bai” thế là kết bạn facebook.

Lúc về già cứ mỗi dịp Tết đến, những chàng bị rơi vào hôn nhân theo kiểu này thường ôm mặt nức nở khóc ân hận lắm. Nói chung, bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của một thiếu nữ là trót loay hoay tính toán rồi để rơi mất xuân thì. Thi sĩ đàn bà khét tiếng Đỗ Thu Nương có bài thơ Kim lũ y, từng được tuyển vào Đường Thi tam bách thủ đã nghẹn ngào cảnh báo Hoa vừa lúc bẻ thì ta bẻ. Chớ để hoa rơi chỉ bẻ cành. (Hoa khai kham chiết trực tu chiết. Mạc đãi vô hoa không chiết chi).

Còn với nhiều người trầm tính hơn, không kể già trẻ, khi đang ngắm mưa xuân rây rây mìn mịn, bọn họ thường nổi nhã hứng chơi chữ. Đa phần người có tuổi có chữ, đều trân trọng mỹ tục khai bút. Học giả Phan Kế Bính đã viết trong cuốn Việt Nam phong tục. Mùng hai Tết Nguyên Đán những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng. Kẻ sĩ thường thường thì làm lễ khai bút. Vậy lễ khai bút ở ta đã có từ thật lâu và cũng chẳng hẳn là độc quyền của những người làm thơ viết văn. Kẻ sĩ, theo lời bàn rộng rãi của các bậc túc Nho, thì nhằm chỉ chung những kẻ mang cốt cách cao cả của chữ.

Thời của chúng ta đang sống, bị nhiều kêu ca là văn hóa đọc đang đi xuống. Chưa bao giờ truyền thông qua các phương tiện nghe nhìn, cụ thể là đủ loại mạng xã hội bỗng trở nên ngông cuồng hợm hĩnh một cách thời thượng đến thế. Hẹn hò tình yêu theo kiểu mong ngóng cổ điển đã biến mất. “Chát” đấy, “phây” đấy, làm cho đám tình nhân biết rõ về nhau từng phút. Lãng mạn vĩnh viễn tuyệt chủng. Thư tình cụt lủn điện tử giết chết thư tình dài dòng viết tay. Chữ phai nhạt thì sự tinh tế và trong trắng cũng phai nhạt.

Có phải thế chăng mà thật xúc động khi nhớ lại một chiều ông Công ông Táo cách đây chừng dăm năm. Lòng thong thả hoài cổ một mình đi lang thang chơi chợ chữ Văn Miếu. Mưa phùn mịn mơ hồ nhân ảnh, rõ nét nhất vẫn là nam thanh nữ tú đôi mươi mười tám. Mắt bọn trẻ long lanh, đào hoa tương ánh hồng. Đến góc phố gần rẽ vào hồ Văn, có một giả cổ ông đồ, vét tông ngoài áo dài the đang cặm cụi viết chữ Nho sai nét. Một đôi yêu nhau như nghẹn ngào đứng xem. Cậu con giai đẹp như Tiên Đồng, còn cô bé thì giống hệt Ngọc Nữ. Cặp đôi mua bốn chữ Cung chúc tân Xuân, rồi khoác vai nhau nồng nàn đi bộ dọc hè.

Thiếu nữ mấp máy môi hát xanh non một ca khúc thời thượng của Sơn Tùng. Bỗng chàng trai khe khẽ đọc bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Cô bé ngừng hát, và đến câu Những người muôn năm cũ. Hồn bây giờ ở đâu thì cô bé ngước mắt hình như âm ẩm lệ nhìn người yêu thật sâu. Rồi dịu dàng vít đầu chàng trai hôn vào tóc, giọng nghèn nghẹn thầm thì, “em yêu anh”. Chữ ở ngày Xuân chợt nhiên làm người ta thăng hoa thành thủy chung thăm thẳm.

Suốt ba ngày Tết, thiên hạ có thật nhiều thú vui. Nhưng người có tình với chữ thường bần bạch tao nhã ngồi đọc sách. Ở ngày xưa, tất nhiên cũng chưa xưa lắm, thời hoang đường bao cấp chẳng hạn. Lúc ấy mọi thứ thường bần bạch, nên có một thú hình như đã thất truyền. Đó là cuộn mình trên giường vùi trong chăn ấm mà nằm đọc sách cũ. Thực ra nhiều cuốn còn rất mới, vì vừa mua trong năm nhưng bởi vô số lý do như vất vả mưu sinh hoặc lừa lọc yêu đương rồi phóng túng uống rượu nên vứt cả đống đấy chưa kịp đọc. Không ít trang còn chưa dọc, phong kín mùi trinh nguyên thơm mực in, phảng phất quyến rũ như mùi thiếu nữ khuê các sang trọng bị cấm cung ở cái thời đoan trang lãng mạn phong kiến.

Sách đọc để giải trí, đặc biệt là với đa phần nam độc giả, thì không có gì bằng những bộ trường thiên tiểu thuyết võ hiệp. Dịch giả hầu như toàn cao thủ. Bậc thượng thượng thì có Hàn Giang Nhạn rồi đến Tiền phong Từ Khánh Phụng. Ông Hàn tên thật là Bùi Xuân Trang, dân bắc di cư, một bậc thầy nôm hóa chữ Hán Việt. Ví như tên hồi mở đầu bộ Tiếu ngạo giang hồ ông dịch là “trong tửu quán phát sinh biến cố”. Còn bây giờ người ta ngô nghê dịch, ở quán rượu nảy sinh đánh nhau. Nói chung, văn dịch của cả ông Hàn và ông Phụng đều đã tới cảnh giới thượng thừa, vừa hoang đường vừa tàn bạo. Đây chính là hai phẩm tính tiêu biểu của văn chương kiếm hiệp. Tết con Rồng đang chầm chậm đến, nhiều phố cổ như đứng yên trong màn mưa phùn luênh loang mùi men bàng bạc ấm nồng tửu khí. Cảnh sắc tiêu tao diễm lệ giống như lúc giang hồ ở thời khắc yên bình tràn ngập chính khí. Trên ban công có giàn hoa giấy qua cánh cửa sổ khép hờ, thấp thoáng một thiếu phụ kiêu sa ôn nhu ngồi xem phim Thiên long bát bộ.

Cũng lâu rồi những lúc bâng khuâng Tết, người Hà Nội đã mất dần thói quen đọc sách.