"Trồng người" trên đỉnh Ngọc Linh

NDO - Quanh mâm cơm đạm bạc,  bếp lửa rực hồng xua tan bớt cái buốt giá nơi miền sơn cước, là những câu chuyện với bao nỗi niềm của thầy giáo, cô giáo trẻ - những người "cắm bản". Họ đã vượt qua khó khăn, gian khổ, ngược lên rừng thẳm với một ước mong "gùi" con chữ đến với các em nhỏ ở Trà Linh Nam, huyện Trà My (Quảng Nam), một xã cao nhất trên đỉnh Ngọc Linh.
Thầy giáo Trần Văn Lực trong một giờ giảng.
Thầy giáo Trần Văn Lực trong một giờ giảng.

Chắt chiu con chữ

Ðoạn đường gần 20km từ thị trấn Tắc Pỏ lên xã Trà Linh chủ yếu vẫn là đường đất lầy lội dưới cơn mưa rừng rả rích. Muốn đến được những điểm trường xa nằm trên dãy núi cao ngất của đại ngàn Trường Sơn, nhiều thầy giáo, cô giáo đã phải mất cả ngày đường đi bộ, vượt qua suối sâu, rừng rậm. Những ngày đầu, các em ở trên này chưa quen với việc đi học, nên đi học không nhiều, không đều như bây giờ. Cán bộ xã và các thầy giáo, cô giáo thay nhau đến từng gia đình trò chuyện, vận động... Mỗi năm gần đến lễ khai giảng, giáo viên trong trường lại tỏa đi đến từng nhà để thuyết phục gia đình và động viên các em tới lớp. Vì có nhiều em một phần do hoàn cảnh gia đình, một phần do đường đến trường khó đi, nhất là vào mùa mưa lũ, nên nghỉ học không đến trường nữa. Có cô giáo sợ các em bỏ học, lúc đến vận động gia đình xong là đón học trò đi học luôn.

Năm học 2012 - 2013, Trường THCS Trà Linh có hơn 200 học sinh, chủ yếu là con em của đồng bào Xê Ðăng, cư trú rải rác quanh núi. Phải vượt cả một quãng đường xa, qua bao đèo suối trong mùa mưa, nên khi đến lớp em nào quần áo cũng lấm lem bùn đất. Thầy Trần Văn Lực cho biết: "Học sinh của trường từ nhỏ đã phải băng rừng lội suối đi học, vất vả lắm. Bất kể mưa nắng, các em phải dậy từ sớm, vì đi từ nhà đến trường lội suối, băng rừng khoảng hai giờ đồng hồ...". Trường Tắc Lốp là nơi xa nhất, có ba giáo viên, một cô giáo đã gần 10 năm gắn bó và hai giáo viên trẻ mới ra trường. Theo lời thầy Lực, có gắn bó dạy cái chữ cho học sinh vùng cao mới thấy yêu thương mảnh đất này. Theo quy định, những giáo viên "cắm bản" sẽ được luân chuyển, công tác từ năm năm trở lên sẽ được chuyển vùng, chuyển về dưới xuôi với điều kiện tốt hơn nhiều. "Nhưng tình đất, tình người cứ quyện lấy mình. Ði thì nhớ lắm! Người dân nơi đây vốn chân chất, thật thà, càng sống lâu càng quý...", thầy Lực tâm sự.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trà Linh (thôn 3, xã Trà Linh) Nguyễn Ðình Thắng, hơn 10 năm gắn bó nơi đây cho biết: "Trà Linh là xã khó khăn nhất tỉnh Quảng Nam, nên việc học tập của con em đồng bào rất gian nan. Xã có năm điểm trường nằm sâu trong núi rừng. Chính vì vậy, đời sống của các thầy giáo, cô giáo nơi đây gặp nhiều khó khăn. Với tấm lòng yêu nghề, thương trẻ nên ai cũng cố gắng bám trụ lại. Ðể có được ngôi trường như hiện nay, các thầy, cô đã cùng người dân cõng từng viên gạch, từng bao xi-măng, từng tấm ván gỗ về xây trường".

Vất vả trăm bề

Qua trò chuyện, nhiều người cho hay, có giáo viên, trước khi nhận quyết định về Trà Linh đã dự tính trước những nhọc nhằn, nhưng sống rồi mới thật sự "thấm" cái vất vả. Ban đầu thầy giáo, cô giáo nào đến vùng núi rừng heo hút này cũng thấy buồn, chán, có người đã về  thành phố định không lên nữa, nhưng lại nhớ những đôi mắt ngóng trông của học trò, thương người dân miền sơn cước còn nhiều cực nhọc, họ lại khăn gói trở lại.

Sống trên núi, có khi nửa năm hoặc cả năm trời các giáo viên mới biết đến mùi cá biển. Thịt heo, thịt bò và mọi thứ đều đắt đỏ. Thông tin liên lạc, một nhu cầu thực tế mà thời nay ai cũng cần, nhưng ở vùng núi này xem là chuyện hiếm hoi. Qua tìm hiểu, trước đây Bưu điện huyện Nam Trà My có đầu tư một máy điện thoại bằng vệ tinh trên cả trăm triệu, nhưng chỉ nghe được vài hôm là...đắp chiếu. Mọi thông tin đều qua giấy viết tay, hoặc truyền miệng. Còn thư từ, báo chí ở vùng đất này thì quý hơn... tiền. Mỗi lần có ai đó xuống dưới xuôi, ba-lô bao giờ cũng lặc lè sách, báo, tạp chí đủ loại. Cách đây hai năm, trên điểm trường này còn chưa có điện. Chỉ có một cái máy chạy bằng tuốc-bin nên điện chủ yếu được sạc vào đèn pin, bình ắc-quy để chiếu sáng. Có đợt lũ về cuốn mất chiếc máy xuống tận suối sâu, mọi người táo tác đi tìm. Ðến lúc tìm lại được, có người còn ôm hôn chiếc máy như các vận động viên ôm hôn cúp vàng...

Về chuyện tình yêu của giáo viên nơi đây cũng "đơn giản": thầy giáo, cô giáo dạy cùng trường, yêu nhau rồi lấy nhau, xây tổ ấm và... "cắm bản". Hiện trường chỉ còn hai giáo viên "phòng không", còn đa số đã nên vợ thành chồng. Nhưng, ngay cả những thầy giáo, cô giáo là vợ chồng ở nơi đây, cũng không có nhiều thời gian bên nhau. Ðiển hình như vợ chồng thầy Trần Văn Lực, vợ là giáo viên mầm non tại một điểm trường cách nơi thầy dạy hơn nửa ngày đi bộ. Vì xa, nên chỉ cuối tuần hai vợ chồng mới có dịp gặp nhau, ăn chung bữa cơm. Cuộc sống khó khăn nên họ trồng rau, nuôi gà để thỉnh thoảng có tý "chất tươi" cải thiện. Một số giáo viên từ miền xuôi lên, vợ con chờ đợi nơi quê nhà, mỗi lần nhớ lại ôm ghi-ta, đánh vài bản nhạc cho đỡ buồn...

Ðêm trên đỉnh Ngọc Linh, cái lạnh bủa vây trong cơn mưa rừng rả rích. Tôi thấu hiểu, những giáo viên nơi đây phải "gắng gượng" như thế nào để vượt qua nỗi buồn, sự thiếu thốn và cả những mong ước rất giản dị của mình. Nếu không có được tình yêu nghề, tình thương với học trò, có lẽ chẳng khó có ai có thể trụ vững.

* Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Trần Kim Tự:

Trên thực tế hiện nay, thu nhập qua lương của đại bộ phận nhà giáo còn thấp (GV mầm non mới ra trường thu nhập bình quân qua lương khoảng 2.200.000đ/tháng; GV mầm non đã đi dạy khoảng bảy năm lương bình quân là 2.700.000 đồng/tháng (đã được tăng hai bậc lương và có thêm 5 % phụ cấp thâm niên). Trong khi, tiền lương là nguồn thu nhập duy nhất của phần lớn GV, vì nhà giáo không có làm thêm, không có tiền thưởng tết hay tháng lương 13 như một số ngành nghề khác, nên đời sống vốn khó khăn lại càng thêm vất vả. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số nhà giáo bỏ nghề (GV mầm non ở Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh...). Bộ GD-ÐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành chức năng rà soát để bổ sung, khắc phục bất hợp lý của bảng lương hiện hành; xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với nhà giáo nhằm bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm, công vụ...) trình Chính phủ xem xét, quyết định.