Nghệ sĩ cello Bùi Gia Tường:

Luôn có điều gì đó thôi thúc mình...

Cứ năm năm một lần, tiếng đàn của ông lại trỗi lên trên sân khấu. Người nghệ sĩ tài ba - "cây vi-ô-lông-xen số 1" Việt Nam ngày ấy - vẫn cố gắng gắn bó với cây đàn yêu quý, để âm thầm khắc họa câu chuyện về âm nhạc đỉnh cao, một thuở và bây giờ...

Vì cây đàn là nghiệp...
Vì cây đàn là nghiệp...

Muốn truyền cảm hứng cho lớp trẻ

- Thưa nghệ sĩ, không nhiều người làm được như ông, khi vẫn nỗ lực tổ chức những đêm nhạc độc tấu riêng cho mình. Nhưng, trong chương trình đêm diễn mới nhất của ông chủ yếu là các tác phẩm ngắn và có xu hướng dễ nghe. Có phải biểu diễn âm nhạc cổ điển bây giờ khác trước?

- Đúng là tôi đã chọn các tiểu phẩm ngắn, dễ nghe như các bản Dạ khúc (Nocturne) của Tchaikovsky, Chopin, Vũ điệu Munuetcủa Boccherini, Polonaise de concert của Popper... Hơn thế, mỗi tiết mục tôi đều có viết diễn giải để người nghe dễ tiếp nhận hơn. Việc đó thì kể cả các chương trình lớn của các dàn nhạc trên thế giới người ta vẫn làm, vì nhạc cổ điển nó là vậy. Nhưng đúng là biểu diễn so với ngày trước và bây giờ thì có khác nhau. Ngày xưa chúng tôi thường được chơi với dàn nhạc và đánh những tác phẩm lớn, khó hơn. Bây giờ thì hiếm có cơ hội như vậy. Dàn dựng một chương trình nhạc cổ điển, có đủ dàn nhạc là khó lắm. Nên bây giờ chủ yếu là độc tấu hoặc hòa tấu với piano. Đêm diễn vừa rồi tôi cũng hòa tấu 12 tác phẩm ngắn với piano. Rõ là bây giờ cơ hội và điều kiện biểu diễn khó khăn hơn, công chúng ít ỏi hơn, thầm lặng hơn. Nhưng vì cây đàn là nghiệp, vì luôn luôn có điều gì đó thôi thúc mình. Cuộc đời mình gắn với cây đàn, được Nhà nước cho học hành đào tạo bài bản, được lo cho làm nghề lúc trẻ, thì bây giờ, chừng nào còn chơi đàn được thì mình phải biểu diễn, cũng là để động viên khích lệ bọn trẻ, những học trò của tôi.

- Năm nay ông hơn 70 tuổi rồi, đã đi qua nhiều thăng trầm cuộc sống. Sao ông không nghĩ điều ngược lại?

- Không, so với thế hệ của chúng tôi thì bọn trẻ bây giờ thiệt thòi nhiều hơn. Chúng tôi được Nhà nước cho đi nước ngoài học chuyên nghiệp bài bản, về thì được sắp xếp chỗ làm việc, biểu diễn thì có nhà nước tổ chức, tuy cuộc sống cũng vất vả nhưng không phải lo nhiều. Bọn trẻ bây giờ theo dòng nhạc này phải tự bỏ tiền đi học, học xong rồi tự lo biểu diễn và kiếm sống. Rất nhiều người tài năng nhưng không có điều kiện phát triển, không sống nổi bằng nghề. Đi học phải trả tiền, tốt nghiệp không có chỗ làm. Muốn giữ nghề thì phải đi chơi nhạc ở tiệm ăn, nhà hàng, khách sạn. Nhiều tài năng trong lĩnh vực piano, violon, có thể trở thành solist - cây độc tấu rất đáng quý, nhưng ít được hoạt động nên không có điều kiện rèn nghề. Phần lớn là mai một đi trông thấy. Tôi cũng chỉ muốn động viên các em các cháu là dù gì thì cũng hãy giữ lấy nghề. Vì cái nghề này, để học được phải có tố chất, để làm nghề được phải có không chỉ tài năng mà còn sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ nữa. Để mai một đi thì lãng phí lắm.

- Liệu có phải vì ngày càng ít người nghe nhạc cổ điển?

- Công chúng nghe nhạc cổ điển thì thời nào cũng vậy: chỉ tập trung vào một giới nhất định. Nhạc cổ điển vẫn có công chúng chứ, dù tất nhiên là ít ỏi, nhưng họ vẫn nhiệt thành và chung thủy lắm. Tôi biết có một cộng đồng mạng trên giaohuong.netcó đến hàng nghìn thành viên, họ cũng tích cực quảng bá và tham gia mua vé.

- Ông từng được coi là cây cello số 1 Việt Nam, thường xuyên biểu diễn ở trong và ngoài nước. Thời đó, nhạc cổ điển ở Việt Nam hưng thịnh?

- Lâu rồi. Đó là những năm 70, 80 thế kỷ trước, có những chương trình do Dàn nhạc giao hưởng, Dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch đệm, công chúng xếp hàng mua vé cũng có mà được phát vé đi xem cũng có. Năm 1986 tôi có chương trình biểu diễn tại ba nước Hung-ga-ri, Bunga-ri và Tiệp Khắc, trên các sân khấu lớn. Trước đó, lần đầu tiên với tư cách nghệ sĩ độc tấu, biểu diễn ở Cam-puchia, Phần Lan. Khi nghệ sĩ múa Ea Sola Thủy dựng vở múa đương đại Thế đấy thế đấy mang đi diễn ở nước ngoài thì có mời tôi lên sân khấu với vai trò nghệ sĩ độc tấu, đi rất nhiều nơi trên thế giới. Vì là người Việt Nam đầu tiên được học Nhạc viện Trai-cốp-xki và sau này về nước được giao gây dựng bộ môn cello ở Nhạc viện, nên người ta hay gọi tôi là cây cello số 1. Nghĩ lại những năm tháng đó, tôi thấy mình may mắn. Được đào tạo âm nhạc ở Học viện âm nhạc danh tiếng, do đó có được nền tảng rất vững chắc. Cái nền tảng sâu sắc ấy cũng giúp tôi định hình được phong cách chơi nhạc.

Luôn có điều gì đó thôi thúc mình... ảnh 1

Vì cây đàn là nghiệp...

Phải ưu đãi cho đào tạo nhân tài

- Nhiều nghệ sĩ cello thành danh đều học từ ông, như nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ... Giữa vai trò một nghệ sĩ biểu diễn và một giảng viên, ông thấy công việc nào mang lại nhiều ý nghĩa với mình hơn?

- Hai việc đó nó gắn với nhau. Mình có là nghệ sĩ biểu diễn tốt thì mới dạy được học trò và ngược lại. Mỗi công việc có ý nghĩa riêng và tôi cũng đam mê cả hai.

Tuy nhiên, mình chơi đàn thì nói chung do chủ quan của mình nhiều. Còn đào tạo học trò mà thành danh thì khó. Thế hệ trước được mấy người, nhưng các thế hệ sau thì các em rất khó khăn. Tôi cho rằng, với âm nhạc đỉnh cao thì chỉ đào tạo trong nước là không đủ. Tôi lấy thí dụ như các nghệ sĩ chơi đàn nổi tiếng như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, Lưu Hồng Quang sau này chẳng hạn, bật lên được là nhờ được học ở môi trường âm nhạc phát triển. Muốn đào tạo nhân tài thì phải có ưu đãi, ngay cả các môn học cũng phải bỏ bớt đi chỉ tập trung đào tạo đặc thù. Suốt 12 năm về nghỉ hưu, thứ mà tôi đầu tư thời gian là dạy học trò. Nhờ vậy mà tôi chưa bao giờ rời cây đàn của mình cả. Tôi muốn truyền cảm hứng cho các em, còn tài năng thì mỗi người một khác. Cái cần nhất là lòng yêu nghề và dù hoàn cảnh nào cũng giữ lấy nghề. Học trò của tôi cũng nhiều người đeo đẳng được nghề dù không phải khi nào cũng suôn sẻ như Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ... hoặc cách này, cách khác vẫn theo nghề như Võ Hồng Ánh, Ngô Cảnh Tường...

- Vâng, chúc ông sức khỏe để tiếp tục gắn bó với cây đàn yêu quý của mình.