Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:

Cần cơ chế để thúc đẩy điện ảnh phát triển

Điện ảnh Việt đang trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi mọi hoạt động giải trí bị đóng băng. Để phục hồi lại nền điện ảnh vốn đang có những tín hiệu phát triển tích cực, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (ảnh nhỏ) cho rằng, không có giải pháp nào hơn là cần có những bộ phim hay ra rạp để thu hút khán giả.

Cảnh trong phim Em và Trịnh.
Cảnh trong phim Em và Trịnh.

Điện ảnh là một ngành công nghiệp

 - Hơn 20 đơn vị phát hành, nhà sản xuất vừa gửi đơn kiến nghị Chính phủ đề nghị một cơ chế cho phép các đơn vị hoạt động trở lại, nếu không sẽ phá sản. Nhưng có lẽ, đó cũng mới chỉ là những giải pháp trước mắt. Còn từ góc độ của một đạo diễn, nhà sản xuất, anh có kiến nghị gì để phục hồi ngành điện ảnh?

- Tôi chỉ là một nhà làm phim mong muốn được làm phim. Kiến nghị gửi đến Chính phủ từ 20 đơn vị sản xuất phim cũng có sự tham gia của hãng phim Anh Tễu và SATE, là hai hãng phim mà tôi có tham gia. Nội dung kiến nghị đề xuất về quy trình sản xuất trong thời kỳ thích ứng an toàn với Covid-19.

Nhưng điều chúng tôi mong muốn tha thiết hơn là Cục Điện ảnh và cơ quan quản lý xem điện ảnh là một ngành công nghiệp, thay đổi từ “kiểm soát văn hóa” sang “thúc đẩy và hỗ trợ phát triển” trong tư duy quản lý ngành điện ảnh, nhìn được tiềm năng phát triển kinh tế, thu lợi nhuận cao và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thông quan điện ảnh, thay vì kiểm soát, kiểm duyệt theo cảm tính làm ngăn trở sự phát triển.

Trong thời gian sắp tới, nguồn phim và chương trình truyền hình nội địa sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân và từ đó dẫn đến nguy cơ ngành điện ảnh, truyền hình Việt Nam lệ thuộc vào nguồn phim và chương trình truyền hình nước ngoài. Chúng tôi không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.

- Một trong những giải pháp mà anh đưa ra là hãy làm những bộ phim hay để kéo khán giả đến rạp, bởi phim không phải là một món hàng để “giải cứu” như kiểu “giải cứu nông sản”. Nhưng đó vẫn luôn là một vấn đề của điện ảnh Việt khi mỗi năm, chúng ta vẫn có quá ít những bộ phim hay?

- Điều kéo khán giả quay lại rạp vẫn là những bộ phim hay, khiến khán giả vui, buồn, khóc, cười, cảm nhận được tình yêu hay nỗi sợ... Tôi nhìn thấy điện ảnh Việt Nam đã có những bứt phá nhất định trong những năm qua, như phim Ròm đã thắng giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim Busan, và trở thành bộ phim độc lập ăn khách nhất ở Việt Nam, là chuyện chưa từng xảy ra trước nay; hay phim Bố Già đạt doanh thu 400 tỷ đồng, là con số mà chưa có phim điện ảnh nào phát hành ở Việt Nam, dù là phim Việt Nam hay phim Hollywood, đạt được.

Cần cơ chế để thúc đẩy điện ảnh phát triển -0

Nhưng vấn đề là để có những bộ phim hay, ngoài tài năng, chúng ta cần có một cơ chế thông thoáng hơn từ phía hội đồng kiểm duyệt, cụ thể hơn là những thay đổi của Luật Điện ảnh. Như tôi đã nói, nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, thì chúng ta cần có những chiến lược dài hạn để phát triển, tạo điều kiện cho các nhà làm phim được làm công việc của mình, khuyến khích sự sáng tạo và những tiếng nói cá nhân.

Điện ảnh không chỉ là văn hóa, điện ảnh còn là một ngành mang lại lợi ích kinh tế, là cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam đi ra thế giới. Chính sự thay đổi và cởi trói của luật cũng sẽ là điều kiện giúp điện ảnh Việt hồi phục sau một thời kỳ dài có quá nhiều vấn đề. Tôi tin sự đổi mới về tư duy trong công tác quản lý đất nước của Chính phủ sẽ nhìn nhận đúng hơn vai trò của điện ảnh và Luật Điện ảnh trong đời sống.

- Điều nhiều người quan tâm trong thời gian tới, cũng là một trong những phương án hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, đó là sự cấp thiết ra đời của Quỹ Hỗ trợ và phát triển điện ảnh. Quan điểm của anh về điều này như thế nào?

- Việc ra đời của Quỹ điện ảnh sẽ giúp tìm kiếm những tài năng mới, những tiếng nói mới. Quỹ nên đặc biệt ưu tiên cho các đạo diễn làm phim dài lần đầu hoặc lần hai, để khyến khích tìm kiếm các tài năng mới, đồng thời hạn chế sự quan liêu hoặc lạm dụng quyền trao cho một số “người quen”, “người nhà” như cơ chế giao phim của các hãng phim nhà nước trong nhiều năm qua. Quỹ cũng có thể thu hút nguồn tài chính xã hội hóa với các chính sách miễn giảm thuế, tương tự như cơ chế quỹ của các nước có nền điện ảnh phát triển khác. Ban giám tuyển cần có những tên tuổi có uy tín về nghề trong và ngoài nước, và cần có một sự minh bạch trong việc tuyển lựa các dự án được tài trợ.

Những phút giây vượt ra ngoài cuộc sống

- Làm phim là một hành trình vất vả, nhọc nhằn. Nhưng đó cũng là hành trình của đam mê và hạnh phúc. Với anh, hành trình đó có ý nghĩa gì?

- Với tôi, điện ảnh là cách mà tôi kể câu chuyện của mình, đem đến cho khán giả những phút giây vượt ra ngoài cuộc sống của họ, để được bay bổng, mơ mộng, tưởng tượng, suy ngẫm, để được cười và khóc, được trải nghiệm những cuộc đời và cảm xúc khác nhau.

- Một bộ phim mà khán giả đang trông chờ do anh làm đạo diễn, đó là “Em và Trịnh”. Làm phim về một nhân vật nổi tiếng, có độ “phủ sóng” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh có chịu nhiều áp lực không? Và anh chọn góc nhìn nào về cuộc đời của nhạc sĩ để kể câu chuyện mình muốn kể?

- “Em và Trịnh” là những lát cắt cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những nàng thơ trong đời ông, là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhiều luyến tiếc và lãng mạn của người nhạc sĩ tài hoa, trải dài từ những năm tháng thanh xuân. Nếu tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, bộ phim sẽ ra mắt vào đầu năm sau.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Hạnh Nguyên (thực hiện)