Nguyễn Hữu Khôi Nguyên:

10% và cá tính âm nhạc

Nguyễn Hữu Khôi Nguyên là một tay đàn vừa lạ vừa quen với khán giả Việt Nam. Mặc dù đang chơi cho Dàn nhạc giao hưởng Pa-ri và là cây violin solo thứ ba, năm nào anh cũng về Việt Nam một đôi lần, chơi cho các sự kiện quan trọng. Nghe Nguyên chơi đàn, khán giả rất dễ bị hút hồn. Anh có lối chơi say đắm, biểu cảm quyết liệt và mạnh mẽ. Xen vào giữa lịch hoạt động bận rộn sau chuyến cùng Dàn nhạc giao hưởng TP Hồ Chí Minh tham dự Liên hoan các dàn nhạc châu Á tại Nhật Bản (từ 3 đến 9 tháng 10), anh chia sẻ với chúng tôi nhiều suy nghĩ về âm nhạc.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Khôi Nguyên biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Ảnh:SƠN TRẦN
Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Khôi Nguyên biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Ảnh:SƠN TRẦN
10% và cá tính âm nhạc ảnh 1

Khuôn thước, chuẩn mực và sự sáng tạo

- Chuyến lưu diễn của anh cùng Dàn nhạc giao hưởng TP Hồ Chí Minh có để lại ấn tượng gì đặc biệt?

Khán giả Nhật theo tôi biết rất khó tính, nhưng họ cũng rất nhiệt tình và lịch sự. Họ luôn vỗ tay cho nghệ sĩ, nhưng ngồi trong khán phòng, tùy vào việc họ vỗ tay có nồng nhiệt hay không mình sẽ biết họ cảm nhận như thế nào về phần trình diễn của mình.

Có thể nói đêm diễn của đoàn Việt Nam đã thành công. Rạp tới gần 2.000 người mà kín chỗ luôn. Người Nhật thích Việt Nam. Họ chưa từng nghe dàn nhạc của mình nhưng khi biết có đoàn Việt Nam tới họ cũng đi nghe.

Các dàn nhạc nước bạn nói chung có điều kiện tốt hơn mình nhiều lắm. Họ có phòng tập tốt, phòng diễn tốt và nhạc cụ tốt, các nhạc sĩ của họ cũng đều học ở nước ngoài về, có thể nói trình độ là khác hẳn; nhưng mỗi lần đi dự festival thì anh em trong dàn nhạc cũng chuẩn bị rất kỹ. Mình đánh có thể chưa được hoàn hảo nhưng đã là mức độ cao nhất của mình. Khán giả cảm nhận được tinh thần đó. Khán giả Nhật rất sành nhạc cổ điển, tuy vậy cũng tùy mỗi người một ý thích khác nhau. Nhiều khi cách diễn đạt của mình họ lại thích hơn so với dàn nhạc của Nhật, Hàn Quốc hay châu Âu.

- Không biết khán giả Nhật Bản thế nào nhưng khán giả Việt Nam thật sự bị cuốn hút khi anh chơi đàn.

Thường thì biểu diễn về tác phẩm nào tôi cũng đều phải học về tác giả rất nhiều. Thí dụ biểu diễn Trai-cốp-xki thì mình phải hiểu về nhạc Nga, tại sao ông lại viết bài ra như vậy, cuộc đời ông ra sao, v.v. để mình thấm được một chút.

Cầm một bản nhạc lên, ngoài việc biết nốt đó ở vị trí nào còn phải biết nên đàn nó to hay nhỏ, chỗ nào cao trào, chỗ nào lắng xuống, chỗ nào nhanh lên. Mình phải hiểu bài thì mới dựng được bài. Người biểu diễn không chỉ tập kỹ thuật, tập cho ra bài là đủ, mà còn phải hiểu thêm nhiều nữa thì mới thấm được tinh thần tác giả và tác phẩm. Ðó là cả một quá trình học tập từ nhỏ tới lớn.

- Anh đẩy bao nhiêu phần trăm cá tính của mình vào tác phẩm khi trình diễn?

Tiếng đàn thể hiện con người nghệ sĩ. Vẫn bài đó mà mỗi người đàn sẽ ra một cách khác nhau. Mình cảm nhận về câu nhạc đó thế nào thì mình thổ lộ ra như vậy, nên có thể nói là 100%.

Nhạc cổ điển khó và hay ở chỗ khả năng cho phép linh động rất ít, chỉ khoảng trên dưới 10% so với tổng phổ. Nghệ sĩ muốn đàn sao thì đàn nhưng phải trong khuôn khổ đó. Tất nhiên cổ điển cũng có nhiều kiểu. Thời kỳ lãng mạn cho phép một khoảng tự do rộng hơn, nhưng thời kỳ cổ điển và tiền cổ điển như Bach, Mozart, Beethoven... thì phải chơi rất chuẩn, khuôn khổ mẫu mực, trong sáng. Nên người nghệ sĩ giỏi là người trong một khoảng du di cho phép nhỏ như vậy mà bộc lộ được mình. Tính người Việt lãng mạn, thích nghe lãng mạn, nên học nhạc cổ điển sẽ khó.

- Như trình độ của anh chơi ở Dàn nhạc giao hưởng Pháp mà là cây violin solo thứ ba thôi sao?

Trình độ như tôi ở Pháp thì nhiều lắm (cười). Ðồng ý rằng tôi cũng tốt nghiệp thủ khoa, nhưng mỗi năm cũng có một thủ khoa rồi. Khóa tôi học năm đó có 10 người ra trường, bên Lyon khoảng 5 - 6 người nữa. Chưa kể Pa-ri là một thành phố lớn về nghệ thuật nên nghệ sĩ từ Mỹ, Nga, châu Âu họ qua cũng đông, ngoài ra còn có Nhật Bản, Ðài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Thành ra sự cạnh tranh rất lớn. Có được một chỗ đứng trong dàn nhạc là mừng rồi, chứ solo được rất hiếm hoi. Phải tầm cỡ lắm mới được bởi công chúng họ nghe lâu đời rồi, nên gạn lọc nhiều và kỹ. Tầm cỡ ngôi sao như I-giắc Pơn-man, Anne-Xô-phi Mút-tơ... mới được diễn chung với Dàn nhạc giao hưởng Pháp.

Phong trào càng rộng thì nhân tài càng nhiều

- Làm thế nào để đào tạo ra một nghệ sĩ có trình độ solo như vậy?

Họ thường được học và đào tạo chính quy từ nhỏ. Phải có gia đình đầu tư, đi thi quốc tế và đoạt giải. Sau đó có Nhà nước ủng hộ nữa.

Như tôi chín tuổi mới bắt đầu học ở Nha Trang, 19 tuổi mới qua Pháp học, như vậy mình đã mất quá nhiều thời gian trong khi nghệ sĩ họ được học từ năm tuổi, 15 tuổi coi như hoàn thiện về học hành, sau đó chỉ biểu diễn thôi.

Ðể ra được một nghệ sĩ solo cổ điển công phu lắm. Những đứa bé có khả năng trở thành soloist thường tập đàn một ngày từ 8 đến 10 tiếng. Sáng ngủ dậy 7 giờ, cầm đàn tập đến giờ tối, dừng lại ăn cơm một chút rồi lại tập tiếp. Ở bên Hàn Quốc chẳng hạn, ban ngày các em nhỏ đi học đến 4 giờ chiều, nghỉ ngơi một tí rồi tập đến 3 giờ sáng, rồi ngủ đến 7 giờ sáng hôm sau dậy đi học. Ðứa nào cũng vậy. Sự phấn đấu kinh khủng lắm.

Dân nước họ có độ cạnh tranh rất cao, có tính nghiêm khắc trong làm việc. Nghệ sĩ ở bên đó lương bổng cũng sống được thì thế hệ trẻ mới hướng tới, đi theo. Ðâu như nghệ sĩ mình, tài tử lắm. Ban ngày cũng phải cà-phê chút, tối đi ăn hàng chứ đâu có chui vào phòng tập. Mà ở Việt Nam chưa có môi trường để người nghệ sĩ sống được, ra trường rồi cũng đi đàn ở nhà hàng...

- Ở Pháp chẳng hạn, Chính phủ giúp đỡ gì trong việc phát triển những tài năng cổ điển như vậy?

Cũng giống như trong bóng đá thôi, phải gây dựng phong trào nghe, xem, rồi từ phong trào mới thấy được những tài năng lộ diện. Sau đó Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện, học bổng cho đi học, vv. Phong trào càng rộng lớn thì khả năng mình phát hiện được nhân tài càng nhiều.

Khu vực châu Âu, Nhà nước hoàn toàn tài trợ cho nhạc cổ điển, có nhiều chính sách đem nhạc cổ điển đến trường học: từ trẻ em mẫu giáo đến sinh viên đại học. Họ phải làm thế để gây dựng tiếp một thế hệ nghe. Vì nhạc cổ điển phải nghe được rồi mới thấy hay, chứ chỉ nghe qua một hai lần thì không dễ cho khán giả cảm nhận được cái hay của nó. Nó cần một sự giáo dục tối thiểu thì mới thụ hưởng được.

Ở đâu cũng vậy, nhiều nhất chỉ có khoảng 5% dân số nghe nhạc cổ điển. Ở Việt Nam thì chắc không được 1%.

- Một câu hỏi hơi tế nhị một chút: Là một nghệ sĩ đã biên chế trong dàn nhạc giao hưởng Pháp như anh, thì mức sống có cao hơn mức thu nhập trung bình ở Pháp?

(Cười) Ðủ sống thôi. Mức thu nhập của tôi ngang với một kỹ sư bên đó, đủ để trang trải cuộc sống gia đình nhưng vợ cũng phải đi làm chứ một mình mình thì lo không xuể. Làm nghề nhạc không giàu hơn người khác nhưng có niềm vui được chơi đàn. Tôi thích cây đàn violin vì cảm giác như nó nói hộ được tiếng lòng mình.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ!