Họa sĩ Lê Huy Tiếp:  

Ðôi khi, người nghệ sĩ phải phân thân

Nửa thế kỷ sắc màu vẫn chưa… toan về già. Hơn 70 tuổi, họa sĩ Lê Huy Tiếp (ảnh nhỏ) vẫn đang nghĩ về những tác phẩm mới. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông vẫn chia sẻ đầy say mê về hội họa, thị trường mỹ thuật.

Tôi muốn giữ nghệ thuật hoàn toàn theo sự yêu thích của mình.
Tôi muốn giữ nghệ thuật hoàn toàn theo sự yêu thích của mình.

Tôi được sống trọn vẹn với tình yêu hội họa

Ðôi khi, người nghệ sĩ phải phân thân -0

- Cách đây không lâu, nhân triển lãm kỷ niệm 50 năm sự nghiệp sáng tác của mình, ông nói rằng: "Triển lãm này là sự báo cáo với cha mẹ - người đã sinh thành và dạy dỗ tôi". Thưa họa sĩ, cha mẹ có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của ông?

- Gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trên bước đường đi tới nghệ thuật của tôi. Ngay từ bé, bố đã luôn khuyến khích tôi học vẽ. Ông thường kể chuyện ngày xưa, ông học vẽ với cụ Lê Văn Miến (tức Lê Huy Miến- người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên ở nước ta). Chắc là vì tham gia hoạt động cách mạng, chống thực dân Pháp từ những năm 1928 mà ông phải bỏ, không đi theo con đường nghệ thuật. Chính vì ước mong từ hồi trẻ của ông không thành, nên từ khi tôi 6, 7 tuổi, ông đã mua những tập sách để tôi vẽ theo.

- Từ năm 1975, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã bắt đầu tạo dấu ấn riêng với công chúng, bởi bức tranh sơn dầu "Cô gái và con chó trắng", với thủ pháp nghệ thuật có thể nói là khác biệt so với lối vẽ tranh sơn dầu thông thường?

- Trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã vẽ rất nhiều tác phẩm sơn dầu và tranh khắc về đề tài chiến trận, như gợi nhớ về một giai đoạn đầy bi tráng và đau thương của dân tộc. Thế nhưng bắt đầu từ cuối năm 1974 đầu năm 1975, khi chuẩn bị tốt nghiệp và về nước, tôi nghĩ rằng phải tìm một cách vẽ để biểu hiện cá nhân của tôi, phù hợp với con mắt của người Việt. Lúc bấy giờ, những trào lưu của nghệ thuật hiện đại như lập thể, biểu hiện, siêu thực không còn tác động một cách trực tiếp với tôi nữa. Nó như một dư âm góp phần cho tôi trong cách biểu hiện riêng của mình. Tôi muốn có sự ảnh hưởng của nghệ thuật thời phục hưng, với một lối vẽ sao cho thuyết phục người xem. Tình cờ, trong một bức tranh ký họa chân dung cô gái, tôi nghĩ ra bố cục tranh, sau này nó trở thành bức tranh "Cô gái và con chó trắng". Ðấy cũng như tình cảm ban đầu tôi vẽ về một người bạn trong một không gian yên tĩnh, hòa bình, ca ngợi cái đẹp của con người, thiên nhiên. Có thể nói đó là bức tranh bắt đầu giai đoạn sáng tác mới của tôi từ năm 1975 về sau mà sau này mọi người vẫn gọi là "Chủ nghĩa hiện thực lãng mạn", trong đó có dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực, tượng trưng.

- Lúc đó, ông có nhận được nhiều luồng ý kiến mang tính trái chiều không?

- Có chứ. Nhưng tôi nghĩ, đó cũng là chuyện bình thường. Trước cái mới, bao giờ mà chẳng có xung đột quan điểm. Tuy nhiên, khi về nước, tôi nhận biết được tình hình Việt Nam sau chiến tranh thế nào, dòng chảy của nghệ thuật lúc ấy ra sao. Tôi xác định một tâm thế bình tĩnh để đón nhận tất cả các ý kiến khen - chê. Bên cạnh những ý kiến phê phán, tôi cũng nhận được nhiều khuyến khích, động viên từ các bậc đàn anh đi trước, như giáo sư Nguyễn Văn Tỵ, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhà phê bình Thái Bá Vân...

- Có lẽ vì sự động viên ấy mà ông tiếp tục cho ra đời nhiều bức tranh theo trường phái siêu thực, hiện thực lãng mạn. Trong số đó, không thể không nhắc đến bộ đôi tác phẩm "Chiến tranh", "Hòa bình"…

- Ðến bây giờ những tác phẩm ấy vẫn được in rất nhiều trên sách, báo, tạp chí trong và ngoài nước. Tôi nghĩ rằng bộ "Chiến tranh" và "Hòa bình" sáng tác năm 1986 nói lên cách vẽ, cách nghĩ, cách biểu hiện về chủ nghĩa hiện thực lãng mạn, mang yếu tố siêu thực, tượng trưng trong đó. Trong hai tác phẩm ấy tôi rất muốn dùng ngôn ngữ súc tích, với những màu sắc ấn tượng, một bên là những gam màu nóng, tối, mặt đất tan chảy, đầy máu và khói lửa, còn trên trời là bức tranh Mona Lisa đang bốc cháy, để diễn tả ý tưởng chiến tranh là sự hủy diệt cả tinh thần và vật chất. Bức tranh "Hòa bình" tượng trưng cho mặt đất yên bình đang nằm ngủ. Ðó là những ý tưởng vừa tượng trưng, siêu thực.

- Mất một thời gian tương đối dài, tranh của ông mới được các nhà sưu tập chú ý?

- Năm 1982, trong triển lãm các họa sĩ trẻ, tôi đã bán được một bức tranh sơn dầu cho trưởng đại diện Hội Chữ thập đỏ Liên hợp quốc. Ðiều đó đã tạo cho tôi sự phấn khích. Mãi đến năm 1995, Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Trước đó đã có một công ty lớn của Mỹ vào Việt Nam. Có một nhà sưu tập Mỹ khi trông thấy ảnh bức tranh "Cô gái và con chó trắng" đã đến nhà và đề nghị sẽ mua tất cả tranh của tôi. Cho đến nay chúng tôi vẫn là những người bạn. Năm nay ông ấy đã ngoài 80 tuổi.

- Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, đã khi nào ông phải "phân thân", cùng lúc làm nhiều thứ để bảo đảm cuộc sống cho mình và gia đình?

- Có chứ! Ðôi khi người nghệ sĩ phải phân thân. Tôi muốn giữ nghệ thuật hoàn toàn theo sự yêu thích của mình, với những ý tưởng sáng tạo hoàn toàn mang tính cá nhân. Tôi đã phải dùng những khả năng khác để kiếm tiền nuôi những tác phẩm hội họa. Ngoài việc đi dạy tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi làm nghề in để có thu nhập nuôi gia đình. Tôi đã in từ các nhãn hiệu, hình áo phông, làm bìa sách, thiết kế logo… Tất cả những việc đó giúp cho tôi được sống trọn vẹn tình yêu của mình với hội họa.

Những tác phẩm mới vẫn đang chờ đợi

- Nhìn lại hành trình 50 năm sáng tác của mình, ông có điều gì còn băn khoăn?

- Tôi không biết liệu mình có đủ sức khỏe để có thể thể hiện được những ý tưởng đang có hay không. Những tác phẩm mới vẫn đang chờ đợi tôi. Hiện, sức khỏe không được tốt lắm. Tôi vẫn mong và cố gắng làm để làm sao đến năm 80 tuổi, tôi vẫn có thể làm được một triển lãm tuy không lớn như triển lãm vừa rồi nhưng vẫn có thể an ủi người xem: ngoài 70 tuổi, Lê Huy Tiếp vẫn còn sáng tác.

- Theo ông, hội họa sơn dầu ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay có phát triển không và đang chịu những ảnh hưởng như thế nào từ bên ngoài?

- Gần 30 năm nay, nghệ thuật của chúng ta được giao lưu với thế giới nhiều hơn, cũng như có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu các trào lưu sáng tác bên ngoài. Thời gian đầu khi đất nước vừa mở cửa, nhiều người ngạc nhiên về một đất nước vừa trải qua chiến tranh lại có những bước đi trong hội họa không lạc hậu lắm và có cách nhìn riêng. Tuy nhiên, đến bây giờ chúng ta cần nhìn nhận về hội họa một cách rõ ràng hơn. Thế giới không còn ngạc nhiên nhiều về Việt Nam nữa. Họ không nhìn chúng ta như lúc bắt đầu mở cửa mà ngang bằng với các nước khác. Vì thế, ở một mức độ nào đấy, thị trường hội họa Việt Nam đối với người nước ngoài có thể không còn hấp dẫn như trước.

Tuy vậy, hội họa Việt Nam hiện nay vẫn rất phát triển vì có những nhu cầu nội tại, khi nền kinh tế đất nước bắt đầu khấm khá hơn. Ðó là tín hiệu đáng mừng. Ðiều kiện vật chất của người Việt bắt đầu khá lên, họ bắt đầu quan tâm đến văn hóa và nghệ thuật. Có nhiều người thích sưu tập, muốn đầu tư cho nghệ thuật trong nước. Xu hướng người Việt mua tranh của người Việt trong khoảng 10 năm nay là một tín hiệu vui. Ðiều đó tạo động lực tốt cho hội họa Việt Nam phát triển.

- Ông nấu ăn rất ngon. Liệu ẩm thực và hội họa có mối liên hệ gì với nhau, thưa họa sĩ Lê Huy Tiếp?

- Tôi được mẹ tôi dạy nấu ăn từ bé để có thể tự lập. Ðến giờ, tôi vẫn thích thú với việc vào bếp nấu những món ăn mời bạn bè và con cháu cùng thưởng thức. Nếu mọi người hỏi, công thức nấu món này hay món kia, có lẽ tôi không biết cụ thể ra sao để trả lời. Tôi cảm thấy mình cần thêm gia vị gì thì sẽ thêm. Nấu ăn chẳng lần nào giống lần nào. Tác phẩm của tôi cũng thế.

- Cảm ơn họa sĩ Lê Huy Tiếp.

BẢO TRÂN (Thực hiện)