Thư viện nửa đêm

Cầm một cuốn sách lên, là chúng ta đã vô thức tạo nên một không gian ảo, một cuộc đối thoại và tương tác với chính mình, trong thẫm đẫm cảm giác cô đơn dịu dàng. Và thật kỳ lạ, đôi khi, chính nỗi cô đơn ấy lại tạo nên một thứ sinh lực đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi đọc sách chung tại Kafka. Nguồn: Kafka Bookstore
Một buổi đọc sách chung tại Kafka. Nguồn: Kafka Bookstore

CÁCH Thành phố Hồ Chí Minh 130km, nghĩa là ba giờ đồng hồ lên xe về Trà Vinh, Kafka Bookstore nằm yên bình tại ngã ba Hoa Cau-Basi, hòa với mầu xanh cỏ cây trải dài thênh thang. Vốn là một hiệu sách lâu năm tại Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập bởi hai kiến trúc sư từ năm 2014, trải bao thăng trầm, Kafka nay đã có cho mình một vòng đời mới.

Không có gì cầu kỳ tại Kafka. Để đến được thư viện, bạn sẽ đi qua con đường mòn nhỏ, với nhiều cây xanh đổ bóng xuống ao sen. Mùi đất, mùi cỏ cây, và tiếng côn trùng kêu hòa trộn, khung cảnh mộc mạc như một bức tranh tả thực sống động.

Các kệ gỗ ngang kéo dài bốn góc, giữa thư viện là một bục dài khảm đá xanh mát mắt, nhìn ra mảnh vườn và ao sen. Một không gian tuyệt vời để ngồi lại với bản thân và đắm chìm trong những con chữ. Thư viện Kafka có hơn 1.000 đầu sách đa thể loại: tiểu thuyết, lịch sử, triết học, sách thiếu nhi, và cả sách chuyên khảo.

Phần lớn độc giả ở Kafka là… thiếu nhi. Thủ thư ở đây được gọi với cái tên thân thiện: cô Kafka. Những đứa trẻ thành phố thường về chạy nhảy ngoài đồng, đạp xe, vẽ tranh dưới bầu trời hoàng hôn rực lửa lúc ngày tàn. Chỉ những đứa trẻ mới luôn sống trong thực tại và ít sợ hãi. Ta tìm lại được một phần con người mà chúng ta đã đánh mất, khi nhìn những đứa trẻ hồn nhiên sống trong thế giới kỳ ảo ấy.

Thư viện cộng đồng này, trước khi xây dựng, mang rất nhiều ý tưởng. Nhưng, sau cùng, hướng về ý niệm sơ khởi, sự chân thật và giá trị nguyên bản đã được đặt cao hơn những chi tiết bóng bẩy, cầu kỳ. Và, nó được góp sức xây dựng từ rất nhiều cộng tác viên. Những bức tường không nhẵn nhụi là minh chứng cho sức mạnh cộng đồng, làm nên từ những bàn tay không thạo nghề, nhưng đầy tận tụy.

Cô Kafka kể rằng, ở đây có một chú đã ngoài trung niên phụ trông nom thư viện. Vốn là người ít đọc, nhưng ở lâu rồi, cảm tình cũng như thói quen mới được hình thành theo năm tháng. Cuốn sách đầu tiên chú đọc trong đời mang tên "Cây thuốc quanh em". Một cuốn sách gần gũi với những con người lớn lên với cây cỏ, sông rạch. Và cũng có rất nhiều độc giả có những "lần đầu" như thế. Họ tìm thấy một phiên bản nào đó, một nhân dạng nào đó của chính mình, thông qua những cuốn sách nằm ngay ngắn trên kệ.

Hoạt động "Thư viện nửa đêm" được tổ chức thường xuyên tại Kafka. Đó cũng luôn là một buổi mở lòng ra với thế giới, thông qua những trang sách. Bạn sẽ được nghe giọng đọc của người hướng dẫn, có thể là giáo viên, diễn giả, hay khách mời nào đó bất kỳ. Một không gian an toàn để ta lập tức có thể thảnh thơi dạo chơi trong trí tưởng tượng.

CHỮA lành là một hành trình dài, trong đó có việc tìm về sơ tâm. Con người trong xã hội hiện đại dường như cũng luôn bị giam cầm về trí tưởng tượng và tầm mắt, trong những chiếc hộp lớn của đô thị, cả vô hình lẫn hữu hình. Những chiếc hộp ngột ngạt về không gian, những chiếc hộp đầy áp lực về sự định danh hay giá trị với đời.

Thỉnh thoảng, trở về với thiên nhiên và không gian rộng mở như Kafka, để thả người xuống, gối đầu trên những trang sách từ những chiếc hộp ấy, ta học được sâu thêm cách hòa giải với bản thân, và nhận ra những giá trị cốt lõi khác.

Đi chân trần chạm đất và phóng tầm mắt ra xa phía đường chân trời, những hành động giản đơn, nhưng lại có quyền năng đưa ta quay về với thực tại, lành lặn hơn, làm dịu những cơn đau, để rồi lại kết nối sâu sắc với thế giới.