Thoái vốn nhằm giảm sở hữu chéo trong ngành ngân hàng

Liên tiếp trong những ngày gần đây, các cuộc thoái vốn đang được các ngân hàng ráo riết triển khai nhằm thực hiện mục tiêu giảm sở hữu chéo trong ngành ngân hàng. Theo Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, mỗi ngân hàng thương mại không được sở hữu quá 5% vốn ở tổ chức tín dụng khác và không được sở hữu ở quá hai tổ chức tín dụng.

Ảnh | KHÁNH AN
Ảnh | KHÁNH AN

Dồn dập thoái vốn

Được cho là nổ “phát súng” đầu tiên, Vietcombank đã thoái toàn bộ vốn thành công ra khỏi Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và Công ty Tài chính xi-măng (CFC). Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Vietcombank đã chào bán hơn 13,2 triệu cổ phần của Saigonbank ra công chúng với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần. Có tới 20 nhà đầu tư tham dự và khối lượng đăng ký mua gấp hơn bốn lần khối lượng chào bán với giá đặt mua cao nhất lên tới 20.100 đồng/cổ phần. Kết quả, Vietcombank đã bán toàn bộ số cổ phần tại Saigonbank với giá cao nhất và thu về được hơn 266 tỷ đồng chênh lệch so với giá trị tại mức giá khởi điểm đạt 100 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này thu về được 76 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại CFC với giá bán cao hơn giá khởi điểm 5 đồng khi giá đấu thành công bình quân là 11.554 đồng/cổ phần.

Sau thành công trong việc bán đấu giá cổ phiếu tại Saigonbank và Công ty Tài chính cổ phần Xi-măng, dự kiến ngày 29-12-2017 Vietcombank tiếp tục thực hiện bán đấu giá gần 19 triệu cổ phần của Ngân hàng Phương Đông (OCB). Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Vietcombank cũng sẽ thoái toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). “Dự kiến tháng 1-2018 chúng tôi sẽ bán hết vốn ở Eximbank và MB, với khoản lợi nhuận thu về từ hai ngân hàng này khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Thành chia sẻ.

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa đồng loạt đăng ký bán đấu giá số lượng lớn cổ phần tại Công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) và Công ty cổ phần Du lịch thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour). Theo đó, Agribank sẽ bán đấu giá hơn 12,6 triệu cổ phần AJC với giá khởi điểm 13.900 đồng một cổ phần. Trong đó, người nước ngoài được phép mua tối đa hơn 10 triệu cổ phần. Số cổ phần Agribank dự kiến bán đấu giá để thoái vốn tương đương 61,24% vốn điều lệ tại AJC. Đồng thời, Agribank cũng thông báo chào bán 5,29 triệu cổ phần (chiếm 25% vốn điều lệ) của Agritour với giá khởi điểm 18.990 đồng. Agritour là công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành trong nước và quốc tế với vốn điều lệ 230 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng năm nay, Agritour lỗ gần 781 triệu đồng (trong khi cùng kỳ lãi 1,36 tỷ đồng).

Gần đây nhất, Eximbank thông báo bán bớt cổ phần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB). Cụ thể, Eximbank đã bán ra hơn 4,93 triệu cổ phiếu STB, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức hơn 165,2 triệu cổ phiếu, tương đương 9,16% vốn xuống còn 160,29 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,887% vốn Sacombank. Nếu lấy mức giá đóng cửa của STB vào ngày 29-11 là 13.200 đồng để ước tính thì sau giao dịch này, Eximbank thu về hơn 65 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6-12, thị giá của STB dừng ở mức 13.250 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên liền kề khoảng 6 triệu cổ phiếu.

Giảm tỷ lệ sở hữu chéo

Các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng dồn dập thoái vốn là do Ngân hàng Nhà nước đang ráo riết xử lý vấn đề sở hữu chéo theo quy định tại Thông tư 36/2014. Theo Thông tư này, mỗi ngân hàng thương mại không được sở hữu quá 5% vốn ở tổ chức tín dụng khác và không được sở hữu ở quá hai tổ chức tín dụng. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thoái vốn này là chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lý giải là do tình hình, bối cảnh chung của cả nền kinh tế chứ không riêng gì ngành ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, một số ngân hàng muốn bán bớt phần vốn đầu tư ngoài ngành nhưng đã không tìm được người mua. Mặc dù vậy thì đây cũng được coi là thời điểm thích hợp để thực hiện thoái vốn ngoài ngành khi kinh tế vĩ mô tốt hơn, sức khỏe cũng như hình ảnh của hệ thống ngân hàng trong mắt nhà đầu tư cũng được cải thiện rõ rệt…

Trả lời các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất và mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng. Đến nay tình hình sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết được cơ bản, tình hình của các ngân hàng cũng minh bạch và đại chúng hơn. Tình trạng của cổ đông và nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được nhận diện và xử lý, kiểm soát một bước quan trọng. Các nhóm chi phối hoạt động ngân hàng đã giảm mạnh. Cũng theo Thống đốc, cho đến nay không còn các cá nhân sở hữu hơn 5% vốn điều lệ tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ bảy cặp năm 2012, đến nay còn hai cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay còn hai cặp. Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm hơn 15% từ năm 2012 là 19 tổ chức tín dụng, hiện nay còn bốn tổ chức.