Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam

Trông chờ sự đột phá

Thay vì đầu tư dàn trải cho sân chơi “ao làng” SEA Games, ngành thể thao đã và đang thực hiện chiến lược mang tính đột phá nhằm hướng đến đấu trường Asiad và Olympic. Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Chính phủ trong năm 2021.

Điền kinh sẽ được đầu tư trọng điểm cho Asiad 2022.
Điền kinh sẽ được đầu tư trọng điểm cho Asiad 2022.

Khởi động lại sau đại dịch

Năm 2020 và 2021, thể thao Việt Nam gần như bị “đóng băng”. Nói như ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao, dù đã lường trước khó khăn nhưng ngành thể thao không thể ngờ đại dịch lại tác động xấu tới mức như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không ngồi yên chờ đợi. Ngay sau Olympic Tokyo, các đội tuyển đều đã có kế hoạch tập luyện trở lại, chuẩn bị cho năm 2022 vô cùng bận rộn.

“Chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Trong ba tháng cuối năm 2021, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tổ chức thí điểm giải thể thao thành tích cao theo hệ thống thi đấu quốc gia bằng hình thức khép kín tại các địa phương không có dịch hoặc có số ca mắc ít”, ông Trần Đức Phấn chia sẻ.

Các vận động viên trọng điểm của Đội tuyển quốc gia, ngay trong tháng 10 này đã bước vào chu trình tập luyện khép kín, với các kế hoạch tập huấn trong và ngoài nước. Thời gian không còn nhiều bởi dự kiến vào tháng 4 năm sau sẽ tổ chức SEA Games 31 trên sân nhà, sau đó là Asiad 19, Đại hội Võ thuật châu Á trong nhà, Olympic mùa đông, Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc…

Hiện tại, chỉ một số ít vận động viên làm nhiệm vụ ở các giải quốc tế là được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, còn lại phần nhiều mới chỉ tiêm một mũi, vì thế tất cả phải tập luyện khép kín để bảo đảm an toàn cao nhất. Trước mắt, Đội tuyển điền kinh sẽ thí điểm trong việc tập luyện theo mô hình “bong bóng” giống như bóng đá.

Cụ thể, huấn luyện viên và vận động viên từ Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội được xe đưa xuống Mỹ Đình tập rồi sau đó lên xe trở về.
Một đội tuyển chuẩn bị tham dự các giải quốc tế vào cuối năm hoặc đầu năm sau cũng gấp rút lên kế hoạch đi tập huấn nước ngoài. Điều đáng mừng là dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, tất cả vẫn được duy trì chế độ ở mức tốt nhất.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục - Thể thao), khẳng định, việc lựa chọn vận động viên để đầu tư trọng điểm được xem là bước đột phá lớn của ngành thể thao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quan trọng nhất vẫn là phát huy vai trò của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia trong việc hỗ trợ các cá nhân này.

Chỉnh hướng đầu tư

Guồng quay thể thao trở lại với sự thay đổi đáng kể về chiến lược đầu tư, tầm nhìn dài hạn đến năm… 2050. Nhìn lại 10 năm qua, chiến lược thể thao Việt Nam đều là liên thông. Chúng ta đầu tư đào tạo cho những cá nhân giỏi nhất để giành kết quả cao ở SEA Games, sau đó chọn những gương mặt xuất sắc tập trung cho đấu trường Asiad và Olympic.

Tuy nhiên, trong ít nhất 10 năm tới, chiến lược của thể thao Việt Nam là phấn đấu giành huy chương ở Asiad và Olympic trước, sau đó mới nghĩ tới sân chơi khu vực SEA Games. Thay đổi rõ nhất là ngành thể thao đã lập một danh sách khoảng 200 vận động viên trọng điểm, từ đó chọn lọc còn một nửa để đầu tư quyết liệt. Với các giải đấu như Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc, ông Trần Đức Phấn cho biết, sẽ đưa vào toàn bộ các môn thi đấu của Olympic, thay vì thi đấu một vài môn kiểu phong trào như trước đây.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cho Asiad 2022 và Olympic 2024. Bên cạnh đó, ngành thể thao tổ chức hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để thảo luận liên quan tới thể thao thành tích cao, việc định hướng môn hướng tới các đại hội, trước khi hoàn thiện chiến lược tổng thể để báo cáo Chính phủ trong tháng 11 tới”, ông Trần Đức Phấn cho biết.

Với chiến lược đột phá, thể thao Việt Nam lần đầu đặt mục tiêu phải đứng trong top 10 nước dẫn đầu châu Á ở Asiad giai đoạn 2020 - 2030. Còn ở đấu trường Olympic, chúng ta đặt mục tiêu phải có từ 30 đến 50 cá nhân tham dự và nỗ lực đạt hai huy chương, phấn đấu có Huy chương vàng.

Có thể thấy, chiến lược mới được kỳ vọng mang tới sự đột phá, huy động sự đóng góp chất xám của toàn ngành thể thao. Thay đổi hướng đi cùng sự đầu tư hiệu quả sẽ giúp thể thao Việt Nam tiếp cận được thành tích của châu lục và thế giới. Thế nhưng, thực tế, chiến lược chỉ mang tính định hướng còn việc thực hiện đến đâu, không có ai trả lời được. Nhìn lại chiến lược phát triển 2010 - 2020, tầm nhìn năm 2030, chúng ta mới chỉ hoàn thành mục tiêu top ba SEA Games đi kèm một số thành tích nổi bật của bóng đá nam. Trong khi đó, những đấu trường như Asiad hay Olympic có ít vận động viên tham dự và số lượng huy chương rất nghèo nàn.

Câu trả lời có lẽ sẽ có ngay trong năm tới, khi hàng trăm vận động viên cùng lúc tranh tài ở nhiều đấu trường quốc tế. Liệu các tài năng trọng điểm sẽ được nghỉ ngơi, hoặc đầu tư riêng biệt hướng tới Asiad và Olympic, hay lại xuất hiện ở SEA Games để giúp chủ nhà Việt Nam vững vàng trong top đầu? .

Ngọc Diệp