Bóng đá nữ Hà Nội - bao nỗi ưu tư

Lâu nay, bài toán tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ bóng đá nam ở nước ta vốn cũng gặp vô vàn khó khăn, chứ chưa nói đến câu chuyện của bộ môn bóng đá nữ. Với thực tế hầu như chẳng ai muốn "để con gái đi đá bóng" khi biết tương lai chịu nhiều nỗi khổ, thu nhập lại thấp hơn nhiều ngành nghề trong xã hội, bởi vậy, bóng đá nữ luôn cần sự quan tâm thực chất hơn tới không chỉ các vận động viên mà còn với chính đội ngũ làm công tác huấn luyện, đào tạo đang nỗ lực gìn giữ và thắp sáng ngọn lửa đam mê với các tài năng trẻ, mỗi ngày.

Thầy Nguyễn Tiến Minh và các cầu thủ đội U14 Hà Nội.
Thầy Nguyễn Tiến Minh và các cầu thủ đội U14 Hà Nội.

VỚI đặc thù của bộ môn bóng đá nữ, điểm mấu chốt là mình không bao giờ được chê, mà phải lựa lời động viên và thúc đẩy các con cố gắng thêm từng chút mỗi ngày. Chỉ khi thầy trò ngồi nói chuyện với nhau vui vẻ, mình mới khéo léo phân tích những điểm yếu để các con nỗ lực phấn đấu hơn nữa" - Ông Nguyễn Tiến Minh - Huấn luyện viên trưởng đội U14 bóng đá nữ Hà Nội-chia sẻ.

Ngay từ giai đoạn 9-12 tuổi, các em gái thường mất nhiều thời gian làm quen hơn so các bạn nam. Với cùng động tác kỹ thuật, nếu các bé trai có thể thực hiện nhanh chóng sau khi được hướng dẫn, các em gái phải mất vài ngày mới dần thuần thục.

Thời điểm mới lên tập trung, mọi người đều phấn khích trước viễn cảnh được thoải mái theo đuổi đam mê. Đó là do các em chưa thể hình dung sự vất vả đi kèm. Đơn cử, việc sống trong ký túc xá cũng đồng nghĩa bị gò theo khuôn khổ giờ giấc, và phải tự lập, thay vì trạng thái tự do thoải mái ở nhà. Bởi vậy, không hiếm trường hợp các bạn xin về, khiến ban huấn luyện liên tục phải làm công tác tư tưởng.

"Sống xa gia đình, có bạn cả đêm nằm khóc, bọn mình phải sang động viên, dỗ dành các con. Mặc dù vậy, nhiều trường hợp vẫn mất tới hai thậm chí ba tháng, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ các bạn ở quê... Đó là điều không thể tránh khỏi", chị Nguyễn Thị Muôn, Huấn luyện viên trưởng đội năng khiếu bóng đá nữ Hà Nội, khẳng định.

Cứ mỗi hai tuần, các em được phép về thăm nhà từ trưa thứ bảy đến chiều chủ nhật. Song, với mong muốn giúp các con sớm vơi đi nỗi nhớ nhà để hun đúc đam mê, năm huấn luyện viên phụ trách đội năng khiếu cũng có nhiều phương pháp riêng, như nêu gương các ngôi sao bóng đá nổi tiếng, hoặc trực tiếp tạo ra các trò chơi hấp dẫn trên sân tập…

"Trong quá trình huấn luyện, nhiều em gia đình gặp chuyện buồn. Lại có người khi đi học bị điểm kém, hoặc ở trên lớp bạn bè không ai chơi cùng, khi về đây cũng rất tâm trạng. Thậm chí, có thời điểm nhiều em bị tụt lại so các bạn, nên cảm thấy chán nản. Ngay lúc đó, thầy cô phải nhanh chóng nắm bắt tâm tư nguyện vọng để làm sao giải tỏa cho các con. Hoặc như nếu các em bị chấn thương, chúng tôi phải động viên các em... Đó là những khó khăn đặc thù của nghề mà mỗi
cá nhân bắt buộc phải vượt qua mới thành công được", thầy Minh bộc bạch.

Bóng đá nữ Hà Nội - bao nỗi ưu tư -0
Các thành viên đội năng khiếu đầu vào hăng say bên trái bóng tròn.

SỞ hữu điều kiện đào tạo hàng đầu trong nước, song đội nữ Hà Nội cũng gặp vô vàn khó khăn trong công tác tuyển quân. Bởi, không nhiều gia đình sẵn sàng để con gái theo nghiệp "quần đùi áo số". Theo lời kể của thầy Minh, dù phát hiện nhiều bạn trẻ có năng khiếu và tố chất vượt trội, dù trung tâm trực tiếp đi lại nhiều lần để xin phép nhưng bố mẹ các em vẫn kiên quyết từ chối.

Cũng vì lẽ đó, song song việc mở các lớp năng khiếu ở các quận huyện, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội luôn cố gắng liên kết với nhiều vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Các thầy cô giáo thể dục ở các địa phương sẽ được hỗ trợ kinh phí để duy trì các lớp học bóng đá hằng tuần, nhằm phát hiện và nuôi dưỡng đam mê với các bạn nhỏ có tiềm năng. Kế đó, đều đặn mỗi năm sẽ diễn ra hai đợt tuyển chọn chính thức.

Ngay trong lứa U14 đang khoác áo đội nữ Hà Nội, Hà Huyền Mai là tài năng hiếm có được ưu tiên xét duyệt đầu vào. Dẫu vậy, trong hai tháng đầu lên đây ăn tập, hoàn cảnh gia đình mỗi người một nơi (bố làm nghề tự do ở Lai Châu, mẹ làm công nhân ở Bắc Giang) cũng khiến cô bé khó lòng dốc sức luyện tập. Trăn trở, lo lắng đội bóng sẽ vuột mất tài năng hiếm có, thầy Minh đã mời bố mẹ Mai về làm cấp dưỡng tại bếp ăn của đội. Sau gần ba năm rèn luyện, tình yêu bóng đá từ Mai đã ăn sâu vào mỗi thành viên trong nhà. Dần dà, ngọn lửa đam mê cũng nhanh chóng được lan tỏa tới rất nhiều bậc phụ huynh ở các địa phương, giúp họ vững tâm về quyết định gửi con em theo học bóng đá.

ĐẢM nhiệm công tác tuyển chọn cầu thủ trẻ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội, việc được nhìn thấy các bạn nhỏ trưởng thành cũng là động lực quan trọng giúp đội ngũ huấn luyện thêm yêu nghề hơn. Thầy Minh chia sẻ: "Từ ngày tôi ra trường và được phân công về đây cũng đã gần 20 năm. Nếu không được ra sân tập luyện cùng các bạn, như mỗi dịp nghỉ lễ hay mỗi khi Tết đến các bạn về quê, tôi đều cảm thấy rất trống vắng".

Khi chứng kiến lứa học trò do chính tay mình tuyển chọn và đào tạo, nay đã thành danh chuẩn bị tham dự World Cup 2023, thầy Minh không giấu được vẻ hãnh diện. "Thanh Nhã ngày xưa khi được chọn rất còi, bé nhất đội nhưng bù lại sở hữu tố chất tốc độ rất tốt. Sau quá trình rèn luyện và phát triển, em có được thành công như hôm nay khiến tôi cũng bất ngờ".

Đối với cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Muôn, "điều tiếc nuối nhất của tôi là vào năm 2014, khi Đội tuyển quốc gia không thể giành vé dự World Cup tại sân vận động Thành Long (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, các em đã làm được điều đó thay cho các chị. Thành công này giúp cho không khí tập luyện trên sân tươi vui hơn. Chính mình cũng được tiếp thêm động lực để có thể vận động các bạn nhỏ, cũng như thuyết phục gia đình cho các em theo nghiệp bóng đá".

Hiện tại, thầy Minh cũng như các thầy, cô giáo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội đều khẳng định: Không chỉ các cầu thủ nữ mà ngay cả đội ngũ huấn luyện cũng được quan tâm và đầu tư hơn trước. Không chỉ cơ sở vật chất được nâng cấp khang trang, chế độ ăn uống, lương thưởng cũng tốt hơn rất nhiều so trước đây. Dẫu vậy, muốn phát triển bóng đá nữ vẫn cần nhiều hơn các nguồn xã hội hóa cũng như sự giúp sức đến từ các doanh nghiệp.

Bóng đá nữ Hà Nội - bao nỗi ưu tư -0
Hà Nội là một trong những trung tâm sở hữu điều kiện đào tạo hàng đầu trong nước.

Mỗi năm, Trung tâm tuyển hàng chục vận động viên, duy trì đào tạo từ bảy đến tám năm, mới có thể giới thiệu được hai, ba gương mặt đủ trình độ thi đấu cho Đội tuyển quốc gia. Bóng đá nữ cần có quy trình tuyển chọn cẩn thận và đào tạo, huấn luyện, chăm sóc dinh dưỡng một cách bài bản, khoa học.

Ở Hà Nội, các vận động viên được chăm sóc, lo toàn bộ chế độ ăn ở, học văn hóa từ nhỏ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc thi đỗ đại học trở nên dễ dàng hơn, khiến tình trạng các vận động viên ở độ tuổi 17, 18 quyết định nghỉ bóng đá đi học đại học rất nhiều. Sau quá trình đào tạo tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, nếu các em quyết định không lựa chọn, chúng tôi cũng khó can thiệp.

Ông Đỗ Văn Nhật

Phó Trưởng ban bóng đá nữ VFF, Trưởng bộ môn bóng đá Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các lò đào tạo, câu chuyện đầu vào cũng là bài toán nan giải. Hà Nam lợi thế là địa phương có truyền thống, phong trào bóng đá nữ tại các xã, huyện được diễn ra hằng năm và trở thành cơ sở tuyển chọn đầu vào cho Trung tâm của tỉnh. Tuy nhiên, phạm vi tuyển chọn trong những năm gần đây cũng được mở rộng ra cả nước.

Công tác tuyển chọn cầu thủ nữ trẻ thường gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, những thầy cô muốn không bỏ sót nhân tài cần phải có tâm, có tầm và cả trực giác trong nghề mới có thể tìm kiếm, dạy dỗ tốt những nhân tài thể thao của đất nước. Không chỉ cần kinh nghiệm và sự nhạy bén trong quá trình tuyển chọn, các thầy cô cũng phải rất tinh ý trong suốt quá trình chăm lo đời sống của mỗi em.

Ông Phạm Hải Anh

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nam

Ở Việt Nam, con gái chơi thể thao, nhất là bóng đá, thường không được ủng hộ. Bởi vậy, thành công của Đội tuyển nữ mới đây sẽ là động lực, giúp xã hội nhìn nhận đúng hơn về bóng đá nữ. Từ đó, có thể huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn để đầu tư, giúp bóng đá nữ phát triển.

Hiện tại, nền tảng phát triển bóng đá nữ vẫn chưa tương xứng. Việt Nam chỉ có sáu địa phương đầu tư bóng đá nữ là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam, Quảng Ninh, Sơn La và Thái Nguyên. Nếu tổng cộng mỗi nơi sở hữu khoảng 100 người từ đội 1 tới đội trẻ thì cả nước sẽ có khoảng 600 cầu thủ nữ. Số lượng này vẫn rất khiêm tốn nếu muốn phát triển bền vững. Chúng ta cần chính sách đồng bộ hơn, từ bóng đá học đường, hệ thống đào tạo trẻ đến hệ thống thi đấu bóng đá nữ.

Ông Đoàn Minh Xương

Cựu Huấn luyện viên bóng đá