Thắp sáng hy vọng cho người bệnh ung thư

Tôi gặp Phan Minh Liêm (ảnh bên) khi vừa đáp chuyến bay xuống Hà Nội từ TP Hồ Chí Minh, mấy hôm trước chàng trai này còn miệt mài làm việc ở Viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Anderson của Hoa Kỳ. Liêm thường xuyên “vội vã trở về, vội vã ra đi” giữa Nha Trang - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Mỹ để bắt tay vào thực hiện mơ ước đẩy lùi căn bệnh ung thư, mang đến cơ hội sống cho nhiều người Việt.

Thắp sáng hy vọng cho người bệnh ung thư

Bốn lần được vinh danh ở Mỹ

Tôi ngồi với Liêm trong tiết trời Hà Nôi se lạnh, nhưng nhìn ra cây xanh phố Lý Thường Kiệt đã bắt đầu ra lộc. Thời tiết này gợi nhớ những ngày cuối năm ở thành phố Houston, đại lộ Holcome tràn ngập ánh sáng và những cây thông Noel lấp lánh, nhưng trong căn phòng thí nghiệm của Trung tâm ung thư MD Anderson, TS trẻ Phan Minh Liêm vẫn đang lặng lẽ làm việc. Dịp ấy, mỗi ngày anh dành thêm ba tiếng để viết thư tư vấn cho nhiều bệnh nhân ung thư ở Việt Nam.

35 tuổi, chàng trai quê Khánh Hòa này đã có một hành trình dài với nhiều cột mốc đáng nhớ. Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là nhà giáo ở thành phố biển Nha Trang, năm lớp 9, Liêm nhận được học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học một năm chương trình lớp 10 nhờ thành tích đoạt giải nhì môn tiếng Pháp trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Liêm vốn say mê văn chương và triết học của Pháp nhưng khi sang đây lại bị cuốn hút bởi những thí nghiệm thú vị của môn sinh học. Liêm nhận ra giá trị to lớn của những kết quả nghiên cứu y sinh, có thể ngăn ngừa bệnh cho hàng triệu người và từ đó quyết theo đuổi con đường này.

Liêm tâm sự: “Tới lúc thi đại học, trước hai lựa chọn: Một là thi vào Đại học Y, để trở thành bác sĩ; hai là thi vào ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, để trở thành một nhà nghiên cứu, cuối cùng tôi đã thiên về lựa chọn thứ hai. Đến năm thứ ba đại học, tình cờ hay tin Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đang tổ chức kỳ thi giành học bổng đào tạo tiến sĩ tại Mỹ, tôi bèn đánh liều đi thi, dù vẫn biết đó là học bổng dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Tính là thi chơi thử sức, không ngờ tôi lại được chọn và bắt đầu qua Mỹ học từ năm 2005”.

Sang Mỹ học bằng vốn tiếng... Pháp, Phan Minh Liêm phải “đánh vật” để học tiếng Anh, các bài giảng trên lớp phải ghi âm rồi về nghe lại, tra từ điển, nhọc công hơn người khác gấp nhiều lần. Hồi mới sang Mỹ, có những lúc Liêm phải ngủ trên bìa các-tông trong một căn phòng trọ tồi tàn, nhưng gian khổ đó không đáng sợ bằng ánh mắt xem thường mà chàng trai này vẫn thỉnh thoảng bắt gặp khi chưa thể tự mình làm một thí nghiệm đơn giản. Điều đó làm Liêm thêm nung nấu ý chí vươn lên.

“Vì sao Liêm lại nghiên cứu về ung thư trong khi có nhiều lựa chọn khác ở Mỹ?”, Liêm trả lời câu hỏi của tôi bằng chất giọng Nha Trang: “Tôi có một mối quan tâm đặc biệt về căn bệnh ung thư vì nhiều người thân của tôi, bà nội tôi, cô tôi từng lần lượt mắc phải căn bệnh bị cho là “án tử” này. Chưa kể, hằng ngày còn được chứng kiến hay nghe thấy bao người mình quen biết phải qua đời vì căn bệnh quái ác đó. Tôi muốn mình có thể làm được một điều gì đó trong tương lai để góp phần giúp người bệnh chiến thắng được căn bệnh này. Khi nghe tôi trình bày mối quan tâm của mình, vị giáo sư phỏng vấn tôi đã khuyên tôi nên tìm đến Trung tâm ung thư MD Anderson”.

Khoa học nghiên cứu ung thư vốn hết sức khó khăn, thất bại luôn chực chờ ngay cả khi tưởng như sắp chạm vào thành công, trong khi đó Phan Minh Liêm lại theo đuổi phát kiến mới có vẻ đi ngược lại với những nghiên cứu kinh điển đã được thừa nhận. Cuối cùng, sau tám năm miệt mài, thành quả nghiên cứu khoa học của TS Liêm được cộng đồng quốc tế ghi nhận về việc lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tìm ra protein 14-3-3 sigma có khả năng tiến công hữu hiệu quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào ung thư, tìm ra một cơ chế mới có khả năng đảo ngược quá trình phát sinh ung thư và tiêu diệt ung thư hiệu quả, thắp sáng hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên thế giới.

Với những cống hiến vượt bậc, Liêm trở thành người Việt đầu tiên được bốn lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện MD Anderson trong thời gian từ 2009 đến 2013. Khi mới ở độ tuổi 33, TS Phan Minh Liêm đã có 24 công trình nghiên cứu về ung thư, trong đó có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí danh tiếng. Có thể tận hưởng những thành công ấy với cuộc sống đầy đủ trên đất Mỹ, nhưng chàng trai này vẫn luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong muốn làm được điều gì đó để đẩy lùi căn bệnh ung thư đang trở thành “đại dịch” ở Việt Nam. Năm 2012, Liêm góp phần bắc nhịp cầu đưa các giáo sư hàng đầu của Viện MD Anderson giảng dạy về ung thư cho hơn 100 bác sĩ, nhà khoa học và sinh viên Việt Nam. Năm 2013, khóa học này tăng lên 300 học viên, được tổ chức ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cung cấp nhiều kiến thức và kỹ năng mới cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đào tạo.

Mang công nghệ tầm soát điều trị ung thư từ giải mã gen về Việt Nam

Nhưng đó chỉ là một sự khởi đầu, để rồi năm 2018, TS Phan Minh Liêm đã về nước, trở thành Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ. Viện này được lập ra nhờ sự nỗ lực của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch HĐQT Công ty Trầm hương Khánh Hòa và Liêm với mục đích chuyển giao công nghệ từ Trung tâm điều trị Ung thư số một Hoa Kỳ là MD Anderson. Hai người quyết tâm đồng hành vì sức khỏe người Việt. Đây cũng là lần đầu tiên, MD Anderson kết hợp với một trung tâm ở Đông - Nam Á. Với những công nghệ hàng đầu thế giới, Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tạo bước phát triển trong y học, mở ra cơ hội tầm soát và điều trị với chi phí thấp nhất cho bệnh nhân ung thư Việt Nam.

Thắp sáng hy vọng cho người bệnh ung thư ảnh 1

TS Phan Minh Liêm và doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ứng dụng công nghệ giải mã gen và di truyền học trong điều trị chuẩn xác và tầm soát ung thư tại Việt Nam.

Liêm chia sẻ: “Cơ thể người có tới 3.720 tỷ tế bào, các tế bào phân chia hay không do sự quy định của gen. Nếu tế bào phân chia đột biến, gen sẽ cố gắng sửa, nếu không sửa được sẽ kích hoạt cơ chế tự sát tế bào. Nhưng vì một số lý do, bản thân gen kháng ung thư cũng bị hư. Khi đột biến gen gây ung thư mạnh lên và gen kháng ung thư bị hư, cả hai trường hợp này đều làm tăng nguy cơ gây ung thư. Xét nghiệm gen sẽ tìm ra những gen mắc lỗi để tầm soát và điều trị ung thư. Viện Ung thư MD Anderson sẽ chuyển giao công nghệ xét nghiệm 20.000 cặp gen để tìm ra tế bào ung thư. Đây là công nghệ tầm soát ung thư hiện đại nhất trên thế giới hiện nay mà người Việt Nam giờ đây có thể tiếp cận được ngay ở trong nước”.

Liêm ra Hà Nội lần này cùng hai giáo sư của Viện MD Anderson từ Mỹ sang đây cùng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác với Viện Quân y 108 để ra đời một trung tâm tầm soát ung thư bằng công nghệ giải mã gen đầu tiên ở Hà Nội. Trung tâm ấy sẽ ra đời trong thời gian tới đây và TS Phan Minh Liêm đang trăn trở tìm cách giảm giá thành để nhiều người Việt Nam có thể tiếp cận phương pháp này. Nếu theo mức giá ở Mỹ, giải mã bốn cặp gen là 4.800 USD, nhưng ở Việt Nam, giải mã 20.000 cặp gen chỉ tốn khoảng 30 triệu đồng. Dù vậy, Liêm biết đó là mức chi phí ngoài tầm với của nhiều người.

Hằng năm Việt Nam có hơn 125.000 ca ung thư mới được ghi nhận, trong đó khoảng 90.000 bệnh nhân bị tử vong, khiến nước ta thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới mà nguyên nhân chính là do phát hiện muộn, việc điều trị chủ yếu theo phác đồ ứng đoán - nghĩa là vừa điều trị vừa theo dõi tác dụng của thuốc. Nếu người Việt Nam tiếp cận được với phương pháp giải mã gen để tầm soát ung thư sẽ là một bước đột phá tận gốc rễ để đẩy lùi căn bệnh quái ác này. Khi bác sĩ nắm được bản đồ gen, sẽ tiên liệu được khả năng điều trị nào hiệu quả hơn. Liêm cùng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ đang bắt tay vào giải mã hệ gen người Việt để có những dữ liệu quan trọng cho việc tầm soát ung thư.

Nhiều việc đang chờ đợi TS Phan Minh Liêm, chàng trai này vẫn như con thoi đi về giữa Mỹ và Việt Nam, và có những chuyến hành trình sẽ xuyên từ mùa đông sang xuân mới này. Những hành trình mà Liêm không hề cảm thấy mệt mỏi vì biết nhiều bệnh nhân ung thư đang chờ đợi mình.