Tháng hai, mùa này con nước

Men theo sông Hồng, cứ thẳng tắp đường 156, qua Bản Vược, Trịnh Tường, rồi tới A Mú Sung, vào Lũng Pô. Cả con đường, đã rải nhựa êm như lụa.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Hồng những ngày này dường như rực hơn trong nắng.
Sông Hồng những ngày này dường như rực hơn trong nắng.

Mười hai năm trước, khi bặm môi trên cung đường gập ghềnh đá sỏi, lầy lội dọc biên giới, chúng tôi cứ nghĩ về một ngày nào đó mình được lái xe thẳng một lèo từ thành phố Lào Cai lên tới A Mú Sung, A Lù, Y Tý. Năm đó, một người mẹ Dao đã kể cho chúng tôi nghe, mấy chục năm trước, cả gia đình còn ở bản Vược. Những ngày chạy loạn, bà ôm con chạy từ ngôi nhà đang cháy, sang Mường Vi, Bản Xèo, rồi Nậm Pung, rồi Sa Pa, Yên Bái. Chồng bà năm đó đã nằm lại mãi nơi ngã ba sông Hồng. Những ngày ấy, con đường chỉ toàn lau lách, bà kể địu con trên ngực, lúc ngả con ra, thấy áo con thấm đầy máu, mới biết con bị vắt xanh cắn từ lúc nào.

Hơn 40 năm, con đường dọc sông Hồng đã đổi khác, không còn là cả một ngày đánh vật trên đường, không còn phải lội bộ vài cây số để vào tới Lũng Pô nữa. Đường từ ngã ba A Mú Sung cũng đã làm lại, ô-tô đi một lèo, qua hàng cây gạo đang chờ bung nở cho tháng ba, thẳng hướng tới cột cờ Lũng Pô cao vút. Cột cờ Lũng Pô đặt tại khu vực Trạm Biên phòng Lũng Pô ở xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai). Năm 2017, cột cờ được khánh thành, cao 31,43m, tượng trưng cho đỉnh Fansipan 3.143m của tỉnh Lào Cai. Từ trên đỉnh cột cờ, phóng tầm mắt ra ngã ba sông, sẽ thấy cột mốc 92 và điểm bắt đầu của sông Hồng khi vào Việt Nam, với dòng chia đôi xanh-đỏ đặc trưng. Lũng Pô, trong tiếng H’Mông nghĩa là con rồng cha. Nơi dòng sông Hồng chảy vào đất Việt này, là điểm đánh dấu của một con rồng, nơi những người H’Mông kiêu hãnh đã đặt những nhát cuốc đầu tiên khai khẩn và gìn giữ những ngôi nhà của họ qua nhiều đời.

Tháng hai, mùa này con nước ảnh 1

Cột cờ cao 31,43m tại Trạm Biên phòng Lũng Pô.

Những ngày này sông Hồng vào mùa nước cạn, mầu đỏ cũng rực hơn trong ánh nắng. Tuyến đường dọc sông Hồng, là hành trình của cả bốn mùa. Đó có thể là nắng từ Lũng Pô, màn sương bảng lảng ở A Mú Sung, rồi gặp biển mây Y Tý. Vừa ra Tết, thiên nhiên Bát Xát chào đón với những cành mận trắng xóa như tuyết, rồi những cành đào nở muộn suốt dọc đường đi. Năm nay thời tiết thất thường, hoa đào Y Tý bây giờ mới bắt đầu vào độ viên mãn. Đâu đó trên A Mú Sung, còn có cả những cây tớ dày (mai anh đào) đỏ một góc trời. Bát Xát mùa nào cũng như cổ tích cả. Bây giờ là mùa hoa, tháng tư là mùa ruộng bậc thang đổ nước, rồi tới mùa lúa, mùa mây. Có một cô giáo tiểu học kể rằng, 11 năm trước, vợ chồng cô có một căn nhà ở Lũng Pô. Đó đúng là căn nhà cô vẫn mơ trong giấc mơ thiếu nữ, nhìn ra phía sông Hồng và có một cây đào trước cửa. Nơi mỗi buổi sáng là không gian trong trẻo và bồng bềnh mây nắng. Giấc mơ dừng lại, khi chồng cô nằm xuống giữa lòng sông mẹ vào một ngày tháng hai nơi biên giới. Cô đưa con về trung tâm thị trấn Bát Xát, mỗi năm, cậu bé vẫn theo mẹ trở lại nơi bố từng công tác. Cuộc sống vẫn tiếp tục, như dòng sông Hồng vẫn chảy về biển.

Tháng hai, chúng tôi ghé về A Mú Sung, thắp nén hương nơi bia tưởng niệm của Đồn Biên phòng A Mú Sung, nơi có dòng tên của chồng bà mẹ Dao, của chồng cô giáo Bát Xát. Trong đầu, cứ vẳng lên lời bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng: "Nhưng thơ ngây đâu phải ở chúng mình…"