Tập trung cải thiện hệ thống giao thông Thủ đô

Hơn một thập kỷ trôi qua, hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ hàng chục dự án lớn nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Nhật Tân nằm trên trục lưu thông quan trọng của Thủ đô giúp giảm áp lực giao thông khu vực Bắc Thăng Long-Nội Bài. Ảnh | Trần Hải
Cầu Nhật Tân nằm trên trục lưu thông quan trọng của Thủ đô giúp giảm áp lực giao thông khu vực Bắc Thăng Long-Nội Bài. Ảnh | Trần Hải

Từ năm 2010 đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông đối ngoại ở cả bốn hướng: Đại lộ Thăng Long phía tây (2010), Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ phía nam (2012), phía bắc với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và cao tốc Hà Nội-Lào Cai (2014), và cuối cùng là tuyến kết nối giao thông phía đông với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chính thức thông xe cuối năm 2015. Đầu năm 2016, tuyến Hà Nội-Bắc Giang cũng được khánh thành. Những năm sau đó, nhiều tuyến giao thông trọng điểm tiếp tục được đầu tư, nối dài thêm những tuyến cao tốc như Hòa Lạc-Hòa Bình, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Bắc Giang-Lạng Sơn, Hải Phòng-Quảng Ninh...

Cùng với các tuyến giao thông trục hướng tâm, ngoài đường vành đai 3 đã được triển khai từ sớm trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, trong giai đoạn vừa qua, nhiều tuyến đường nội đô cũng được quan tâm đầu tư như đường vành đai 2 cùng một loạt cầu vượt nhẹ tại các nút giao. Mặc dù vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc vào một số khung giờ cao điểm, song không thể phủ nhận, giao thông nội đô Hà Nội được cải thiện hơn nhờ những công trình nói trên. Đan xen với các cầu vượt nhẹ, các công trình hầm chui cũng phát huy hiệu quả tương tự góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh hệ thống đường bộ, Hà Nội cũng triển khai các dự án đường sắt đô thị. Dù chậm tiến độ nhiều lần, nhưng cuối tháng 11 năm 2021 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cũng chính thức được vận hành, đã thu hút rất đông hành khách tham gia sử dụng loại hình vận tải công cộng này. Sau gần một năm đi vào hoạt động, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, đầu tháng 10 vừa qua, lượng hành khách lên tới hơn 31 nghìn lượt người/ngày, trong đó khoảng 70% sử dụng vé tháng, góp phần giảm mật độ phương tiện trên hành lang đường bộ phía tây nam Thủ đô, tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng.

Ngày 10/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang tập trung triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Hai dự án đang triển khai gồm tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng kết nối giao thông giữa các quận, huyện cũng như giữa Hà Nội với Vĩnh Phúc, Hưng Yên, cùng với đó là hệ thống 10 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài 417,8km.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, hàng loạt dự án nhà cao tầng bám sát các trục hướng tâm khiến mật độ dân số tăng cao, đi kèm với đó là số lượng phương tiện cá nhân tăng chóng mặt. Hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải “gồng mình” phục vụ cho khoảng 7,6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai.

Một trong những giải pháp chính nhằm kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân của Hà Nội là phát triển mạng lưới vận tải công cộng hiện đại, năng lực cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, chỉ khi vận tải công cộng cho thấy sự ưu việt, nổi bật mới có thể tác động đến ý thức của người dân, thúc đẩy việc từ bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân.

Trong bối cảnh Hà Nội hướng tới mô hình “Thành phố thông minh”, thì giao thông là một trong những lĩnh vực đóng vai trò tiên phong. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông...