Phóng viên Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về chiến lược và những giải pháp để Bắc Giang đạt được mục tiêu này.
Là một tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đồng thời cũng thực hiện thành công “mục tiêu kép”, xin ông cho biết hiện tại các hoạt động sản xuất của Bắc Giang đã phục hồi như thế nào và đạt được những kết quả gì thời gian qua?
Năm 2021, Bắc Giang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, có thời điểm tỉnh đã là tâm dịch của cả nước. Song cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ, chia sẻ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân cả nước, Bắc Giang đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Hiện nay, trong sáu khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã có 385 doanh nghiệp đang hoạt động với 190.000 lao động (tăng 23 doanh nghiệp và hơn 40.000 lao động so với thời điểm trước khi bùng phát dịch). Ở các cụm công nghiệp (CCN), 100% doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại. Tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội sau khi kiểm soát được dịch để phát triển sản xuất, nhờ đó kinh tế nhanh chóng tăng trưởng trở lại từ quý III, tốc độ tăng GRDP cả năm đạt 7,8%, cao hơn dự báo trước đó. GRDP bình quân đầu người đạt 2.950 USD, tăng 3,7%. Đặc biệt sản xuất công nghiệp phục hồi rất nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Mặc dù đã có thời điểm bốn KCN phải tạm dừng hoạt động, tăng trưởng công nghiệp cả năm vẫn đạt 11,2%. Do vậy thu ngân sách năm 2021 đạt gần 22.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, và thu từ các doanh nghiệp FDI đạt gần 1.600 tỷ đồng, cũng cao nhất từ trước tới nay.
Việc thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Đã có 1.416 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút đầu tư đạt hơn 1,5 tỷ USD, chất lượng các dự án đầu tư FDI được cải thiện.
Xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà để phát triển các ngành khác, tỉnh đã có những đột phá nào về cơ chế chính sách để thúc đẩy công nghiệp phát triển, thưa ông?
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ: “Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp”... mục tiêu để Bắc Giang trở thành “một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng vào năm 2030”.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết và phân công cụ thể cho các ngành, địa phương. Đồng thời, xác định ba đột phá cần tập trung thực hiện để phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Trước hết là đột phá về cải cách hành chính để thu hút đầu tư, tạo lập được môi trường đầu tư khá tốt. Tôi thấy ở đây có tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, đặc biệt trong việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Chỉ riêng trong năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành hơn 30 quyết định phân cấp, ủy quyền, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng nhằm tăng sự chủ động cho các sở, ngành và địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI.
Trong thời gian tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Nhiều tổ công tác được thành lập và đã chứng tỏ hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hướng dẫn, hỗ trợ quá trình triển khai, thực hiện các dự án lớn.
Thứ hai là đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại như vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, tuyến cao tốc...; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; hạ tầng xã hội bảo đảm nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.
Đột phá thứ ba là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh có thuận lợi cơ bản là có lực lượng lao động tại chỗ khá lớn (1,9 triệu người) đang ở thời điểm dân số vàng, mặt khác các khu cụm công nghiệp cũng thu hút nguồn lao động đáng kể từ các tỉnh chung quanh. Vấn đề ở đây là cần có sự hỗ trợ, đầu tư nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động, lấy đó làm nguồn lực cho mình. Hiện Bắc Giang có tỷ lệ lao động qua đào tạo khá cao, ước chừng 70%. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao.
Phát triển công nghiệp bền vững là hướng đi đúng đắn và lâu dài, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng “nóng” ở nhiều địa phương. Xin ông chia sẻ những sáng kiến và cách làm của Bắc Giang để thực hiện chủ trương này?
Xác định bảo vệ môi trường là tiền đề cho phát triển bền vững, Bắc Giang đã triển khai một số giải pháp thiết thực, hiệu quả. Ngay từ khi xây dựng danh mục các dự án, tỉnh xác định rõ hạn chế thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi chủ trương không cấp mới và xem xét điều chỉnh mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, các doanh nghiệp không chấp hành tốt pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội.
Tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về đầu tư (trong đó có các tiêu chí cho các dự án FDI trong các KCN) nhằm thu hút các dự án phù hợp với quy hoạch tỉnh như các dự án sử dụng công nghệ cao và sử dụng đất có hiệu quả. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển nhượng dự án, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, không để tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng” trong các KCN.
Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án được tiến hành thường xuyên, yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là các công trình bảo vệ môi trường bảo đảm nước thải, khí thải, chất thải được xử lý theo quy định trước khi xả thải. Đến nay, các KCN đang hoạt động trên địa bàn có nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý đạt khoảng 42.300m3 ngày đêm. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, buộc tạm dừng sản xuất, đình chỉ hoạt động, xem xét thu hồi dự án đối với dự án gây ô nhiễm môi trường.
Trong Quy hoạch của tỉnh được Chính phủ phê duyệt mới đây có bổ sung, mở rộng một số KCN và CCN. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng luôn là “nút thắt” cho phát triển. Tỉnh đã có những bài học kinh nghiệm như thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Bắc Giang đã tập trung lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022, theo đó quy hoạch hơn 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp cho giai đoạn 2021-2030 với 29 KCN và 63 CCN.
Tỉnh luôn coi trọng, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai các dự án thực tế và có năng lực tài chính để bảo đảm thực hiện nhanh chóng trong công tác đền bù GPMB và xây dựng hạ tầng. Đối với công tác GPMB thì quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền, kịp thời giải quyết những quyền lợi chính đáng của người dân có đất thu hồi, đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân nhận tiền đền bù sớm.
Về lâu dài, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi công tác quy chủ, kiểm đếm phục vụ tốt hơn cho công tác đền bù. Mặt khác, xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai thực hiện cho từng KCN, phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và tổ chức kiểm điểm tiến độ thực hiện hằng tháng để tránh hiện tượng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm, “trên bảo dưới không nghe”.
Việc một số tổ công tác hỗ trợ các dự án lớn hoạt động hiệu quả, trong đó có GPMB là một trong những nỗ lực của tỉnh để gỡ bỏ “nút thắt” này. Về cơ bản việc triển khai GPMB vẫn bảo đảm lộ trình đề ra, nhưng cũng còn những khó khăn, chậm trễ nhất định cần tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ.
Nằm trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, xin ông cho biết phát triển kinh tế ở Bắc Giang gắn với liên kết vùng như thế nào và liệu tỉnh đã tận dụng tốt các tiềm năng lợi thế này để phát triển kinh tế?
Trước hết, cần phải xác định các tiềm năng lợi thế của mỗi vùng mà tỉnh quan tâm, từ đó lên kế hoạch tập trung cho phát triển kết nối. Trước đây Bắc Giang vẫn còn có hạn chế, một mặt do khó khăn về nguồn lực, mặt khác là do tư duy tầm nhìn về kết nối đối ngoại chưa đột phá.
Đầu năm nay, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đã gặp gỡ, bàn bạc về thúc đẩy kết nối vùng để phát triển không chỉ về kinh tế mà còn văn hóa xã hội. Muốn vậy, cần hoàn thiện được hạ tầng giao thông để “tôi ra biển anh lên rừng” đều thuận tiện nhanh chóng. Hiện tại từ Bắc Giang đi các tỉnh chung quanh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đều thuận lợi do có các tuyến đường thủy, đường bộ đã và đang xây dựng, đó là điều rất quan trọng.
Hệ thống đô thị của tỉnh cũng đang phát triển mạnh mẽ song song với phát triển công nghiệp, sẽ góp phần phát triển hệ thống đô thị trong vùng, kết nối nội vùng và với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển các ngành dịch vụ và thương mại của vùng theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch của tỉnh với các tỉnh trong vùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bắc Giang là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư và xây dựng, phát triển các khu công nghiệp. Vừa qua, Bắc Giang trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được Chính phủ chấp thuận quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra nhiều cơ hội lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Loạt bài của Nhân Dân hằng tháng ghi nhận những nỗ lực, chuyển biến tích cực của Bắc Giang trong thời gian qua và một số khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.