Tâm huyết cho nghệ thuật

NDO - *  Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng ngậm ngùi khi các nhà điêu khắc trẻ phải triển lãm "ké" sang không gian của Ðại học Văn hóa, bởi Ðại học Mỹ thuật Việt Nam đã dành hội trường cho thuê đám cưới. Tương tự, một nhạc sĩ ở phía nam ra Hà Nội không dám tổ chức đêm nhạc ở Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, vì không nỡ để khán giả của mình phải len lỏi qua đám cưới để vào khán phòng. Vì họ muốn làm nghệ thuật một cách "tử tế". Và đang có ngày càng nhiều hơn những người tâm huyết như vậy.
Liên hoan xiếc quốc tế.
Liên hoan xiếc quốc tế.

* Tuần qua, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức bữa tiệc xiếc do 185 nghệ sĩ đến từ 11 quốc gia và năm đoàn xiếc của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan xiếc quốc tế. Không ngại thử nghiệm, đổi mới, ban tổ chức khuyến khích các tiết mục sáng tạo độc đáo, mới lạ, đó là U-crai-na với tiết mục Lắc vòng, Leo cột (Cái chết của thiên thần) phô diễn sự khéo léo, sức mạnh và vẻ đẹp hình thể; đoàn Mỹ với Ðứng tay nghệ thuật, Cam-pu-chia với Sức mạnh đôi tay, đoàn Pháp khéo léo, vui nhộn với Hình tượng nam nữ hài và đoàn Lào ăn ý, khéo léo trong Uốn dẻo hai nữ...

* Cô Sao, vở nhạc kịch của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận tưởng như đã bị "ngủ quên" sau mấy chục năm trời, giờ đây trở lại với một diện mạo mới trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 24 và 25-11. Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, con trai của cố nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, và các cộng sự đã phục dựng được gần 1.000 trang tổng phổ của vở nhạc kịch. Nhạc sĩ Ðỗ Nhuận viết tác phẩm này trong quãng thời gian từ 1960 đến 1963 và công diễn lần đầu tại Hà Nội nhân 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965).

* Tới đây, Anh Thơ - Việt Hoàn sẽ kể câu chuyện âm nhạc của mình từ thuở Anh Thơ đi cấy lúa, Việt Hoàn chăn trâu, đến những ngày đi hát phòng trà với 100 nghìn đồng cát-sê, cho đến giờ, họ được xếp vào những giọng ca được yêu thích nhất của dòng nhạc dân gian và truyền thống cách mạng. Khán giả sẽ không chỉ được đắm chìm trong dòng nhạc truyền thống - vốn đóng đinh tên tuổi của hai ca sĩ giọng cao này - mà còn được thưởng thức những bản opera kinh điển của thế giới chuyển soạn sang lời Việt.

* Trong khi đó, tại Quy Nhơn (Bình Ðịnh), quỹ khuyến tài hát bội, bài chòi mang tên nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn vừa ra mắt. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của bộ môn nghệ thuật này, những người tâm huyết đã kêu gọi được trước mắt 135 triệu đồng để khen thưởng cho lớp diễn viên trẻ của nghệ thuật hát bội, bài chòi Bình Ðịnh mới vào nghề nhưng hát hay, diễn giỏi, không phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư.

* Lấy đề tài về những đứa trẻ bụi đời bên hè đường, vở kịch Trái tim nhảy múa của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc cho người xem trải nghiệm những cảm xúc khác nhau, từ hồn nhiên, nhí nhảnh cho tới xúc động tột bậc. Lê Khánh hóa thân vào vai Xàng, cô gái mù khao khát được đến trường và gặp lại cha mẹ.

* Với mục tiêu tránh tối đa những thảm họa MC, Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh vẫn bền bỉ tổ chức cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình. Cầm cân nảy mực cho cuộc thi là bốn nhà báo, MC Quỳnh Hương, đạo diễn Lê Hoàng..., sau vòng sơ kết và bán kết, họ đã tìm ra được tám gương mặt nổi trội tham dự vòng chung kết, tranh giải nhất 35 triệu đồng.