Hội chơi độc đáo ngày xuân

- Quang Long Bài chòi, một sự sáng tạo độc đáo giữa trò chơi với âm nhạc dân gian đặc sắc của dân tộc phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, là tiền thân của sân khấu kịch hát cùng tên. Sau những thăng trầm, Hội đánh Bài chòi đã được phục hồi ở một số địa phương, và nghệ thuật Bài chòi đang trong quá trình xây dựng hồ sơ công nhận di sản văn hóa thế giới.

Nghệ nhân Hoàng Việt đóng vai Anh Hiệu. Ảnh: Nguyễn Văn Quế
Nghệ nhân Hoàng Việt đóng vai Anh Hiệu. Ảnh: Nguyễn Văn Quế

Hội tổ chức linh đình, có tới 27 con bài có tên gọi theo bộ bài tam cúc cổ cải tiến như nhất nọc, nhì nghèo, tứ tượng, ông ầm, bảy liễu... Chín chòi chơi mỗi chòi chứa chừng 3-5 người được bố trí theo hệ thống hình chữ nhật trong đó có một chòi trung ương đặt ở chính giữa gọi là chòi cái. Khi chơi, mỗi chòi sẽ được phát một thẻ bài cái làm bằng tre trên đó đã được voe biểu tượng ba con bài và ghi tên ba con bài ở phần dưới biểu tượng đó; 27 con bài lẻ đựng trong ống thẻ đặt giữa sân hội. Khi chơi, Anh Hiệu (tức người quản trò) sẽ lần lượt rút từng con bài trong ống thẻ và hô lên, chòi nào có con bài trùng tên thì gõ ba mõ, Anh Hiệu lập tức đem dâng cho chòi trúng.

Cũng tựa như cách chơi tổ tôm điếm - một trò chơi dân gian kết hợp với lẩy Kiều - một hình thức ngâm thơ Kiều - rất phổ biến tại hội xuân các làng cổ vùng đồng bằng sông Hồng xưa kia, lúc đầu Bài chòi chỉ đơn thuần là một cuộc chơi con bài có thưởng mang tính chất vui vẻ cầu mong cho một năm mới nhiều may mắn. Nhưng cùng với thời gian, để cuộc chơi thêm phần hấp dẫn, người xưa đã sáng tạo thêm những câu hô thai giai điệu đơn giản gần gũi với dân ca địa phương, còn lời chủ yếu dựa vào ca dao tục ngữ, cũng có khi tự sáng tạo. Thai là những câu hát mang tên con bài. Trong một cuộc chơi, khi Anh Hiệu rút được một thẻ tre, thay vì đọc ngay tên con bài Anh Hiệu sẽ hát lên một câu hát có nội dung gần gũi với con bài, nếu tinh ý thì người chơi có thể đoán biết được đó là con gì. Khi hát hết câu thì nghệ nhân mới hô tên con bài.

Theo thời gian, cách hô thai này ngày càng phát triển và cho tới nửa đầu thế kỷ 19 đã trở nên rất hấp dẫn bởi các Anh Hiệu - nghệ nhân hô thai - còn trình diễn những động tác biểu diễn sinh động phù hợp với nội dung con bài.

Bài chòi một thời phổ biến rộng khắp Nam Trung Bộ nhưng cùng với thăng trầm lịch sử, hoạt động cổ xưa nhất của Bài chòi là hội đánh Bài chòi đã bị gián đoạn nhiều chục năm. Hiện nay mới chỉ có Bình Định là địa phương phục hồi thành công và tổ chức được Hội đánh Bài chòi dân gian theo hình thức cổ. Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nguyễn An Pha cho biết: Hội đánh Bài chòi Bình Định xưa kia chỉ diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán, người đi dự hội, tham gia hội chơi là để thưởng thức các Hiệu diễn xướng, hô Bài chòi, mong trúng thưởng và cầu may, cầu lộc đầu năm.

Nghệ nhân Minh Đức (huyện An Nhơn) bồi hồi: "Xưa kia gia đình tôi có gánh tuồng, nhưng tôi lại rất mê Bài chòi, cứ Tết đến lại hay trốn đi hô Bài chòi. Mấy chục năm qua không còn có hội Bài chòi nữa nhưng những câu thai vẫn còn ngấm vào trong máu nên tôi vẫn còn thuộc. Bây giờ tỉnh đã phục hồi, chúng tôi lại có nhiều cơ hội được tham gia những hội đánh Bài chòi".

Cũng giống như những câu Quan họ thiết tha gọi mùa xuân về với Kinh Bắc, những nhịp trống, tiếng đàn, những câu hô thai trong hội đánh Bài chòi dân gian sẽ đem đến cho dải đất miền trung không khí rộn ràng của mùa xuân mới.