"Lặp lại chính mình"
Theo BTC Festival Huế 2014, đây là lần đầu tiên quy tụ hơn 60 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tham dự. Ngoài những con số ấn tượng về số lượng diễn viên, nhạc công, Festival Huế dự kiến cũng thu hút một lượng khách du lịch khổng lồ, cho dù đến phút cuối Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra quyết định tăng chuyến đến Huế vì lượng khách không tăng đột biến... Có lẽ những con số nói trên được BTC đưa ra, nhằm khẳng định "thương hiệu" cũng như sự hấp dẫn của Festival Huế với du khách.
Tuy nhiên với những gì đã trình diễn trên sân khấu khai mạc, những nhà tổ chức Festival Huế 2014 đã làm cho nhiều người ở Huế, quan tâm đến Festival Huế, lo lắng. Đến mức, tại Tọa đàm xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch do Ban điều phối vùng duyên hải miền trung cùng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hôm 13-4 vừa qua, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân phải thốt lên "quá trẽn cho Huế".
Sự "trẽn" này sau đó đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa mổ xẻ là do các nhà tổ chức hoặc chưa thấu đáo, hoặc quên, hoặc biết chưa hết, không nắm rõ văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam nên đã chọn tiết mục có phần ngẫu hứng, thiếu liên kết. Cụ thể như tiết mục Vũ Phiến (Nhã nhạc cung đình Huế) là điệu múa không gây xung đột, không có cao trào, thiếu điểm nhấn nếu so với Nữ tướng xuất quânnhưng vẫn được sử dụng. Hoặc một số tiết mục biểu diễn đờn ca tài tử, quan họ... lẽ ra sẽ rất hay nếu được diễn ở thính phòng, không gian nhỏ, hơn là kéo lên một sân khấu lớn, đồ sộ - mà bản thân sân khấu lại phô diễn kỹ năng chạm khắc, thể hiện họa tiết hơn là hỗ trợ biểu diễn. Việc chọn bài hát về Huế cũng bị những người làm văn hóa ở Huế phản ứng gay gắt, bởi tác phẩm, tác giả khó có thể đại diện cho một lớp nghệ sĩ, nhạc sĩ ở Huế khi ở đây đã có một tên tuổi "sừng sững" như Trịnh Công Sơn... Ngoài "va vấp" về lựa chọn tiết mục, những nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến vấn đề "lặp lại chính mình" trước tình trạng lạm dụng người mẫu, pháo hoa trên sân khấu khai mạc Festival Huế 2014.
Để danh hiệu không chỉ là... danh hiệu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH,TT-DL Thừa Thiên-Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho rằng, lễ khai mạc Festival Huế 2014 có nhiều "sạn" là hệ quả tất yếu của một quá trình rất dài. Mà nguyên nhân là do lâu nay tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Huế mới chỉ nỗ lực "phấn đấu" tổ chức Festival năm sau "hoành tráng" hơn năm trước, năm sau nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều nước tham gia hơn năm trước... hơn là xây dựng những chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai 10 nhiệm vụ xây dựng thành phố Festival mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào năm 2007.
Cũng bởi vì thành tích "sau nhiều hơn, đông hơn trước" nên trong số khoảng 100 chương trình biểu diễn tại Festival Huế 2014, có một số chương trình không thu hút được người xem, mà nguyên nhân cũng chỉ do Ban tổ chức không biết "lắc đầu" từ chối. Việc quá nhiều đoàn nghệ thuật có kỹ năng "tầm tầm hạng trung" xuất hiện tại Festival Huế đang khiến người theo dõi liên tưởng đến câu chuyện thể thao thành tích cao như SEA Games bỗng chốc trở thành giải... phong trào.
Ông Hoa nói: "Chủ trương của Chính phủ chỉ còn thời hiệu thực hiện đến năm 2015, vậy nhưng hình ảnh Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam - chỉ hiển hiện vào mỗi kỳ Festival, theo một mô hình và công nghệ đã được định hình, đôi lúc đã trở thành quá quen thuộc, trong bối cảnh hoạt động Festival đang ngày càng phổ cập đến mức gần bão hòa ở Việt Nam.
Chủ trương của Chính phủ về xây dựng tại Huế một trung tâm nghiên cứu văn hóa cung đình và di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam chưa ai triển khai; đội ngũ đạo diễn, tổng đạo diễn, người sáng tác, chuyên viên sân khấu, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật biểu diễn tại chỗ ngày càng ít...; Bộ máy điều hành, tổ chức hoạt động Festival đang bị hành chính hóa, thiếu vắng những con người có tố chất văn hóa, có trình độ nghiệp vụ sâu, ngày càng phụ thuộc vào việc thuê chuyên gia bên ngoài. Người dân Huế - chủ thể của Festival Huế - được chia sẻ lợi ích từ Festival Huế chưa nhiều, nên chưa thật sự gắn kết".
Nhìn rộng hơn, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Festival Huế nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí xây dựng Huế thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam, TS Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho rằng, Huế còn phải làm nhiều việc. Trong đó cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, du lịch ở Thừa Thiên - Huế. Đồng thời nên thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn để giúp lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Huế trong các quyết sách liên quan đến văn hóa và du lịch. Hội đồng này phải tập hợp những người có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín và đạo đức nghề nghiệp. Họ phải được lắng nghe, được trao trách nhiệm và có thực quyền đối với trách nhiệm đó.