Tìm hình thức mới, lạ
Có thể khẳng định, 29 tiết mục tham gia Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc - 2021 đã có không ít tiết mục đạt được tiêu chí cũng như kỳ vọng mà Ban tổ chức cuộc thi đặt ra, đó là khuyến khích các tiết mục mang tính thử nghiệm, có sự sáng tạo độc đáo về nội dung và hình thức mới lạ. Chủ tịch Hội đồng giám khảo, NSND Tạ Duy Ánh nhận định: "Rất đáng mừng vì cuộc thi xuất hiện nhiều cái mới đáng ghi nhận. Ðặc biệt là cách dàn dựng và thể hiện ở nhiều tiết mục dự thi rất sáng tạo, tiết mục không chỉ đạt được kỹ thuật tốt mà phong cách dàn dựng và biểu diễn cũng rất mới mẻ, hấp dẫn. Nhiều tiết mục xiếc thú như lợn, chó, mèo, dê… đã mang tới cho cuộc thi những trải nghiệm thú vị, bất ngờ và ấn tượng".
Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc - 2021 là cuộc thi đầu tiên thực hiện Ðề án "Tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2021 - 2023" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ nay ngành xiếc sẽ có hai cuộc thi theo thông lệ ba năm/lần, đó là Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc - 2021 và Liên hoan Xiếc quốc tế. Những tiết mục đoạt giải tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc - 2021 sẽ tiếp tục được các nghệ sĩ khổ công rèn luyện để vững vàng tham gia Liên hoan Xiếc quốc tế.
Giữ lửa nghề cho nghệ sĩ
Sự chênh lệch lớn giữa trình độ biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trung ương, Hà Nội với đoàn các địa phương là điều dễ cảm nhận ở các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp của xiếc. Tuy nhiên, để khắc phục những điểm yếu về nguồn nhân lực, lần này các đoàn xiếc địa phương như TP Hồ Chí Minh, Long An đã biết cách bồi đắp cho các tiết mục tham gia dự thi của mình bằng việc chọn chủ đề nội dung và sự tham gia của tập thể trong phần diễn minh họa, giúp cho tiết mục của các đơn vị này có thêm sự phong phú, nhiều màu sắc. Thí dụ như xiếc Long An đã biết khai thác sự mộc mạc từ văn hóa địa phương từ giai điệu âm nhạc, trang phục và lối diễn dung dị đã lấy được tình cảm của khán giả. Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc Việt Nam rất nỗ lực tạo nên những dấu ấn riêng với sự xuất hiện khá tự tin, bản lĩnh trong nghề nghiệp của các diễn viên tuổi nghề còn rất trẻ. Những tiết mục tập thể của Trường Xiếc đã mang một phong cách dàn dựng khá mới từ việc xử lý không gian sân khấu, âm thanh, ánh sáng và cả phong cách thể hiện. Liên đoàn Xiếc Việt Nam với vai trò là "anh cả" trong làng xiếc Việt cũng đã tham gia tới 12 tiết mục, trong đó nổi bật là các tiết mục tập thể không những được dàn dựng công phu mà trình độ biểu diễn của các nghệ sĩ cũng đạt đẳng cấp cao.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Tôi thấy rất mừng khi cuộc thi lần này xuất hiện xu hướng dàn dựng sáng tạo, mới mẻ, đồng thời các đơn vị đều rất ý thức để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật mang tính hấp dẫn, có sức hút cho khán giả ở mọi đối tượng. Tôi rất mong sau cuộc thi sẽ có sự bắt tay phối hợp dàn dựng các chương trình cũng như tập huấn rèn luyện cho nghệ sĩ. Mong rằng các địa phương như tỉnh Long An sẽ tạo điều kiện cho nghệ sĩ được ra Hà Nội tập huấn để nâng cao kỹ năng biểu diễn, đồng thời, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng sẵn sàng hỗ trợ cho đoàn bạn xây dựng chương trình nghệ thuật mới. Sự hợp tác này sẽ giúp cho hai đơn vị vừa không tốn kém về kinh phí và làm phong phú cho kịch mục biểu diễn của cả hai đơn vị".
So với các loại hình nghệ thuật khác, các nghệ sĩ xiếc không có cuộc thi tài năng trẻ, bởi lẽ, bản thân loại hình nghệ thuật xiếc đã mang đặc thù riêng, diễn viên phải trẻ, khỏe mới có thể biểu diễn được trên sân khấu. Gian nan khổ luyện, nhưng những hạn chế về chế độ đãi ngộ và tương lai nghề nghiệp đang là trở lực lớn với nhiều tài năng xiếc trên con đường nghệ thuật. Ðể nghệ thuật xiếc Việt Nam tiếp tục thăng hoa, đổi mới và sáng tạo, rất cần sự quan tâm xây dựng các chính sách đào tạo dài hơi phù hợp đặc thù của nghệ thuật xiếc, như: chính sách phát hiện tài năng nghệ thuật, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật, chính sách sử dụng và đãi ngộ tài năng nghệ thuật để đào tạo được đội ngũ diễn viên có trình độ xây dựng được những tiết mục xiếc đỉnh cao.