Nhạc viện đồng quê

Có lẽ "Nhạc viện đồng quê" ở xã Ninh Mỹ (Hoa Lư - Ninh Bình) là một địa chỉ đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Thành viên là những em nhỏ trong vùng, yêu và có năng khiếu âm nhạc tụ hội về học miễn phí. "Hiệu trưởng", cũng là người thầy yêu đời Phạm Quyết Thắng, dành nhiều tâm huyết dạy bao lớp học trò thành tài.

Thầy và trò cùng hát cho nhau nghe.
Thầy và trò cùng hát cho nhau nghe.

1.Lớp học lạ lắm, toàn học trò con em nông dân lam lũ, có em vừa chăn trâu cắt cỏ vừa đi học. Một số nhận thức được học để thành tài, thi vào các trường văn hóa, nghệ thuật. Một số học để biết, nhưng cũng có em học để quên những trò nghịch dại, chứng nghiện game. Và hơn thế, một số ông già, trẻ em đến học để làm giàu có đời sống văn hóa tinh thần, chữa bệnh...

Có người nói vui: Xã Ninh Mỹ với "lò thầy Thắng" đã chắp cánh cho khá nhiều học sinh có năng khiếu, làm vui cho một vùng quê, góp phần tạo nên sự bình yên và không khí khuyến học, khuyến tài bằng cách kết hợp với Hội Khuyến học của xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Nhưng "lò" này thực ra rất giản dị, là không gian vườn, ao nhỏ và những lớp học có bàn ghế, có đàn, cũng chính là nơi sinh hoạt của gia đình thầy Thắng. Học sinh muốn học chẳng cần thi cử, không cần lệ phí, càng chẳng phải chạy chọt, mua điểm. Đến "Nhạc viện đồng quê" là tự nguyện, học tự nguyện, dạy tự nguyện, mục tiêu chung là khơi dậy tình yêu âm nhạc mỗi học viên, bồi dưỡng năng khiếu, góp phần làm đẹp cho đời.

Lý do ra đời "nhạc viện" xuất phát từ niềm đam mê của thầy Thắng. Đó là sau khi nghỉ hưu ngành lâm nghiệp, về quê, ông chơi đàn oócgan và vi-ô-lông giải khuây. Các con thích, rủ bạn đến nghe. Trẻ con hàng xóm biết cũng tìm đến, đứa nào cũng chăm chú. "Tôi nghĩ, âm nhạc phải có cái gì đó quyến rũ thì bọn trẻ mới say sưa nghe tôi chơi nhạc như vậy. Thế là tôi dạy, lúc đầu chỉ cho con và bạn của con, sau đó các em rủ nhau đến xin học ngày càng đông", thầy Thắng cho biết.

Song, nếu chỉ dạy như thế thì chưa chuyên nghiệp. Thầy Thắng nghĩ đến một mục đích cao hơn, hướng cho các em có kỹ năng, bồi dưỡng đam mê để sau này có thể thi vào ngành nghệ thuật, thành những nghệ sĩ đóng góp công sức vào nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Năm 1995, lớp học đầu tiên được mở, dạy miễn phí cho hơn 30 em, lấy tên là "Trung tâm học tập cộng đồng". Lớp học không đủ nhạc cụ thực hành, thầy "hiệu trưởng" thắt lưng buộc bụng cũng chỉ đầu tư được thêm hai chiếc oóc-gan. Đích thân thầy dùng chiếc xe máy cũ kỹ, lặn lội khắp nơi tìm xin hoặc mua rẻ vi-ô-lông, oócgan và đàn pi-a-nô cũ về sửa chữa cho học trò dùng. Để dạy cho các em nhỏ hiểu về âm nhạc, chơi được nhạc của Mô-da, Bét-tô-ven... không phải là điều dễ dàng. Ông đã tự soạn một bộ giáo án dễ hiểu, dạy cho các em học từ nhạc lý đến những bản nhạc dễ, sau nữa là các bản nhạc khó hơn.

2.Chuyện ra đời cái tên thật "oách" xuất phát từ lần một vị khách phương xa đến thăm, thấy tâm huyết của thầy, khao khát của trò nên tặng trung tâm tên: "Nhạc viện đồng quê". Thầy Thắng thấy hay, xin luôn và bàn với những người bạn tâm huyết mở rộng, thu nhận thêm học trò, kẻ biển ngoài cổng. Từ các em nhỏ đến các cụ già, miễn là có đam mê, nhu cầu đều có thể đến học.

Từ Hà Nội, GS, TS Nguyễn Đình Lạp (75 tuổi) nghe tiếng, vào học thầy Thắng hai tháng trời. Vị giáo sư tâm sự, trước đó ở Hà Nội, ông thấy người mệt mỏi, kém ăn. Nghe tin có thầy giáo dạy âm nhạc ở Ninh Bình, mà rất nhiều nhà sư, ca đoàn của Nhà thờ Công giáo, các cụ già trong xã đều đến học. Ông cùng với người vợ tìm đến. Sau một thời gian thấy người khỏe ra, ăn tốt, đầu óc sảng khoái. Giáo sư nói: "Âm nhạc đúng là có điều gì đó vô cùng kỳ diệu. Không gian ở Nhạc viện đồng quê tốt, thời gian ở đây như là một phương thức tập thể dục toàn diện. Mắt, chân, tay đều hoạt động, đầu óc thì thẩm thấu. Cho nên các cụ già đến học cho đầu óc minh mẫn cũng là điều tốt. Học nhạc không chỉ luyện năng khiếu mà còn luyện đức, luyện tài".

Trước đó, cụ Trần Doanh, 84 tuổi, nguyên là giảng viên của Trường đại học Nông nghiệp I, quê ở Ý Yên (Nam Định) cũng thường đạp xe 20 cây số để học nhạc. Thấy cụ vất vả, thầy Thắng mời cụ "nội trú" luôn nhà mình. Cụ Doanh bảo, đã học là mê say và cũng từ đó, sức khỏe cụ được cải thiện.

"Nhạc viện" phát triển dần, những chiếc đàn cổ lỗ năm trước cũng phải thay thế dần. Đến nay cơ sở có 10 pi-a-nô, 10 vi-ô-lông, 20 oóc-gan, vài chục đàn ghi-ta. Năm 2001, ông Nguyễn Văn Bôi, một người bạn từ xứ Thanh cũng có năng khiếu âm nhạc, ra "Nhạc viện" cùng chung vai gánh vác. Thầy Thắng bố trí thời gian dạy tin học, văn hóa cho một số học trò khác.

Sau gần 20 năm ra đời, "Nhạc viện đồng quê" đã vượt qua bao khó khăn. Ban đầu, nhiều người không khỏi xì xào về việc làm có vẻ không thực tế của thầy Thắng. Giữa một vùng quê quanh năm chỉ cấy lúa, làm ruộng, lại mọc lên cơ sở có phần xa xỉ so với thực tế cuộc sống của người dân. Dần dần, thầy Thắng đã làm cho người dân tin tưởng vào ý tưởng và việc làm của mình, bằng thực chất rất ý nghĩa của nó. Đó là khiến cho hơn 100 em học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành nghệ thuật, đã làm cho nhiều em hư hỏng, khó dạy trở nên ngoan ngoãn, có ý chí, đã làm cho người già sống vui, sống khỏe hơn.

3.Ngày nào "Nhạc viện" cũng du dương đàn hát, nhưng đông đúc nhất vẫn là vào dịp hè và những ngày xuân. Thầy Phạm Quyết Thắng kể: "Năm nào học trò cũng về thăm thầy vào dịp cuối năm, Tết đến, vui lắm. Cũng có khi cả nhóm cùng rủ nhau đến chơi đàn với thầy, thắp lên không khí xuân ấm cúng. Khách phương xa cũng đến thăm cơ sở nhiều hơn vì họ thấy chúng tôi tuy ít nhân lực, nhưng làm việc có trách nhiệm và chất lượng".

Tôi hỏi: "Dành nhiều thời gian cho học trò, ông cũng chẳng tư lợi, vậy cái được của ông là gì?". Chẳng cần đắn đo, thầy trả lời: "Cái được của tôi là sự yêu mến của học trò, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh. Sau đó là thành quả mà các em đạt được. Có gia đình bố học tôi, con học tôi. Rồi lại có năm anh em ruột cùng đến học và đã trở thành những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Niềm vui của tôi cứ nhân lên từng ngày như thế!".

Vâng, thành quả của thầy Thắng là tạo ra nhiều hạt nhân cho các trường văn hóa nghệ thuật, chắp cánh ước mơ cho các em. Ở một vùng quê, làm được như thế thật đáng trân trọng. Những ngày cuối năm 2013, về thăm "Nhạc viện đồng quê", tôi cũng được thầy Thắng và các học trò đãi món âm nhạc. Thật bất ngờ, rất nhiều em bé có bàn tay thô ráp, còn dính bùn lầy có thể chơi được Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, kéo vi-ô-lông. Dòng nhạc cứ ngân lên, cất lên giữa một vùng quê yên bình. Tôi thấy mùa xuân đang lan tỏa trong từng nốt nhạc, từng ước mơ và tràn trề trong không gian rất đỗi bình dị này.

Nhiều người thích đến với "Nhạc viện đồng quê" không chỉ bởi chất lượng đào tạo, sinh ra nhiều học sinh, sinh viên tốt, mà còn là sự nồng ấm về tình người. Thầy Thắng luôn tạo được không khí sôi nổi, gần gũi như ở một đại gia đình nền nếp và văn hóa.