Những quyết định thiếu căn cứ
Câu chuyện nóng và gần nhất là việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã "tuýt còi" với Văn bản số 131 về việc tạm dừng cho phép Diễm Hương tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, dẫn tới việc Cục Nghệ thuật biểu diễn đang phải hủy văn bản này và tìm cách thay thế bằng một văn bản khác để phù hợp với thực tế tình hình. Theo đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Văn bản số 131 được ban hành xuất phát từ vụ việc hoa hậu Diễm Hương không trung thực khi kê khai lý lịch cá nhân, lấy giấy chứng nhận là chưa kết hôn vào năm 2012 (trong khi đã kết hôn năm 2011) nhằm mục đích tham dự Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2012. Cục NTBD đã có Văn bản số 121 ngày 5-3 gửi Diễm Hương và Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn yêu cầu báo cáo, giải trình về những nội dung báo chí phản ánh trước ngày 7-3. Tuy nhiên, Diễm Hương cố tình né tránh, không giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù vẫn xuất hiện trả lời báo chí và đi đóng phim. Đơn vị tổ chức thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 cũng không phúc đáp. Vì vậy, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành văn bản tạm dừng cho phép Diễm Hương tham gia hoạt động nghệ thuật.
Vụ việc Hội đồng xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Rồng Việt, buộc Cục trưởng Cục NTBD ra quyết định thu hồi quyết định thu hồi giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013 là sự kiện "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận. Những sai phạm của Công ty Rồng Việt trong khâu tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển đã rất rõ ràng, như: Tiếp nhận hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi không đúng quy định (nhiều thí sinh thi nhưng không nộp hồ sơ, hoặc có hồ sơ nhưng không đầy đủ, viết đơn đăng ký nhưng không ký tên...); Không cung cấp được phiếu chấm điểm thí sinh và bảng tổng điểm của các thí sinh được lựa chọn vào vòng tiếp theo; Tổ chức thi sơ tuyển tại ba khu vực nhưng không thành lập Ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi; Sau khi tổ chức xong vòng sơ tuyển, Ban tổ chức mới ban hành quyết định thành lập Ban giám khảo; Không tổ chức vòng thi bán kết theo quy định trong đề án cuộc thi... Tuy nhiên, theo phán quyết của tòa án, Nữ hoàng biển là cuộc thi cấp vùng, và trong hệ thống các văn bản pháp lý liên quan lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, không có quy định nào thể hiện việc Cục NTBD có thẩm quyền thu hồi giấy phép của cuộc thi.
... và những "lỗ hổng" pháp lý
Những việc làm mang tính chất "mạnh tay" của Cục NTBD trong việc xử lý những sai phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, như: quyết định xử phạt hành chính đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng; tạm đình chỉ biểu diễn, trình diễn đối với một số người mẫu như Phương Trinh, Bà Tưng; thu hồi quyết định tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam... đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, hai vụ việc trên lại cho thấy sự lúng túng và những "lỗ hổng" không nhỏ của hệ thống các văn bản quản lý nhà nước.
Nghị định 79 và Thông tư 03 là hai "cây gậy pháp lý" của nhà quản lý trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật mới có hiệu lực một năm. Song, bên cạnh những tác động tích cực, hai văn bản này đã nhanh chóng lỗi thời, bộc lộ nhiều hạn chế, lỗ hổng cần phải được điều chỉnh, như: vẫn tồn tại việc cho mượn, thuê giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Quy định trước khi chương trình được công diễn phải được hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình. Tuy nhiên, năng lực của các địa phương không phải khi nào cũng đáp ứng được, các quy định khung về hình thức, hoạt động, thành viên của hội đồng này vẫn chưa có sự thống nhất trên toàn quốc. Cần có quy định cụ thể hơn đối với những trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật không bán vé, tránh biểu diễn trá hình tại các phòng trà, quán bar, không bán vé xem biểu diễn nhưng thu tiền qua dịch vụ, đồ uống...
Lý giải về việc cần sớm sửa đổi Thông tư 03 và Nghị định 79, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn thừa nhận: "Trong thông tư và nghị định còn nhiều điều chúng ta chưa đưa vào. Cũng cần nhìn thẳng vào thực tế là khả năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng văn bản, những người soạn thảo chưa dự báo được thực tiễn đời sống nên chỉ một thời gian là bắt buộc phải sửa đổi".
Là một lĩnh vực có tác động xã hội đặc biệt, "trám" lại những kẽ hở trong các văn bản luật về nghệ thuật biểu diễn đang là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý ngành nghệ thuật biểu diễn tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để những văn bản pháp lý có "đời sống" lâu dài, các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa năng lực xây dựng văn bản pháp lý. Vừa tạo điều kiện cho nghệ thuật thăng hoa, thúc đẩy khả năng sáng tạo, vừa ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, đồng thời, tăng cường khả năng dự báo cho sự phát triển của đời sống đang là những đòi hỏi đặt ra đối với công tác xây dựng văn bản pháp luật của lĩnh vực nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống.