Những xu hướng mới của nhạc Việt

Nhìn vào đời sống nhạc Việt hiện nay, đang có những tín hiệu cho thấy sự hình thành một số xu hướng mang đậm dấu ấn sáng tạo của nghệ sĩ, và đề cao chất lượng nghệ thuật.

Những xu hướng mới của nhạc Việt

Làm "mềm" nhạc đỏ

Lâu nay, nhiều người hay hiểu một cách mặc định: Những ca khúc cách mạng là có âm hưởng hoành tráng, nhịp điệu hối thúc và chỉ phù hợp với giai đoạn đấu tranh. Tuy nhiên, thực tế là dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng ký ức vẫn còn vẹn nguyên. Và như thế, thể hiện nhạc cách mạng trong âm hưởng nhẹ nhàng hoặc thật sang trọng với sự cộng hưởng của cả phần hòa âm cùng giọng hát là cách làm "đánh trúng" nhu cầu của công chúng hiện đại.

Một trong những nghệ sĩ thực hiện xu hướng này khá thành công là ca sĩ Lan Anh (ảnh). Chỉ nhìn vào cái tên "Tình ca xanh" mà "giọng ca vàng" dòng cách mạng đặt cho một album phát hành gần đây cũng đủ thấy "tuyên ngôn" nghệ thuật của chị. Bất ngờ hơn, giọng bass số một của nghệ thuật opera Việt Nam, NSƯT Quốc Hưng, vừa ra mắt album "Những bản tình ca đỏ" cũng với những âm hưởng nhẹ nhàng, dễ nghe. Cùng đó, những ca khúc vang bóng một thời như Bài ca không quên, Đất nước... cũng được các nhạc sĩ uy tín hiện nay hòa âm theo phong cách trữ tình nhạc nhẹ, và được NSƯT Quốc Hưng thể hiện tràn đầy màu sắc tự sự trữ tình.

Như vậy, có thể coi việc làm "mềm" nhạc cách mạng, với những sự thay đổi về cả màu sắc dòng nhạc lẫn phong cách nghệ sĩ, là một xu hướng. Xu hướng này xuất hiện như một điều tất yếu, góp phần nối dài sức sống cho dòng nhạc xứng đáng được trường tồn này.

Làm sang nhạc xưa - sến!

Ở dòng nhạc thị trường, nhiều năm qua, khi nhạc trẻ với chất lượng còn nhiều vấn đề đang hoành hành thì một bộ phận nghệ sĩ đã tìm trở lại với những ca khúc "nhạc xưa", tức nhạc lãng mạn trữ tình xuất hiện từ thời kỳ đầu tân nhạc cho tới trước năm 1975. Nhiều tới mức, hầu như ca sĩ nào theo đuổi nghề nghiệp được vài năm là cũng hát một vài bài nhạc xưa. Thậm chí, mấy năm gần đây xuất hiện những cái tên khá thành công gắn hẳn với nhạc xưa như ca sĩ Lệ Quyên, Tuấn Hiệp...

Đáng chú ý, ngày càng nhiều nghệ sĩ chọn cách làm sang những bản nhạc xưa trữ tình, đôi khi mang màu sắc tự sự buồn, bằng việc chọn phong cách phối khí sang trọng, khai thác âm hưởng thính phòng tạo nên những bản nhạc giàu chất lượng nghệ thuật. Đỉnh cao của cách làm này chính là sản phẩm của hai nghệ sĩ nhạc nhẹ hàng đầu: Thanh Lam - Tùng Dương. Họ vừa tung ra album "Yêu" với những ca khúc nhạc xưa hòa âm hoàn toàn theo phong cách cổ điển, từ kiểu hát đến cách dàn nhạc giao hưởng thể hiện.

Dù chỉ là những tác phẩm cũ, nhưng với những yếu tố mới được nhiều ca sĩ lựa chọn, có thể coi đây là một xu hướng tích cực đang dần hình thành trong đời sống âm nhạc đại chúng. Chính điều này đã tạo nên những âm hưởng rất mới cho dòng nhạc xưa, vốn được coi là bình dân, thậm chí còn gọi là "sến", góp phần giúp công chúng nhìn nhận đúng giá trị nghệ thuật của những ca khúc đó.

Xu hướng "cái tôi"

Còn một xu hướng dù, chỉ mới manh nha và chưa thật sự hình thành nhưng vẫn rất đáng được nhắc tới, đã xuất hiện trong thời gian vừa qua, tạm gọi là xu hướng "cái tôi".

Không còn đơn thuần là việc chiều lòng khán giả, người nghệ sĩ theo xu hướng này đã biến âm nhạc, biến sở trường của mình thành một thứ ma lực hút khán giả trôi theo. Có nghĩa là, nghệ sĩ là người chủ động dẫn dắt người nghe vào thế giới âm nhạc và đủ sức định hướng thẩm mỹ âm nhạc theo cách của mình. Tất nhiên, để làm được điều đó phải là một nghệ sĩ thực tài. May mắn là thời gian vừa qua đã có tới hai hoạt động đáng chú ý mở ra xu hướng này. Đó chính là liveshow "Độc đạo" của ca sĩ Tùng Dương và liveshow "Cánh cung" của nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Thông qua dự án cộng tác với nhạc sĩ Pháp gốc Việt Nguyên Lê cùng các cộng sự của ông, Tùng Dương dẫn dắt người nghe bằng thứ âm nhạc đầy ma mị và quyến rũ của mình trên nền âm hưởng world music trong dự án chương trình "Độc Đạo". Có thể coi đây là một khuynh hướng mới mang dấu ấn của Tùng Dương và Nguyên Lê. Nó chưa hẳn là world music, vì dòng nhạc này khai thác nhạc điện tử và âm nhạc các tộc người, trong khi "Độc đạo" không sử dụng đơn thuần âm nhạc cổ dân tộc mà thể hiện những ca khúc đương đại, cho dù những ca khúc ấy vẫn có chứa đựng chất liệu của dân tộc. Tuy nhiên, phần nhạc nền do Nguyên Lê thực hiện lại hoàn toàn là âm hưởng của world music. Điều này đã giúp Tùng Dương biến không gian của Nhà hát lớn trong đêm diễn trở thành một "thánh đường" âm nhạc.

Với Đỗ Bảo cũng vậy, nhạc sĩ tài năng này đã thoải mái khai thác những âm hưởng mới lạ của âm nhạc vào tác phẩm, có thể là chillout, newage, pop reagee hay chất liệu fusion alternative... và rồi mặc nhiên cuốn người nghe vào thế giới âm nhạc của mình. Đỉnh điểm chính là những ca khúc nằm trong album "Cánh cung 3 - Chuyện của mặt trời - chuyện của chúng ta" và liveshow "Cánh cung" ra mắt cuối năm 2013.

Tất nhiên, để tạo được "cái tôi" mới mẻ đủ sức cuốn hút, cả Tùng Dương và Đỗ Bảo đã phải trải qua một quá trình dài hoạt động nghệ thuật và từng bước chinh phục khán giả. Từ chỗ thể hiện những thứ khán giả thích đến thể hiện những gì mình thích là cả một nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ. Âm nhạc luôn cần, rất cần những xu hướng cùng những nghệ sĩ có đủ tài năng tạo ra xu hướng như vậy.