GS Nguyễn Văn Huy: Di sản đô thị đang "vướng" ở tầm nhìn!

Phố cổ Hà Nội. Công trình kiến trúc mang phong cách Pháp thuộc địa. Và gần nhất là trường hợp cầu Long Biên. Hàng loạt câu chuyện liên quan tới những kiến trúc đô thị ấy đang cùng hướng về một câu hỏi: Tại sao chúng ta luôn lúng túng trong việc khai thác - bảo tồn một quỹ di sản vô cùng giá trị?

Ảnh:ANH TUẤN.
Ảnh:ANH TUẤN.

Thêm một lần nữa, những tranh cãi gay gắt quanh ý tưởng di dời cầu Long Biên trong tuần qua khiến người ta nhớ tới đặc trưng rất riêng của loại hình di sản này: vừa là chứng nhân lịch sử - văn hóa, vừa đang được khai thác sử dụng để đáp ứng nhu cầu thực tế trong cuộc sống hiện đại Không dễ dàng luật hóa việc bảo vệ như các di tích đền, chùa, miếu truyền thống, tính chất "di sản mềm" ấy đang đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp cho bài toán "bảo tồn - phát triển".

GS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) có cuộc trao đổi về vấn đề này. Ông nói:

- Những di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội vô cùng phong phú và đa dạng nhất ở nước ta. Và nói công bằng, không phải chúng ta thiếu ý thức về giá trị của nguồn di sản ấy. Điều đáng nói là khoảng cách giữa ý thức và cách hành động trên thực tế.

Dư luận đang nói rất nhiều về trường hợp cầu Long Biên. Trước đó là chuyện khai thác lãng phí những biệt thự từ thời Pháp, hoặc chuyện lúng túng hàng chục năm để giải bài toán bảo tồn phố cổ. Nhưng mở rộng ra, di sản kiến trúc đô thị không chỉ có những công trình mang đậm tính nghệ thuật như thế. Có rất nhiều thứ khác mang đậm dáng dấp Hà Nội trong hơn một thế kỷ qua, nhưng đã bị phá bỏ đi rồi.

GS Nguyễn Văn Huy: Di sản đô thị đang "vướng" ở tầm nhìn! ảnh 1

Chẳng hạn, tôi tiếc vô cùng những nhà máy cũ từ thời Pháp như nhà máy Rượu, nhà máy Điện, nhà máy Nước. Những công trình ấy là một phần của lịch sử, đánh dấu thời điểm chúng ta lần đầu tiên tiếp xúc với công nghiệp phương Tây. Hoặc như trường hợp nhà tù Hỏa Lò. Một di tích đặc biệt, thấm đẫm hơi thở lịch sử như vậy đã bị phá đi phần lớn và chỉ giữ lại một phần không hề tương xứng...

- Ông có thể phân tích rõ về sự "không tương xứng" trong trường hợp này?

- Bên cạnh những đặc điểm về kiến trúc của một nhà tù Pháp, Hỏa Lò mang theo nó hàng nghìn câu chuyện trong mỗi phòng giam. Chuyện về những người yêu nước thời kỳ thuộc địa, thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Chuyện của những phi công Mỹ từng bị giam trong "Hilton Hà Nội" - bao gồm cả thượng nghị sĩ John Mc Cain. Rồi chuyện của những tội phạm lớn trong lịch sử Hà Nội thời hiện đại. Ngần ấy yếu tố đủ để tôi tin rằng được bảo tồn như nguyên trạng Hỏa Lò sẽ vừa là một di tích lịch sử hoàn chỉnh, vừa mang về nguồn lợi du lịch rất lớn từ khách tham quan.

Chuyện của Hỏa Lò là minh chứng điển hình cho cách làm của chúng ta: Có ý thức đấy, nhưng lại đầu tư bảo tồn không hề tương xứng. Nếu muốn có những thí dụ khác, tôi có thể kể tới hàng loạt địa chỉ là di tích cách mạng đang được lưu giữ. Ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm, nơi Tổng Bí thư Trần Phú viết dự thảo "Luận cương chính trị" chẳng hạn. Kiến trúc Pháp đẹp như vậy, giá trị lịch sử lớn như vậy, nhưng bây giờ lại trở thành trụ sở của một cơ quan Hà Nội, còn phần bảo tồn chỉ là... cái hầm mà ông Trần Phú từng ngồi.

Dù lớn dù nhỏ, những kiến trúc gắn với lịch sử như vậy trên thế giới đều được lưu giữ. Và họ có cách khai thác hợp lý để vừa bảo tồn được yếu tố văn hóa, vừa "hái ra tiền" từ những du khách nườm nượp kéo tới xem. Còn chúng ta cũng bảo tồn đấy, nhưng lại theo cách vô cùng thiếu hợp lý. Và không hợp lý, không mang lại nguồn lợi kinh tế nên người ta dễ nghĩ rằng giá trị của nó chỉ là lưu giữ truyền thống thôi, sử dụng thêm vào mục đích khác cũng không sao...

- Có nghĩa, vấn đề ở đây là sự chuyên nghiệp trong cách làm của chúng ta?

- Có rất nhiều, rất nhiều câu chuyện liên quan tới cách khai thác. Nói vắn tắt, để khai thác những di sản đặc biệt ấy, trình độ chuyên môn và sự nhạy bén sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cách làm. Có di sản trong tay nhưng lại quản lý theo kiểu bao cấp, không chịu áp lực về thu hút khách du lịch, thu hút kinh phí để tái đầu tư cho bảo tồn thì mọi thứ vẫn sẽ dừng ở những "di sản chết".

Có những chuyện rất nhỏ, nhưng chúng ta lại không làm. Vài năm trước, tôi từng đến di tích nhà tù Côn Đảo và rất ngạc nhiên khi thấy người ta đang thay một cái cửa sắt đã mất. Thay theo kiểu cứ nhìn khung cửa trống rồi tự làm và lắp vào mà không cần biết nguyên bản có đặc điểm thế nào. Hoặc, cả nhà tù Côn Đảo lẫn di tích Hỏa Lò hiện đều đã được quét lớp sơn mới trong các phòng giam. Quét mới như vậy là xóa luôn lớp sơn cũ của thời gian, xóa hàng loạt vết chữ, vết máu, nét khắc của những tù nhân từng để lại.

Câu chuyện cầu Long Biên mà chúng ta đang bàn cãi cũng vậy. Bảo tồn nó như một di sản đặc thù của Hà Nội thì đành rồi, nhưng chúng ta sẽ làm thế nào để Long Biên trở thành nơi thu hút khách tham quan tới xem, chứ không phải một cây cầu bị "bỏ hoang" giữa Thủ đô? Khoảng cách hàng nghìn mét của cây cầu không phải là quá dài để du khách "lười" bước theo nó đâu, nếu người ta tìm được cách khai thác hấp dẫn và trưng bày phù hợp về giá trị tư liệu lịch sử văn hóa, về câu chuyện của các thế hệ, của mỗi con người gắn với cây cầu này, cũng như cảnh quan đặc trưng gắn với dòng sông Hồng của nó.

- Nhưng, để làm được những điều ấy, ông cho rằng chúng ta cần bắt đầu từ đâu, trong hoàn cảnh đang... lúng túng và khó khăn đủ bề hiện nay?

- Nói cho đúng thì đó là một cái vòng luẩn quẩn. Tầm nhìn của chúng ta chưa tốt nên ảnh hưởng rất lớn tới hành động khi bảo tồn. Và ngược lại, càng hành động không chuyên nghiệp, càng không phát huy được hiệu quả từ các di sản này, thì tầm nhìn luôn có xu hướng bị kéo xuống thấp hơn. Như câu chuyện của cầu Long Biên, chúng ta rất dễ sẽ lại sa vào hàng loạt câu hỏi: bảo tồn thì lấy tiền ở đâu? Và bảo tồn rồi thì hàng năm "nuôi" nó, duy trì nó bằng cách nào, bán vé kiếm tiền thì ai xem?

Tôi xin kể câu chuyện về Bảo tàng Orsay của Pa-ri. Khởi đầu, đó là một nhà ga đường sắt được xây dựng cùng thời gian với cầu Long Biên. Vài chục năm sau, khi đường sắt ở Pháp được điện khí hóa, nhà ga Orsay cũng dần không được sử dụng và rơi vào quên lãng. Giữa thập niên 1970, người Pháp quyết định biến nơi này thành một Bảo tàng nghệ thuật. Và, họ đã bỏ hẳn 10 năm đầu tư để chuẩn bị, trước khi bảo tàng Orsay được khai trương vào năm 1986 và dần trở thành một địa chỉ cực kỳ nổi tiếng trên thế giới.

Kể vậy, tôi muốn nói: Chúng ta chỉ có thể khai thác và bảo tồn di sản một cách hợp lý, nếu thật sự quyết tâm, kiên nhẫn và đầu tư đúng tầm. Và để làm được vậy, đó vẫn là câu chuyện về tầm nhìn. Biến cầu Long Biên thành địa chỉ văn hóa, thành biểu tượng của Hà Nội như nhiều người nói, thì đó không còn là câu chuyện của riêng thành phố nữa. Đó phải là câu chuyện của quốc gia, của những quyết sách hợp lý để hỗ trợ, kêu gọi đầu tư cũng như thuê chuyên gia quốc tế tư vấn khai thác bảo tồn?

Chúng ta đã đánh mất quá nhiều cơ hội để đầu tư cho những di sản như thế. Nếu có những biện pháp gìn giữ hợp lý từ cách đây hơn chục năm thôi, chắc chắn khu phố cổ Hà Nội hay khu phố Pháp cũ đã không ở vào tình trạng đáng buồn như hiện giờ. Vậy, tôi có quá lời không, khi nói rằng những tranh cãi về cầu Long Biên lại là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta "bừng tỉnh" về việc Hà Nội đang quá thiếu vắng hay mất dần những không gian văn hóa gắn với lịch sử của mình? Và, nếu nói về thời kỳ thuộc địa, thì cầu Long Biên chính là cơ hội cuối cùng cho Hà Nội để làm điều ấy.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.