Thách thức từ hai phía

Một lượng lớn di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội chưa hề được xếp vào danh mục di tích lịch sử văn hóa. Một số ít khác đã được xếp hạng, nhưng bản thân sự "vinh danh" ấy lại trở thành vướng mắc cực lớn cho việc khai thác lẫn bảo tồn. Bởi, đặc thù của loại di tích này đã tạo ra thách thức "hai chiều" ấy.

 Du khách tham quan ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hà Nội). Ảnh:MINH QUYẾT.
Du khách tham quan ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hà Nội). Ảnh:MINH QUYẾT.

Khi những phản ứng về phương án di dời cầu Long Biên, rất nhiều người cho rằng, ngành văn hóa đã thiếu sót khi chưa đưa cây cầu nổi tiếng này vào danh mục di tích văn hóa cần bảo vệ. Và thực tế, khi luồng đường sắt qua sông Hồng vẫn còn được khai thác trên cây cầu trăm tuổi ấy, sẽ rất khó để Long Biên được nhận danh hiệu, nếu chiếu theo các quy định về bảo tồn.

Không thể "cắt mạch máu" di sản

Trước cầu Long Biên, một công trình kiến trúc Pháp thuộc địa nổi tiếng khác là Nhà hát Lớn Hà Nội cũng chỉ được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2011, khi tròn 100 tuổi. Vài năm trước nữa là trường hợp của phố cổ Hà Nội (2004). Còn lại, dù đều được công nhận về giá trị lịch sử -nghệ thuật, rất nhiều công trình kiến trúc khác chưa nhận được danh hiệu này như trường hợp Viện Paster và hàng trăm biệt thự cũ.

"Chúng ta đang vướng vào tâm lý đòi xếp hạng di tích cho tất cả những gì có giá trị. Vậy nhưng ít ai chịu hiểu rằng theo quy định hiện hành, di tích thì phải bảo tồn nguyên vẹn không được động vào" - GS Hoàng Đạo Kính (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), nói. "Trong khi đó, suốt lịch sử, những di tích ấy luôn gắn với những cộng đồng riêng, với những hoạt động sống động tạo nên phần giá trị phi vật thể đi kèm. Bảo tàng hóa, bỏ đi những yếu tố ấy thì khác gì cắt mạch máu của di sản".

Thẳng thắn, vị kiến trúc sư (KTS) luôn gắn với ngành bảo tồn di sản đô thị này nói: "Ngay phố cổ Hà Nội, các kiến trúc cũ cũng đã bị mất đi rất nhiều theo thời gian. Xếp phố cổ vào danh mục di tích quốc gia chẳng qua là cách làm bắt buộc để bảo tồn lượng văn hóa khổng lồ về nếp sống Hà Nội, về truyền thống của những phố nghề đang đi kèm nó".

Được xếp hạng di tích, phố cổ Hà Nội đồng thời cũng xảy ra tình trạng gần như "bất khả thi" trong việc hạn chế xây dựng, cơi nới của các hộ dân nơi đây. Ở một thí dụ khác, làng cổ Đường Lâm - một di sản kiến trúc nông thôn của Hà Nội - còn xảy ra câu chuyện dở khóc, dở cười về việc những người dân nơi đây phản ứng với quy chế "cấm xây" đầy cứng nhắc bằng cách xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia được công nhận năm 2005.

Ngay với trường hợp Long Biên, sự cộng hưởng giữa hai yếu tố công trình giao thông và công trình văn hóa - lịch sử của cây cầu cũng gây nên những rắc rối không nhỏ trong việc phân chia trách nhiệm và ứng xử với nó. Điển hình, rất nhiều vị KTS đã lớn tiếng phản ứng về việc ngành giao thông đưa ra phương án xây mới, mở rộng cầu vì chỉ nhìn nó ở góc độ một... cây cầu "vô tri vô giác" đơn thuần.

Như phân tích của GS Hoàng Đạo Kính, các kiến trúc đô thị này nên được gọi bằng cái tên "di sản" - một khái niệm uyển chuyển và "mềm" hơn khái niệm di tích rất nhiều. "Thành phố nào trên thế giới cũng vậy. Họ có những kiến trúc không cần xếp hạng di tích, nhưng lại luôn phải ưu tiên bảo tồn tuyệt đối trên bản đồ quy hoạch. Khi cải tạo, các công trình đô thị khác luôn phải đặt trong sự tham chiếu với cảnh quan của những kiến trúc ấy, để bảo đảm cho chúng hoạt động bình thường hoặc phát huy giá trị cao hơn".

Càng chậm, càng... lãng phí!

Thế nhưng, bản thân sự phức tạp của những di sản đô thị này cũng đặt ra những đòi hỏi đặc biệt đối với cách khai thác, bảo tồn cho phù hợp. Điển hình, đầu năm 2013, Hà Nội đã có Nghị quyết số 24 quy định danh mục các phố cổ, làng cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung bảo tồn (trong đó có cầu Long Biên). Thực tế, phương án bảo tồn các di sản này vẫn là dấu hỏi.

"Với tốc độ phát triển và đô thị hóa tại Hà Nội hiện nay, chúng ta đang lãng phí kinh khủng theo mỗi ngày khi chậm đưa ra những phương án bảo tồn di sản kiến trúc" - ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng thành phố, than thở. Cách đây 14 năm, ông Nghiêm là một trong những người đưa ra đề án di dời khoảng 26.000 người dân phố cổ sang Ngọc Thụy và Việt Hưng (Gia Lâm) với quỹ đất 44 ha và kinh phí kỷ lục bấy giờ là 800 tỷ đồng. Đề án không thành công vì nhiều lý do. Để rồi, khi Hà Nội vẫn chưa hình thành một trung tâm văn hóa - thương mại mới thay cho vùng Hồ Gươm, giá đất tại đây tiếp tục tăng vọt, và đề án giãn dân phố cổ sắp tới dự kiến phải đầu tư số kinh phí cao hơn hàng chục lần.

PGS, KTS Nguyễn Hồng Thục (Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) là một trong những người phản ứng mạnh nhất với ý tưởng xây cầu Long Biên mới của ngành giao thông. "Rất dễ hiểu, khi người ta muốn vắt kiệt cầu Long Biên cho mục đích duy trì giao thông đường sắt của một thành phố đã mở rộng tới hàng chục lần so với thời xây nó. Bởi, nếu cứ đi theo luồng đường sắt do người Pháp mở sẵn, việc giải phóng mặt bằng sẽ đơn giản vô cùng" - PGS Thục nói. "Nhưng ngược lại, nếu đặt yếu tố văn hóa lịch sử lên trên, cầu Long Biên lại đòi hỏi những cách tiếp cận hoàn toàn khác để duy trì chức năng cộng đồng của nó theo dạng một cây cầu bộ hành cho khách du lịch".

Vừa bảo tồn, vừa phải duy trì hoạt động của cộng đồng. Vừa đầu tư kinh phí, vừa phải đặt yếu tố bảo tồn văn hóa lên trên để gạt bỏ các mục đích sử dụng không còn phù hợp. Vừa nghiên cứu tìm hướng khai thác hợp lý, vừa phải rất kiên nhẫn và quyết tâm chờ tới thời điểm các di sản này mang về nguồn lợi kinh tế thiết thực cho mình. Ngần đó đòi hỏi cũng là lý do để Hà Nội lúng túng với hàng loạt di sản kiến trúc đô thị như hiện nay?.