Ngày càng ngang nhiên và tinh vi
Cách đây hơn một tháng, Công ty Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt (viết tắt là First News) đã tổ chức họp báo để thông tin về việc đơn vị này đã chính thức khởi kiện Lazada (thuộc Công ty Recess - Alibaba) lên Tòa án nhân dân quận 1, TP Hồ Chí Minh về hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả, vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong đơn kiện, First News yêu cầu Lazada tháo gỡ ngay toàn bộ các thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả bị First News phát hiện; đồng thời có biện pháp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử Lazada và buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các cuốn sách đang được mua bán.
Sở dĩ First News có động thái khởi kiện như vậy vì từ đầu năm 2019, công ty này đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua trên Lazada với mức giá giảm từ 42-55%; thậm chí là 72% so giá bìa. Trong đó, có rất nhiều đầu sách được phát hiện là sách giả, không được in ấn, phát hành hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả mà First News đang sở hữu. “Ðể chấn chỉnh hành vi vi phạm này, chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng, kiến nghị các vi phạm của Lazada; đồng thời, gửi công văn yêu cầu Lazada thúc đẩy kiểm tra, quản lý các tổ chức, cá nhân buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử (TMÐT) này. Tuy vậy, Lazada vẫn ngang nhiên để cho nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh sách giả”, ông Nguyễn Văn Phước bày tỏ.
Không riêng gì First News, cách đây không lâu, nhiều đơn vị xuất bản trong nước như Ðông A, Alpha Books, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, NXB Kim Ðồng… cũng đã đồng loạt lên tiếng về tình trạng nhiều ấn phẩm của mình bị làm giả và rao bán trên rất nhiều trên các trang mạng xã hội.
Ðiều đáng nói là sách giả được làm một cách rất tinh vi, từ việc thiết kế bìa đến chất lượng giấy; thậm chí khi sách thật có bìa tay gấp, bìa ép nhũ thì sách giả cũng được làm y như vậy. “Hiện tại, nếu chỉ nhìn lướt qua thì không phân biệt được trừ khi mở sách ra, xem chất lượng giấy mới có thể nhận biết được đâu là sách giả, đâu là sách thật. Ðiều này có nghĩa là chúng tôi đang phải chạy đua cùng với họ”, đại diện của First News cảm thán.
“Bám” luật và ứng dụng công nghệ
Thời gian qua, Ðoàn công tác liên ngành, phòng chống in lậu trung ương phối hợp cùng Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra đột xuất và triệt phá nhiều cơ sở in và làm sách giả, sách lậu. Tuy nhiên, nạn sách giả này vẫn chưa được giải quyết triệt để; nhất là hiện nay, việc bán sách lậu, sách giả càng trở nên phức tạp hơn khi được chuyển lên các sàn TMÐT hay mạng xã hội. Ðiều này đặt ra cho các đơn vị xuất bản trong nước thách thức nhiều hơn trong việc phòng, chống sách lậu, sách giả, bảo vệ lợi ích của chính mình. Một trong những hành động mà các đơn vị xuất bản có thể làm ngay đó là “bám” luật, dựa vào các cơ quan pháp luật để đấu tranh - giống như cách First News đã làm.
Mới đây, Công ty sách Anbooks vừa công bố nền tảng Reading code với hai tính năng cơ bản: Chống giả (thông qua xác thực ID) và tương tác trực tiếp với những nhóm người liên quan đến sách. “Tính năng chống giả được xây dựng trên nguyên tắc mỗi cuốn sách có một ID duy nhất. Nếu ISBN là dãy số được cấp bởi Cục Xuất bản, In và Phát hành để quản lý theo đầu sách thì Reading code được xây dựng để cấp ID cho từng cuốn sách. ID này do đơn vị sản xuất (NXB, công ty phát hành) quy định trong hệ thống lưu trữ của mình”, bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks cho biết.
Theo chia sẻ của bà Ngô Phương Thảo, hiện tại nền tảng Reading code vừa được áp dụng thử nghiệm trên cuốn Ðể khát vọng dẫn lối. Theo đó, khi quét vào QR code của Reading code, độc giả được dẫn đến một link website, trong đó, mọi thông tin về cuốn sách được hiển thị: thông tin về tác giả, dịch giả, người hiệu đính, nhà sản xuất, nhà phân phối, bài giới thiệu sách của biên tập viên, báo chí, các bài giới thiệu khác của các độc giả khác. Ðộc giả có thể gửi phản hồi của mình về cuốn sách thông qua các hành động gợi ý như: cảm ơn tác giả - dịch giả; cảm ơn đội ngũ biên tập; cảm ơn đội ngũ thiết kế - trình bày; hoặc gửi phản hồi góp ý khác cho sản phẩm hoàn thiện hơn. Ngoài ra, độc giả còn được khuyến khích kích hoạt ID của cuốn sách để hưởng thêm các ưu đãi từ NXB: quà tặng cho các độc giả nhận xét về cuốn sách, thư đăng ký tham dự các chương trình giao lưu với tác giả - dịch giả; các đãi ngộ khác của nhà sản xuất dành cho độc giả…
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ giải pháp này đến các công ty, NXB. Với các NXB vừa và nhỏ, có thể sử dụng hệ thống Reading code sẵn có. Với các NXB lớn, Hội xuất bản…, chúng tôi sẽ tùy biến, mở rộng giải pháp cho từng nhu cầu riêng và chuyển giao hệ thống hoàn toàn để NXB tự quản lý. Mục tiêu cuối cùng là những người trong ngành sách không còn phải nói về chống giả nữa mà chỉ cần tập trung cho độc giả của mình”, bà Ngô Phương Thảo chia sẻ.