Lễ hội - "nâng" đến "cấp" nào?

Dư vị của "tiệc" ánh sáng vẫn còn trong tâm trí người dân làng Bình Đà. Một màn trình diễn hiện đại, ấn tượng chưa từng có tại lễ hội làng quê này. Đây là kết quả của việc "nâng cấp" lễ hội do huyện Thanh Oai chủ trì. Nhưng đúng vào ngày diễn ra buổi trình diễn, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn yêu cầu các bên hạn chế tối đa cải tiến, cải biên, làm sai lệch di sản. Điều này tiếp tục đặt ra câu hỏi: Có nên "nâng cấp" lễ hội hay không? Nếu nhất thiết phải nâng cấp thì nên làm theo hướng nào?

Tiền môn của ngôi đền trở thành "phông" biểu diễn nghệ thuật laze
Tiền môn của ngôi đền trở thành "phông" biểu diễn nghệ thuật laze

Những sự kiện hy hữu

Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh - huyện Thanh Oai - Hà Nội, từ ngày 3 đến 5-3 âm lịch) năm nay là sự kiện hy hữu. Đó là lần đầu tiên, công nghệ trình diễn ánh sáng laze được đưa vào. Nội dung của buổi trình diễn là về truyền thuyết Lạc Long Quân -Âu Cơ, về lịch sử ngôi đền và về những vị thần bất tử trên thế giới. Khu vực tiền môn của đền được phủ vải trắng, làm nền cho các loại đèn hiện đại chiếu vào. Nhưng còn một sự hy hữu thứ hai, ngày 1-4-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Lễ hội Bình Đà là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ba ngày sau, ngày 4-4, Cục Di sản văn hóa đã tức tốc có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và chính quyền địa phương có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản, hạn chế tối đa cải biên, cải tiến, làm sai lệch lễ hội. Hy hữu bởi công văn vinh danh lễ hội chưa ráo mực, công văn lo chuyện lễ hội bị biến dạng đã vội vã "đuổi theo". Tất nhiên, sự vội vã này có nguồn cơn. Trước hết bởi chính sự kiện "bữa tiệc ánh sáng" kia - hoạt động nổi bật nhất trong việc "nâng cấp" Lễ hội Bình Đà.

Nếu hỏi người dân có thích lễ hội ánh sáng không? Câu trả lời "có" chiếm đa số là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi. Công nghệ hiện đại, lạ mắt, tất nhiên còn đẹp mắt. Người thành phố no nê với đủ loại phương tiện giải trí có khi còn sẵn sàng bỏ tiền ra để xem trình diễn ánh sáng laze, huống hồ người dân nông thôn ở xã Bình Minh. Một số ý kiến dựa vào đây để cho rằng, màn trình diễn ánh sáng được "cộng đồng chấp nhận". Nhưng nói như nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Những người làm văn hóa phải có trí tuệ, có cái tâm nương vào trí tuệ. Người làm văn hóa chính là người "dẫn" dân đi. Nhiều người dân địa phương nói thích "tiệc" ánh sáng. Song nếu họ được giải thích rằng: Ở buổi trình diễn ấy, ngôi đền thờ Quốc tổ của cả dân tộc đã được dùng làm... nền để nói về những vị thần của... các dân tộc khác (Hy Lạp, Ai Cập...); không gian đình, đền - không gian thiêng - bị biến thành sân khấu ồn ã với hàng chục chiếc loa inh ỏi, có đoạn là những tiếng nhạc lạ tai, chát chúa (thậm chí giống nhạc vũ trường), điều dân gian cấm kỵ vì bị coi là "phạm thánh", hẳn người ta sẽ nghĩ khác. Hơn thế, nhân dân vốn là chủ nhân lễ hội, bỗng dưng biến thành... khán giả lễ hội của chính mình tạo ra.

... và câu chuyện nâng cấp lễ hội

Không ai có thể khẳng định lễ hội 100 năm trước là bản sao y nguyên như 200 năm trước đó nữa. Nâng cấp, hoặc bổ sung những yếu tố mới không phải không có cơ sở, trong đó cơ sở còn bắt nguồn từ nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hóa của cộng đồng dân cư. Song, vấn đề là đưa như thế nào, mục đích gì làm chủ đạo? Trên thực tế, từ nhiều năm nay, việc nâng cấp, mở rộng lễ hội dường như đã được thực hiện vì mục đích phi di sản, phi văn hóa nhiều hơn. Ví như việc tụ tập hàng nghìn người biểu diễn quan họ tại Hội Lim để lập kỷ lục liệu có tác dụng gì đối với bảo tồn di sản?

Cũng tại Lễ hội Bình Đà, một yếu tố mới so với mọi năm là trình diễn thư pháp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thời Quốc tổ, tổ tiên nước Việt không dùng chữ Nho, nên trình diễn thư pháp là "nhạo báng" tổ tiên. Nhưng cũng cần nhớ rằng ở chính đền thờ Lạc Long Quân làng Bình Đà và nhiều nơi thờ các Vua Hùng trên cả nước, cụ thể là tại Đền Hùng (Phú Thọ) luôn có các bức hoành phi, câu đối từ nhiều thế kỷ trước để lại được viết bằng chữ Nho (và nó là một bộ phận cấu thành nên những di sản văn hóa vật thể tại đây). Không những thế, dẫu là thứ chữ viết vay mượn, nhưng nó đã góp phần tạo nên sự phát triển rực rỡ của văn minh Đại Việt. Liệu phê phán trình diễn thư pháp như vậy có cứng nhắc quá hay không?

Lâu nay, nhiều lễ hội vẫn mời các đoàn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương... hoặc văn nghệ quần chúng về biểu diễn phục vụ nhân dân. Sân khấu của những buổi diễn như thế thường được dựng ở bãi đất trước đình, hay một không gian công cộng nào đó của làng. Nếu sân khấu của buổi trình diễn ánh sáng ở Bình Đà được tổ chức tại một không gian khác, miễn sao những ánh sáng chói lòa không rọi vào nơi thờ thánh, những tiếng loa công suất lớn không nhè nơi thánh ngự rọi vào, có lẽ lại khác. Bởi, một cách khách quan, không thể phủ nhận là nội dung của buổi trình diễn ánh sáng có những đoạn "rất được". Truyền thuyết về tổ tiên của dân tộc được hiện lên trong ánh sáng lung linh, huyền ảo tạo cảm giác như đi vào huyền thoại, điều mà các loại hình sân khấu, điện ảnh khó có thể làm được.

Trong nhiều trường hợp, việc bổ sung những yếu tố mới khi tổ chức lễ hội là điều không thể né tránh. Nhưng điều quan trọng là phải tìm được sự dung hòa, tiếp nối với truyền thống.