Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng:

Sống, đọc, yêu thương, suy nghĩ và viết

Trong lời phát biểu cuối buổi tọa đàm giới thiệu những cuốn sách mới xuất bản của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng nói: "Cuộc đời là ở phía trước, dù đó là những điều tốt đẹp hay tồi tệ, cao thượng hay thấp hèn, vươn tới sự trong sáng hay phải va đập với đen tối thì vẫn sống hết mình với tất cả tấm lòng của mình, trí tuệ, tình yêu cùng một niềm tin cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Từ suy nghĩ đó mà tôi muốn viết nên những cuốn sách này...". Ông đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi nhiều suy nghĩ hướng tới việc xây dựng và giữ gìn cốt cách văn hóa Việt Nam, nhất là của người trẻ - tương lai của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
GS,TS Đinh Xuân Dũng ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Nguyễn Văn Quý
GS,TS Đinh Xuân Dũng ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Nguyễn Văn Quý

Tôi luôn muốn neo vào cuộc đời

- Thưa ông, trong cuốn sách Đọc và nghĩ, ông thể hiện sự quan tâm đến những người trẻ. Ông có thể chia sẻ nguyên do mối quan tâm của ông dành cho họ?

- Tôi có 25 năm trong quân đội (từ năm 1975 đến năm 1999 - PV), mà trong quân đội thì chủ yếu là người trẻ, độ tuổi 18-30. Tôi trò chuyện, giảng dạy và viết sách cho họ, dễ đến năm, sáu cuốn rồi. Thế nên, việc quan tâm và hướng đến người trẻ nói chung với tôi có lẽ là lẽ tự nhiên.

Tôi quan tâm chủ yếu đến tính tuổi trẻ trong quân đội đã làm nên danh hiệu độc đáo của văn hóa quân sự và văn hóa Việt Nam là hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ: chính những người lính trẻ đã sống và chiến đấu như thế nào để được nhân dân đặt tên như vậy. Nay, người trẻ trong quân đội phải đi theo cho được con đường đó, dứt khoát phải bồi dưỡng, có ý thức nuôi dưỡng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Đồng thời, tôi quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và viết về tướng lĩnh Việt Nam nhưng ở góc độ văn hóa: Những vị tướng lĩnh Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh đều là tướng khi còn trẻ. Để có sự đồng lòng trong đội ngũ người lính của mình, họ giỏi về mặt quân sự nhưng đồng thời còn có một nhân cách văn hóa - điều mà tôi tạm đúc rút: Yêu nước, gắn bó sâu sắc với người lính và quần chúng nhân dân, cực kỳ ham hiểu biết... Họ chính là tấm gương cho tuổi trẻ: sống, trải nghiệm, yêu thương và gắn bó sâu sắc với con người... Tôi viết về họ để không chỉ người lính mà bạn đọc trẻ hôm nay đọc và hiểu thêm về cuộc đời, về những gì còn lại lâu dài vĩnh viễn của đời người.

Sau khi rời quân ngũ, tôi hướng đến bạn đọc nói chung nhưng đúng là trong cách viết, cách suy nghĩ, tôi luôn muốn có cách thể hiện gắn với người trẻ, nhất là khi nhu cầu về việc đọc của họ đang thay đổi.

Tôi quan tâm đến người viết trẻ, sáng tác văn chương, hoặc viết nghiên cứu lý luận văn hóa, các chuyên ngành văn học nghệ thuật. Trong nhật ký riêng về văn chương của tôi có danh sách khoảng 20 cây viết trẻ mà tôi lặng lẽ theo dõi họ. Tôi theo dõi người trẻ không chỉ qua một cuốn sách, một sáng tác, mà cả hành trình của họ, để biết thêm về sự vận động của văn học nghệ thuật, của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đổi thay không ngừng của thế giới và nội tâm con người, để từ đó nhận ra được quy luật phát triển của văn hóa - điều mà tôi say mê tìm hiểu.

Tôi còn nhớ, khi chia tay tổ dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi có nói: Tôi đã gần 80 tuổi nhưng tôi vẫn muốn neo vào cuộc đời này để có thể lắng nghe được tiếng nói của cuộc đời, từ người lãnh đạo đến người dân bình thường nhất, anh lái taxi, người nông dân, cậu lính binh nhì rất trẻ... để thấu hiểu và đưa được nguyện vọng của họ vào trong văn kiện về vấn đề con người và văn hóa.

- Dư luận hiện nay cho rằng người trẻ "lười đọc" và để góp phần thay đổi điều đó, việc phát triển dòng sách điện tử là cần thiết. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Điều rất mừng là cả năm cuốn sách mới xuất bản của tôi đều đồng thời được xuất bản ở dạng sách điện tử rồi. Tôi luôn ủng hộ việc hiện đại hóa ngành xuất bản ở nước ta, trong đó, nhất định phải có xuất bản điện tử và sách nói để đưa sách - tri thức đến với quần chúng.

Về người trẻ, nếu nói họ "lười" đọc thì có lẽ, oan cho họ đấy. Hiện nay, việc đọc nói chung, nhất là của người trẻ, có sự phân hóa, phân cực và cá thể hóa cao độ, tồn tại cùng lúc năm phương thức đọc: đọc sách truyền thống, đọc trực tuyến, đọc qua thiết bị thông minh, đọc chuyên ngành và đọc theo ý thích. Chính vì thế, càng cần đa dạng cách thức thể hiện và phương thức truyền tải để người đọc tiếp cận được dễ dàng hơn. Tất nhiên, dòng sách về văn hóa có khó khăn, kén chọn bạn đọc hơn do cần sự trải nghiệm và tri thức nhất định của người đọc, nhưng như thế không có nghĩa là có sự ngăn cách giữa dòng sách này với tuổi trẻ.

Hãy bắt đầu từ sự thấu hiểu vai trò của văn hóa

- Trong sự vận động của xã hội ta hiện nay, có những rạn vỡ không nhỏ trong tương quan quan hệ con người với con người, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội. Ông suy nghĩ gì về thực tiễn này?

- Những biến động xã hội hiện nay khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều về định hướng cho sự phát triển. Tôi đã viết bài "Văn hóa đời thường và sự ổn định chính trị xã hội trong thời kỳ hiện đại". Những biểu hiện rạn vỡ trong quan hệ đời thường như vợ chồng cãi nhau, cha mẹ con cái mâu thuẫn đánh chửi nhau, sự vô cảm trong ứng xử khi tham gia giao thông công cộng... tưởng là chuyện nhỏ, đời thường không có gì to tát nhưng lâu dần, nếu không định hướng sẽ dẫn đến rạn vỡ các quan hệ con người-con người, rạn vỡ lớn sẽ dẫn đến mất ổn định xã hội và hệ quả là mất ổn định chính trị. Nhìn sâu xa, đây là vấn đề văn hóa.

Chính vì thế, tôi tin tưởng rằng, chỉ có văn hóa mới có thể giúp điều tiết mọi tương quan quan hệ trong xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Điều tiết, hiểu đơn giản nhất là làm hài hòa, cân bằng mọi mối quan hệ giữa con người với con người, con người với vạn vật. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh hành vi và chỉ có văn hóa mới có khả năng điều tiết hành vi, ứng xử của con người, dẫn tới sự tốt đẹp trong mọi mối quan hệ xã hội.

- Tương lai phát triển của dân tộc là nhìn vào người trẻ, những rạn vỡ trong quan hệ đời thường mà ông dẫn ra ở trên cũng thể hiện ở nhiều người trẻ trong xã hội ta hiện nay. Hay nguy cơ đứt gãy thế hệ ngay trong các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, nghiên cứu lý luận văn hóa cũng đang khiến cho lớp người đi trước như ông lo lắng. Trong quan điểm của cá nhân ông, để cải thiện được thực tế này, có thể bắt đầu từ đâu?

- Bắt đầu từ sự thấu hiểu thật sự vai trò của văn hóa trong sự phát triển, thể hiện qua năng lực và tầm nhìn của các cấp lãnh đạo về sự phát triển của nhân cách con người thông qua văn hóa. Không lơ mơ lý thuyết suông nữa. Hãy tổng hợp tất cả các văn kiện, nghị quyết từ năm 1998, khi Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cho đến nay, chỉ ra những việc chưa làm được về văn hóa để tập trung giải quyết trong vòng năm, bảy năm tới. Như V.I. Lenin đã từng nói: Tất cả mọi nhiệm vụ chính trị chỉ có thể hoàn thành khi giải quyết nó bằng văn hóa.

Hãy bắt đầu từ việc người làm lãnh đạo quan tâm, thấu hiểu tiềm năng sáng tạo của người trẻ để họ có thể cống hiến cho xã hội. Những người trẻ, tài năng thì thầm lặng, bản lĩnh và rất đáng tin cậy; họ độc lập về tư duy và có khả năng phát triển để gánh vác những nhiệm vụ lớn của xã hội. Người lãnh đạo phải tập hợp được đội ngũ này, đưa họ vào thực tiễn cuộc sống để họ trưởng thành.

Và bắt đầu từ giáo dục - nơi tạo ra giá trị con người và phải kiên trì đi đến cùng để nuôi dưỡng giá trị ấy.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Sống, đọc, yêu thương, suy nghĩ và viết ảnh 1
Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Đinh Xuân Dũng

Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Đinh Xuân Dũng từng đảm nhận các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, Phó Cục trưởng Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Vụ trưởng Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông nguyên là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI, XIII.

Năm tác phẩm sách mới nhất của ông vừa được xuất bản từ cuối năm 2021 đến tháng 9/2022, bao gồm: Đọc và nghĩ, Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh, Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ", Văn hóa-Động lực và hệ điều tiết sự phát triển, Vang vọng lời nước non.