Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh:

Sân khấu cần được sống tốt, không phải "cho có"

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh rời thánh đường sân khấu đã khá lâu, cũng không còn cộng tác tham gia vào các vai diễn. Nhớ nghề diễn, anh đi đóng phim truyền hình... Anh trải lòng với chúng tôi về sự khác biệt giữa sân khấu bây giờ với sân khấu ở "thời của anh", về những chuẩn mực của sân khấu dường như đang mai một dần.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Trung Anh (bên trái) đảm nhận vai Hamlet trong vở kịch kinh điển Hamlet của W.Shakespeare, đạo diễn Anh Tú. Nguồn: Nhà hát Kịch Việt Nam
Nghệ sĩ Trung Anh (bên trái) đảm nhận vai Hamlet trong vở kịch kinh điển Hamlet của W.Shakespeare, đạo diễn Anh Tú. Nguồn: Nhà hát Kịch Việt Nam

Sân khấu giờ không còn lung linh

- Sau thành công của một loạt vai diễn truyền hình, anh vẫn còn duyên với nhiều bộ phim ở những mảng đề tài khác nhau. Bây giờ, với anh, truyền hình hấp dẫn hơn là sân khấu?

- Tôi về hưu rồi nên không còn tham gia các vở diễn sân khấu, mà thực tế tôi cũng khó tham gia vì sân khấu bây giờ khác xa thời tôi quá. Với tôi, nó không còn lung linh, không còn là một thánh đường như thời tôi từng được gắn bó và làm việc.

Riêng về phim truyền hình ở Việt Nam, nhìn chung, chất lượng mọi mặt tốt hơn trước. Nội dung kịch bản được đầu tư hơn, các đoàn làm phim sẵn sàng tiếp nhận nhiều cách làm mới hơn. Nhưng nếu cứ thế này mãi thì sau một thời gian, nó lại trở thành lối mòn vì phim truyền hình ở ta chỉ gói gọn trong một số dòng phim như tình cảm, kinh dị, phim hài; tuy nhiên lại thiếu sự phân định rõ ràng, vẫn là kiểu làm phim theo trào lưu "ăn xổi" của thị trường, thường là bắt chước cái này, cái kia một chút chứ chưa có dòng phim nào có thể định hình rõ nét phân khúc của mình. Nhưng vì ít phim, như mình vào nhà hàng, chỉ có vài món, không còn sự lựa chọn.

- Có vẻ như làm nghệ thuật ở ta bây giờ chạy theo thị hiếu của khán giả nhiều hơn là "định hướng khán giả" như anh từng chia sẻ.

- Sân khấu bây giờ khó khăn về mọi mặt, cả về làm nghề và sống với nghề, sống bằng nghề. Người làm nghệ thuật sân khấu mà chỉ đi tìm cái khán giả thích để làm vừa lòng họ thì chưa biết chừng đó là phản nghệ thuật. Nghệ thuật là định hướng, là đem lại cho khán giả cảm xúc trước cái đẹp nhưng bây giờ không ai làm điều đó cả. Khán giả thích cười thế này à, ừ thôi thì chọc cười! Họ thích đau khổ, rơi nước mắt thì làm cho họ khóc.

- Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu cho rằng, sân khấu vắng khán giả thì người làm sân khấu hãy tự trách mình; sân khấu đang xuống cấp, manh mún, không còn hấp dẫn. Anh nghĩ sao về điều này?

- Sân khấu vắng bóng khán giả có nhiều lý do nhưng tôi cũng cho rằng, lý do lớn nhất chính là sự xuống cấp của nghệ thuật. Sân khấu không còn là một thánh đường lộng lẫy với những tác phẩm làm rúng động khán giả nữa.

Nhiều người làm sân khấu hiện nay dường như không ý thức đầy đủ rằng, thứ họ đang làm ra không còn là nghệ thuật; họ vẫn tin nó là nghệ thuật. Sống trong môi trường mà các giá trị của nghệ thuật và sáng tạo bị đảo lộn, có lẽ, họ cũng không thể ý thức được vì chưa bao giờ, họ được làm những cái thật sự tốt. Đó là cảm nhận của những người thuộc thế hệ như chúng tôi, rất đau lòng.

- Theo anh, nguyên do của sự xuống cấp đó ở đâu khi mà trong quá khứ, sân khấu đã từng có một thời hoàng kim rực rỡ?

- Sự xuống cấp có nhiều nguyên nhân: chất lượng tác phẩm; việc bị dẫn dắt bởi thị hiếu có phần dễ dãi của một bộ phận khán giả. Lâu nay, chúng ta hạ thấp thị hiếu khán giả xuống khiến theo thời gian, thế hệ sau hiểu sai về sân khấu, và về lâu dài, sẽ mất đi những chuẩn mực, những giá trị cốt lõi.

Khoảng trống Lưu Quang Vũ để lại đang rộng ra

- Năm nay, giới sân khấu kỷ niệm 35 năm ngày mất và 75 năm ngày sinh của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Nhiều nhà hát vẫn dàn dựng lại những tác phẩm của ông, cho thấy sức sống của kịch Lưu Quang Vũ theo thời gian. Thực tế này khiến một người từng sống trong thời của kịch Lưu Quang Vũ như anh cảm thấy thế nào?

- Sân khấu kịch thời nay vắng bóng tài năng, thiếu những kịch bản đi sâu vào bản chất của đời sống, phản ánh những vấn đề gai góc của cuộc sống. Chúng ta có nhiều nhà văn tài hoa nhưng lại thiếu những nhà viết kịch giỏi, bởi chuẩn mực của một tác phẩm sân khấu khác với tác phẩm văn học. Lưu Quang Vũ là người dung hòa được cả hai, chất sân khấu và chất văn học trong một tác phẩm. Kịch bản do anh viết rất duyên dáng đồng thời chứa đựng tiếng nói phản biện mạnh mẽ, đề cập những vấn đề sâu sắc mang bản chất của đời sống con người; những tác phẩm của anh đến hôm nay vẫn còn tính thời sự. Sau 35 năm, chúng ta vẫn chưa có một Lưu Quang Vũ thứ hai, chưa có một tiếng nói mạnh mẽ như thế để có thể góp phần quan trọng làm thay đổi sân khấu kịch nước nhà.

- Theo anh, di sản lớn nhất mà Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta là gì?

- Những tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ thể hiện tầm nhìn trước thời đại của một tài năng, một người dám dấn thân vào gai góc đời sống. Những tiếng nói phản biện của sân khấu rất hấp dẫn khán giả vì nó trực tiếp với khán giả, diễn viên/nhân vật đối thoại với khán giả.

Nhìn lại, chúng ta thấy một khoảng trống quá lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật, khoảng trống đó ngày càng rộng ra. Đời sống xã hội bây giờ ngồn ngộn những vấn đề, như tham nhũng, sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa. Thế nhưng sân khấu hiện nay chỉ khơi khơi trên bề mặt, không có những tiếng nói phản biện mạnh mẽ. Có lẽ, chúng ta phải tiếp tục chờ đợi một Lưu Quang Vũ thứ hai xuất hiện hay ít nhất, đến khi đời sống vật chất không còn quá quan trọng và chiếm phần lớn mối bận tâm của xã hội, sân khấu mới có cơ hội chăng... Nhưng lúc đó chắc vẫn còn lâu lắm, tôi chưa nhìn thấy điểm bắt đầu ở đâu.

- Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của nhà phê bình Ngô Thảo trong một hội thảo về sân khấu, khi ông nói về những mất mát của sân khấu hiện nay. Ông khẳng định: "Khoa học phát triển đến đâu cũng không thay thế được tâm hồn con người, vì thế sân khấu sẽ luôn tồn tại". Nhưng tôi lại chạnh nghĩ tới lúc vắng hết những nghệ sĩ thuộc "thế hệ vàng" của sân khấu, nghệ thuật sân khấu Việt Nam sẽ ra sao?

- Chính tôi cũng đang hoang mang trước câu hỏi đó khi nhìn vào đời sống sân khấu hôm nay. Chỉ có một vài đốm sáng, những con người yêu nghề, dành tâm huyết và tình yêu cho sân khấu. Nhưng họ quá bé nhỏ. Hiện nay, ở Hà Nội, đạo diễn Trần Lực đang nỗ lực làm sân khấu Lucteam, đi theo hướng mới. Đó là một cách làm tốt, có một hướng đi rõ ràng về nghệ thuật, chất lượng bảo đảm. Nhưng đó chỉ là những tiếng nói đơn lẻ. Một số đơn vị sân khấu tư nhân ở Hà Nội cũng dàn dựng các vở được cho là "lớn" nhưng chất lượng kém. Không ít người cứ chắc mẩm, dựng vở lớn là làm nghệ thuật đỉnh cao. Họ nhầm, chỉ một vở quy mô nhỏ vẫn có thể đầy ắp tính nghệ thuật.

Mặt khác, Nhà nước hiện nay vẫn đầu tư tiền cho các nhà hát nhưng dàn trải, không đủ để các nhà hát sống tốt, làm nghệ thuật tốt. Nhiều nhà hát công lập đang trong tình trạng lay lắt, tạm bợ.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành!