Rủi ro tiềm ẩn

Căng thẳng vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực, giá dầu bấp bênh và khó khăn đe dọa một số nền kinh tế cho thấy một thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu Brent và dầu WTI tăng mạnh sau quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+.
Giá dầu Brent và dầu WTI tăng mạnh sau quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+.

1. Chín quốc gia thành viên ở sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn gọi là nhóm Bucharest Nine (B9), đã kêu gọi Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao các nước B9, gồm Bulgaria, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phòng thủ của khu vực giáp biên giới với Ukraine. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Romania, khu vực sườn phía đông của NATO cần tăng cường phòng không, năng lực chống tên lửa cùng các phương tiện giám sát, trinh sát và tình báo.

Động thái này có thể thổi bùng căng thẳng trong khu vực, trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài hơn một năm qua vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính: Chi phí cho công cuộc tái thiết nền kinh tế Ukraine dự kiến có thể lên đến 411 tỷ USD, cao gấp 2,6 lần GDP ước tính của Ukraine trong năm 2022.

2. Sau khi giá dầu thế giới ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022 với mức giảm 5% trong tháng 3/2023 thì giá "vàng đen" lại tăng mạnh khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 2/4 đã bất ngờ công bố đợt cắt giảm sản lượng mới ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia dẫn đầu nhóm với cam kết giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày. Các thành viên bao gồm Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Algeria cũng tiếp bước, trong khi Nga cho biết việc cắt giảm sản lượng mà họ đang thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung bất ngờ của OPEC+ có thể đẩy giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng, khiến thị trường thắt chặt hơn và thúc đẩy các nhà máy lọc dầu đa dạng hóa nguồn cung. Động thái mới nhất của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thâm hụt trong quý II/2023, trái ngược với dự báo dư thừa được đưa ra trước đó. Thông báo về quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường, vốn đang kỳ vọng liên minh này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách sản lượng được thống nhất vào tháng 10/2022. Giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 6% trong phiên giao dịch sáng 3/4.

3. Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) vừa công bố kết quả cuộc khảo sát về kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong quý đầu tiên. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Canada kỳ vọng lạm phát sẽ chậm lại nhưng do lãi suất cao gây áp lực lên nền kinh tế, họ cũng đang điều chỉnh vấn đề tài chính do lo ngại suy thoái kinh tế.

Với lãi suất cơ bản ở mức cao nhất kể từ năm 2007, chi phí vay cao hơn dự kiến sẽ tiếp tục hạn chế người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong những tháng tới. Cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng Canada dự kiến sẽ giảm chi tiêu, đồng thời các doanh nghiệp dự đoán doanh số bán hàng sẽ chậm lại. BoC cho biết gần một nửa số công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, do lo ngại suy thoái kinh tế. Còn người tiêu dùng đang có kế hoạch chi tiêu ít hơn cho các hoạt động như du lịch và đi nhà hàng trong năm tới.

Rủi ro tiềm ẩn ảnh 1
WHO kêu gọi các nước tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

4. Trong báo cáo công bố ngày 4/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Cứ sáu người trưởng thành trên thế giới có một người vô sinh ở một thời điểm nào đó. WHO kêu gọi các nước tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Theo WHO, khoảng 17,5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó, và có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực và giữa nước giàu với nước nghèo. Cụ thể, tỷ lệ này là 17,8% ở những nước thu nhập cao và 16,5% ở những nước thu nhập thấp.

Đây là lần đầu trong 30 năm, WHO thực hiện báo cáo về vấn đề vô sinh ở người trưởng thành. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, báo cáo cho thấy thực trạng đáng báo động rằng vô sinh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới, ảnh hưởng tới hàng triệu người. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản và nguồn tài trợ y tế