Bất đồng khó hóa giải

Rất nhiều mối quan hệ và vấn đề toàn cầu rơi vào bế tắc, do các bên không thu hẹp được bất đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze.
Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze.

1 Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: Nước này đã đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Gruzia, sau khi Gruzia quyết định tạm dừng tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền cho biết Tbilisi sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập EU cho đến năm 2028, và từ chối tất cả các khoản tài trợ từ ngân sách của EU. Quyết định được đưa ra là do hàng loạt lời chỉ trích chính quyền Gruzia từ khối gồm 27 quốc gia thành viên châu Âu này.

Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze khẳng định gia nhập EU là mục tiêu của Gruzia, được ghi trong Hiến pháp. Mặc dù Gruzia sẽ tiếp tục nỗ lực gia nhập EU, song sẽ không đưa vấn đề tiến hành các cuộc đàm phán với liên minh này vào chương trình nghị sự cho đến năm 2028.

Tuyên bố trên kéo theo các cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô Tbilisi và nhiều thành phố khác của Gruzia. Nhiều vụ đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật. Trong khi đó, Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili tuyên bố không có ý định rời nhiệm sở, cho đến khi cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi hồi tháng 10 được tổ chức lại. Nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Zourabichvili - được bầu vào năm 2018, sẽ kết thúc vào ngày 16/12 tới.

2 Điện Kremlin cảnh báo: Bất kỳ sức ép nào của Washington nhằm buộc các quốc gia sử dụng USD sẽ phản tác dụng, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các nước thành viên BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác thay thế USD, nếu không Washington sẽ áp thuế 100% với những nước có động thái như vậy.

Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: USD đang mất dần sức hấp dẫn của loại tiền tệ dự trữ đối với nhiều quốc gia và xu hướng này đang diễn ra nhanh chóng. Ngày càng nhiều nước chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong các hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại. Trong khi đó, một nghiên cứu của Trung tâm Địa kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương năm nay cho thấy USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

3 Căng thẳng giữa Trung Quốc và Litva gia tăng, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh phản đối việc Litva yêu cầu ba nhân viên ngoại giao làm việc tại Văn phòng Đại biện lâm thời Trung Quốc ở Litva phải rời khỏi quốc gia châu Âu này trong thời gian quy định. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn nhấn mạnh: Hành động trên của Litva gây bất lợi và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước. Bắc Kinh hy vọng chính phủ mới sắp tới của Litva sẽ thúc đẩy các điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước.

Tuyên bố được đưa ra ba ngày sau khi Bộ Ngoại giao Litva yêu cầu ba nhân viên của Văn phòng Đại biện lâm thời Trung Quốc phải rời khỏi nước này trong vòng một tuần, do “là những người không được hoan nghênh”. Vụ việc được cho là có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Vilnius và Bắc Kinh, vốn đã bị hạ cấp kể từ năm 2021.

Bất đồng khó hóa giải ảnh 1

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề cấp bách đối với môi trường trên hành tinh.

4 Các đại biểu của gần 200 quốc gia đã có mặt tại Busan, Hàn Quốc vào ngày 1/12 để tham dự kỳ họp thứ 5 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa với mục tiêu đạt được thỏa thuận, khép lại tiến trình hai năm đàm phán về một thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán kéo dài một tuần đã không giải quyết được chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia “có tham vọng cao” đang tìm kiếm một thỏa thuận ràng buộc toàn cầu nhằm hạn chế sản xuất và loại bỏ dần các hóa chất độc hại, với các quốc gia muốn tập trung vào vấn đề chất thải. Chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa Luis Vayas Valdivieso kêu gọi tiếp tục đàm phán để khai thông bế tắc.