Không còn mới, cũng chưa từng cũ
An ninh phi truyền thống không phải câu chuyện mới. Từ năm 1994, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chính thức đưa ra khái niệm “an ninh con người” (human security), nhấn mạnh rằng an ninh không chỉ là bảo vệ nhà nước mà còn là bảo vệ con người khỏi các mối đe dọa phi quân sự.
Đến năm 2002, khái niệm an ninh phi truyền thống (Non-Traditional Security) lần đầu được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Sau đó, cụm từ “an ninh phi truyền thống” được bàn luận ngày một rộng rãi trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và tới nay, nó đã trở nên vô cùng quen thuộc, đối với đại chúng.
Hiểu một cách ngắn gọn, an ninh phi truyền thống là cả một khái niệm tổng hợp, mà nội hàm bao gồm: Các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái.
Chính vì biên độ rộng lớn ấy, nên các biến cố an ninh phi truyền thống trong năm 2024 đã trải dài và xâm nhập vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội quốc tế. Có thể kể đến sự cố máy tính “màn hình xanh” toàn cầu, khi một phần mềm bảo mật mang tên CrowdStrike của Microsoft bị lỗi trong quá trình cập nhật, dẫn tới việc tất cả máy tính của các hãng hàng không, đài truyền hình, hãng đường sắt, các dịch vụ công, cửa hàng bán lẻ và hệ thống y tế trên khắp thế giới sử dụng Microsoft365 đồng loạt ngừng hoạt động vào ngày 19/7.
Hoặc một sự kiện khác: siêu bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trên Thái Bình Dương năm 2024, tấn công một loạt quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9, gây ra những hậu quả thảm khốc: Hơn 800 người chết, hơn 2.200 người bị thương và 129 người mất tích, dẫn tới tổng thiệt hại lên đến 16,6 tỷ USD ở các quốc gia liên quan.
Xa hơn nữa, nhân loại hẳn chưa quên đại dịch Covid-19, thách thức an ninh phi truyền thống có sức hủy diệt khủng khiếp, đe dọa sự sống còn của toàn bộ loài người. So với mức độ “sát thương” của nhiều loại vũ khí, con virus bé nhỏ mang tên SARS-CoV-2 còn ghê gớm hơn gấp bội, khi cướp đi mạng sống của khoảng bảy triệu người chỉ trong vòng ba năm hoành hành.
Nếu Covid-19 hay bão tố và sự cố máy tính tạo ra tác động trực tiếp, có thể dễ dàng lượng hóa được thiệt hại ban đầu thì có những thách thức an ninh phi truyền thống âm thầm gây họa, mà biến đổi khí hậu là thí dụ rõ ràng nhất. Theo một số tính toán, biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và gây thiệt hại kinh tế 12.500 tỷ USD trên toàn thế giới, tính đến năm 2050. Trong đó, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng kỷ lục và chất lượng không khí tồi tệ trở thành những “sát thủ” hàng đầu, đe dọa sinh mạng của hàng chục triệu người.
Những dữ liệu kể trên được phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT thu thập, dựa trên báo cáo công bố tại Hội nghị hằng năm lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) và các tài liệu tương tự của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nghe có vẻ rất đáng tin cậy. Song, vấn đề là: Nếu ChatGPT đạt đến mức độ thông minh đủ để cung cấp số liệu “ảo” cho chúng ta, hay nói cách khác là quyết đánh lừa chúng ta, thì hậu quả sẽ như thế nào? Câu hỏi ấy cũng chính là sự biểu thị một dạng thách thức an ninh phi truyền thống mới, thứ đang ngày một khó lường hơn, song hành với sự phát triển vũ bão của AI.
Bảo đảm an ninh phi truyền thống
Việc các thách thức an ninh đối với nhân loại ngày càng phức tạp và mới mẻ đang thúc đẩy một nhu cầu tuy không mới, nhưng lại chưa bao giờ là dễ dàng: Sự chung tay của cả thế giới.
Trong thời đại siêu kết nối ngày nay, rủi ro chẳng còn là của riêng bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào nữa. Một cánh rừng ở đầu nguồn bị đốn hạ cũng sẽ đồng nghĩa nước lũ tràn về nhanh hơn dưới hạ lưu. Một dự án khai thác dầu tại Bắc Cực có thể dẫn tới những tảng băng trôi tai hại đe dọa các tuyến hàng hải trên Đại Tây Dương hoặc Biển Bắc. Các hoạt động canh tác tại California có thể khiến sông Colorado khô hạn hơn, ảnh hưởng tới đời sống của sáu bang khác tại Mỹ - vốn đều trông chờ vào nguồn ngước của con sông này. Việc đánh bắt quá mức tại những vùng duyên hải Tây Phi có thể dẫn tới cạn kiệt nguồn hải sản, làm trầm trọng thêm cuộc sống đói nghèo ở nơi đây. Từ đó, tình cảnh khốn cùng có thể tạo ra thêm những dòng người di cư mới, liều lĩnh vượt biển trên những con thuyền ọp ẹp để tìm cơ hội đổi đời tại châu Âu.
Hay rộng lớn hơn, với gần một triệu loài thực vật và động vật hiện đang có nguy cơ biến mất, hiệu ứng lan tỏa từ sự tuyệt chủng của một loài có thể ảnh hưởng đến vô số loài khác, phá vỡ các chức năng sinh thái quan trọng của hành tinh. Và ở một chiều không gian khác, một sự cố phần mềm máy tính đủ sức kéo theo thiệt hại cho hàng trăm lĩnh vực trong đời sống toàn cầu, bao gồm cả nguy cơ sai sót của những vũ khí được dùng trong các cuộc xung đột đang sôi sục trên thế giới.
Siêu bão Yagi tàn phá cả một dải các quốc gia Đông - Đông Nam Á. |
Cục diện địa chính trị toàn cầu, vì những thách thức mới, cũng đang biến chuyển nhanh chóng. Chẳng hạn, nhu cầu về các loại khoáng sản quý hiếm dùng cho năng lượng xanh đang tạo ra vị thế mới cho các quốc gia quần đảo Nam Thái Bình Dương, nơi đang nắm giữ hàng trăm triệu tấn kim loại hiếm được ẩn giấu dưới đáy biển. Hoặc châu Phi - với nguồn tài nguyên đất hiếm, dầu khí và những khu rừng có giá trị tín chỉ carbon khổng lồ - cũng đang trở thành sàn đấu cạnh tranh mới của các cường quốc.
Sự can dự không chỉ dẫn tới những trật tự mới, mà còn có thể tạo những khoảng trống an ninh mới ở lục địa còn nhiều khó khăn này, và đó là mảnh đất màu mỡ để những tổ chức khủng bố núp bóng niềm tin tôn giáo bám rễ rồi lớn mạnh. Bản thân các nhóm này cũng chính là một thách thức an ninh phi truyền thống mà cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm ra cách xử lý triệt để.
Nổi lên giữa bức tranh lộn xộn và rộng lớn mang tên an ninh phi truyền thống, chỉ có một lựa chọn duy nhất: Khả năng hợp tác toàn cầu. Chỉ có thông qua những cơ chế hợp tác quốc tế, cùng nhau chia sẻ thông tin và lợi ích thì các quốc gia, các chủ thể liên quan mới kiểm soát và phòng ngừa được những rủi ro ngày một khó lường, đối với an ninh cũng như sinh kế của người dân ■