1 Hãng tin EFE (Tây Ban Nha) nhận định: Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ latin, khu vực dự đoán sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ song phương với Mỹ, đặc biệt là về thương mại, chính sách di cư và an ninh. Các quốc gia như Mexico, Brazil, Argentina, Venezuela, Colombia, El Salvador… đang chuẩn bị cho những tác động kinh tế và chính trị, ở mức thậm chí có thể dẫn tới tái cấu trúc quan hệ giữa các nước này với Washington và làm thay đổi bối cảnh khu vực.
Mexico đón nhận chiến thắng của ông Trump vừa lạc quan vừa thận trọng. Đây có thể là cơ hội để hai bên củng cố quan hệ kinh tế song phương, song một số cam kết tranh cử của ông Trump như đóng cửa biên giới và đàm phán lại Hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada (USMCA) có thể sẽ ảnh hưởng đến Mexico. Brazil - quốc gia rộng lớn nhất và nền kinh tế lớn nhất Mỹ latin - cũng đối diện thách thức, nếu ông Trump thực hiện việc tăng thuế nhập khẩu và áp dụng các chính sách bảo hộ.
2 Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar tuyên bố: Có tiến triển trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Lebanon, và Tel Aviv cũng đang hợp tác với Washington trong các nỗ lực ngoại giao. Trước đó, truyền thông Israel đưa tin nước này và Lebanon đã trao đổi dự thảo thông qua đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein, báo hiệu sự cải thiện trong nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tân Bộ trưởng Ngoại giao Israel đánh giá: Thách thức chính sẽ là thực thi bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Ông Saar cũng nhắc lại lập trường của Tel Aviv, là cấm sự hiện diện của lực lượng Hezbollah ở gần biên giới với Israel, cũng như ngăn chặn lực lượng này trang bị lại các hệ thống vũ khí mới.
Trong khi đó, phía Hezbollah xác nhận những động thái đáng chú ý từ những quốc gia có ảnh hưởng như Mỹ, Nga, Iran..., song các bên vẫn đang trong giai đoạn đưa ra ý tưởng, vẫn cần những điều chỉnh linh hoạt để đạt đồng thuận trong các cuộc thảo luận.
3 Sự sụp đổ bất ngờ của liên minh cầm quyền tại Đức đang đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào tình thế nan giải, khi cuộc bầu cử sớm có thể gặp khó khăn về hậu cần. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã bị Thủ tướng Olaf Scholz sa thải, với lý do ông Lindner đã không thể hoàn thành nhiệm vụ cơ bản là dự thảo ngân sách, đồng thời đánh mất sự tôn trọng của các thành viên chính phủ khác. Sau khi phe đối lập yêu cầu, Thủ tướng Đức cho biết ông sẵn sàng kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước này trước Lễ Giáng sinh, mở đường cho các cuộc bầu cử sớm vào tháng 1/2025.
Tuy nhiên, Chủ tịch Cơ quan Thống kê Liên bang Ruth Brand đã cảnh báo về những rủi ro khó lường về các vấn đề hậu cần, nếu bầu cử sớm được tiến hành trong tháng đầu tiên của năm 2025. Theo đó, bà bày tỏ mong muốn tận dụng tối đa thời hạn 60 ngày được quy định trong hiến pháp, giữa thời điểm giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử mới, để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, ở cả cấp liên bang và cấp bang. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (Đảng Xanh) đã lên lịch tổ chức các cuộc đàm phán kín với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, nhằm xử lý các bước tiếp theo.
Người dân nhiều nước châu Phi đã được tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. |
4 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ triệu tập cuộc họp Ủy ban khẩn cấp, để quyết định liệu bệnh đậu mùa khỉ có còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu không. Tháng 8 vừa qua, trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan ở châu Phi, WHO đã ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mức cảnh báo cao nhất. Động thái này diễn ra sau sự lây lan của biến thể vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ mới tại nhiều khu vực châu Phi.
Trong báo cáo công bố ngày 11/11, WHO cho biết kể từ đầu năm tới nay, châu Phi đã ghi nhận 46.794 ca mắc và nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 1.081 ca tử vong. Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và Uganda là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp. Hiện vaccine phòng bệnh đã được phân phát cho chín nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.