Chuyển hướng

Dù đã tiến hành hay đang chuẩn bị, những sự thay đổi đang diễn ra trong dòng chảy sự kiện quốc tế tuần qua đều hướng tới mục tiêu phá vỡ thế bế tắc, hướng tới hòa bình và thịnh vượng.
0:00 / 0:00
0:00
Tân Thủ tướng Canada Mark Carney.
Tân Thủ tướng Canada Mark Carney.

1. Tân Thủ tướng Canada Mark Carney đã lựa chọn Pháp và Anh là những điểm công du nước ngoài đầu tiên. Ông Carney sẽ lần lượt có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer, trong nỗ lực đa dạng hóa thương mại và phối hợp đối phó với các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc Canada thúc đẩy đa dạng hóa thương mại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra là hoàn toàn cần thiết bởi hơn 75% hàng xuất khẩu của Canada là sang Mỹ. Sau lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 24 của Canada, ông Mark Carney đã thể hiện quan điểm cứng rắn, khẳng định sẽ duy trì các biện pháp trả đũa cho đến khi Washington thể hiện thiện chí đàm phán công bằng. Căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với nhôm và thép của Canada, đồng thời đe dọa áp dụng thuế trừng phạt 25% đối với phần lớn hàng nhập khẩu và 10% đối với năng lượng, khoáng sản từ Canada, kể từ ngày 2/4 tới.

2. Nhân Ngày Quốc tế chống bài Hồi giáo, Tổng Thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Albudaiwi cho biết các quốc gia GCC đang thực hiện các bước đi quan trọng để chống lại nạn kỳ thị Hồi giáo. Các nước vùng Vịnh ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại, chung sống hòa bình và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo. GCC kêu gọi chống lại mọi hình thức thù hận, sự không khoan dung và chủ nghĩa cực đoan.

Ông Albudaiwi đề cao những nỗ lực của GCC, bao gồm đề xuất thành lập Cơ quan giám sát khoa học GCC để chống lại chủ nghĩa cực đoan, thông qua Ủy ban Bộ trưởng các vấn đề Hồi giáo tại các quốc gia GCC. Ông tái khẳng định lập trường kiên định của GCC chống lại chủ nghĩa cực đoan, cam kết chống tài trợ khủng bố và hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố quốc tế.

3. Để tăng ngân sách quân sự nhằm bảo đảm an ninh, nhiều nước châu Âu buộc phải cắt giảm các chương trình hỗ trợ xã hội. Hãng Moody's Analytics nhận định châu Âu đã được hưởng “cổ tức hòa bình” trong những thập kỷ qua, để giải phóng các nguồn lực kinh tế cho đầu tư tư nhân, đồng thời cho phép các chính phủ tăng cường hỗ trợ phúc lợi xã hội và mạng lưới an toàn tài chính. Việc trở lại mức chi tiêu quân sự trong những năm 80 thế kỷ trước sẽ là thách thức rất lớn, trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt mức nợ công ngày càng tăng.

Nếu đáp ứng đòi hỏi từ phía Mỹ, rằng các nước NATO nên tăng chi tiêu quân sự lên 5% GDP, châu Âu sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 230-460 tỷ euro hằng năm. Điều này dẫn tới kịch bản một số nước có khả năng phải áp dụng thuế chiến tranh. Đồng thời, việc cắt giảm chi tiêu chính phủ cho lương hưu và chăm sóc y tế sẽ là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, do châu Âu là khu vực có tỷ lệ dân số già nhất thế giới.

Chuyển hướng ảnh 1

Ngân hàng Spuerkeess lần đầu phát hành trái phiếu xanh ưu tiên cao cấp.

4. Nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững và mở ra chương mới trong chiến lược tài chính, ngân hàng Spuerkeess (Luxembourg) đã lần đầu phát hành trái phiếu xanh cấp cao ưu tiên, trị giá 500 triệu euro. Đợt phát hành trái phiếu xanh 6NC5 này thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, với sổ lệnh cuối cùng đạt mức kỷ lục 1,8 tỷ euro, gấp 3,6 lần so quy mô phát hành ban đầu. Điều này cho thấy niềm tin mạnh mẽ của thị trường vào tiềm lực tài chính và chiến lược phát triển bền vững của Spuerkeess.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về hiệu quả năng lượng tại Luxembourg. Thu hút khoảng 125 lệnh từ các nhà đầu tư, đợt phát hành này góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Luxembourg, cũng như trên toàn cầu.