1 Theo những dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố vào trung tuần tháng 12/2024, tổng quy mô nền kinh tế toàn cầu có thể đạt 15 nghìn tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu, với GDP ước đạt 30,3 nghìn tỷ USD. Vị trí thứ hai vẫn là Trung Quốc, với GDP 19,5 nghìn tỷ USD. Chỉ riêng hai nền kinh tế này đã chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu.
Ở vị trí kế tiếp, với GDP 4,9 nghìn tỷ USD, nền kinh tế Đức đã vượt qua Nhật Bản (4,4 nghìn tỷ USD), giành lại vị trí thứ ba. Vị trí thứ năm thuộc về Ấn Độ (4,3 nghìn tỷ USD). Hai thành viên sáng lập khác của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS là Brazil (2,3 nghìn tỷ USD, vị trí thứ 10) và Nga (2,2 nghìn tỷ USD, vị trí thứ 11) cũng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Một loạt nền kinh tế Đông Nam Á hiện diện trong nhóm 50, bao gồm Singapore (562 tỷ USD, hạng 28), Thái Lan (545 tỷ USD, hạng 31), Phillipines (508 tỷ USD, hạng 32), Việt Nam (506 tỷ USD, hạng 33), Malaysia (488 tỷ USD, hạng 35), và đáng kể nhất là Indonesia (1,5 nghìn tỷ USD, hạng 16).
Nhìn chung, như Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận xét: “Nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Lạm phát giảm theo mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định”. Cùng quan điểm đó, nhà kinh tế trưởng của IMF - ông Pierre Olivier Gourinchas - đánh giá: “Chúng ta đã gần chiến thắng lạm phát. Chúng tôi dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vững chắc ở mức 3,2% cho năm 2024 và 2025”. Mặc dù những số liệu cuối cùng của kinh tế thế giới năm 2024 chưa được công bố, nhưng mức tăng trưởng dự báo 3,2% đã vượt xa ước tính của chính IMF đưa ra vào tháng 10/2023 là 2,9%. Đây thật sự là một “chặng về đích” khá ấn tượng, và nó trở thành cơ sở để IMF nhận định tương đối lạc quan về năm 2025.
2 Tuy nhiên, đối với không ít chuyên gia, sự xuất hiện của các biến động chính trị khắp nơi vẫn có thể tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2025. Đơn cử, ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Tập đoàn Citi, bình luận: “Môi trường chính trị dường như bất ổn hơn bất kỳ thời điểm nào mà tôi còn nhớ”.
Các quyết sách của Nhà trắng, trong thời gian tới, thật sự đã, đang và vẫn sẽ là yếu tố tâm điểm, có thể quyết định diện mạo của cả nền kinh tế toàn cầu. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nói về việc áp dụng mức thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và mức thuế ít nhất 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào cuối tháng 11, sau chiến thắng trước bà Kamala Harris, ông tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với Mexico và Canada, và áp một mức thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia đã kịp đưa ra các dự đoán khác nhau về mức độ thiệt hại mà các mức thuế mới của ông Trump có thể gây ra cho các nền kinh tế khác, tùy thuộc vào mức thuế quan. Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, phân tích: “Chúng tôi cho rằng nhiều nước đang phải chuẩn bị sẵn sàng cho một tình trạng căng thẳng thương mại lớn hơn trong năm 2025. Nếu Mỹ chỉ áp thuế 20% thì các công ty và doanh nghiệp vẫn có thể thích ứng được, nhưng nếu mức thuế tăng lên 60% thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều, và các thiệt hại sẽ tăng lên đáng kể”.
Hay theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bất ổn vào năm 2025. “Tôi bảo lưu quan điểm rằng các biện pháp hạn chế thương mại, chính sách bảo hộ… không có lợi cho tăng trưởng”, bà trả lời phỏng vấn, về khả năng ông Donald Trump áp thuế cao với hàng nhập khẩu từ châu Âu.
Có điều, cũng rất đáng lưu ý, theo giới chuyên môn: Mức thuế quan cao hơn có thể gây tác dụng ngược cho chính nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo GDP của Mỹ sẽ chịu tổn thất lớn nếu Mỹ áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Tác động với nền kinh tế toàn cầu khi Mỹ áp mức thuế cao hơn cũng sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của các quốc gia bị ảnh hưởng, thí dụ chuyện áp mức thuế quan trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Công ty tư vấn Capital Economics nhận định: “Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại với phạm vi toàn thế giới (chứ không chỉ còn là “thương chiến Mỹ-Trung”). Nếu xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, nó thậm chí có thể làm giảm 2-3% GDP toàn cầu”.
Tại khu vực châu Âu, tình trạng bế tắc chính trị ở hai nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) là Đức và Pháp đang kéo theo những hệ quả kinh tế-xã hội sâu sắc. Nhưng, điều đáng sợ là theo dự báo của nhiều kênh phân tích, tình trạng hỗn loạn này sẽ còn kéo dài ít nhất đến tận giữa năm 2025. Và cuối cùng, các cuộc xung đột chưa hồi kết ở Ukraine hay Trung Đông đều tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến chi phí năng lượng - hơi thở của nền kinh tế thế giới.
3 Song, xét cho cùng, bức tranh toàn cảnh không chỉ là những gam mầu ảm đạm. Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia kinh tế không quá lo ngại về tác động trong ngắn hạn, từ biến động giá dầu. Mặc dù Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác (OPEC+) vẫn dự báo nhu cầu dầu trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 1-1,5 triệu thùng/ngày so năm 2024, nhưng giá dầu nhiều khả năng sẽ chỉ dao động quanh mức 75 USD/thùng vào đầu năm 2025 và có thể hạ xuống quanh mức 70 USD/thùng vào nửa sau năm 2025. Nguyên nhân không chỉ là chuyện tăng trưởng sản lượng dầu của các quốc gia ngoài OPEC+ (Mỹ, Canada, Brazil, Guyana…), mà còn xuất phát từ xu thế phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng tuần hoàn… trên khắp thế giới.
Trong bối cảnh ấy, trở lại với các thông số mà IMF cung cấp, có thể thấy: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất nằm ở khu vực của Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và Bắc Phi - những nền kinh tế “phương nam” đang phát triển với tốc độ trung bình hơn 6%. Nền tảng chính cho sự trỗi dậy này là đầu tư nước ngoài gia tăng, tình hình chính trị ổn định và thị trường lớn với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ. Nam bán cầu, trong quỹ đạo tái định hình trật tự thế giới, vẫn đang là động lực kinh tế chủ chốt.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: Vì phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, đây cũng sẽ là các quốc gia dễ chịu tổn thương bởi cạnh tranh địa chính trị, những sự thay đổi chiến lược, quyết sách lớn của các cường quốc, hay những hệ quả của chiến tranh và xung đột, chưa kể tới xu thế phát triển bão táp của trí tuệ nhân tạo - thứ đang dần thay thế một tỷ trọng không nhỏ nhu cầu lao động truyền thống. Vượt qua tất cả những cạm bẫy đó nhằm kiểm soát vận mệnh của chính mình, sẽ là một thách thức chung không hề dễ dàng.
Indonesia - đại diện tiêu biểu của những nền kinh tế nam bán cầu đang vươn dậy mạnh mẽ. |